Rửa tiền qua kinh doanh sứa
Rửa tiền được định nghĩa là hành vi chuyển đổi lợi nhuận của các hoạt động bất hợp pháp thành tài sản có nguồn gốc hợp pháp.
Số tiền được xử lý từ buôn bán ma túy tại Mexico lên đến 10 - 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 3 - 5% GDP của nước này. Tại Mexico, rửa tiền được coi là “ngành công nghiệp” dành cho hàng loạt băng đảng tội phạm buôn bán ma túy và vũ khí.
Vào cuối tháng 4/2021, Gan Xianbing, 59 tuổi, công dân Trung Quốc tại Mỹ, bị kết án 14 năm tù vì điều hành doanh nghiệp ma để chuyển “tiền bẩn” của các băng nhóm tội phạm Mexico tại Chicago, Mỹ, về Trung Quốc. Rồi từ Trung Quốc, các công ty có quan hệ mật thiết với Xianbing sẽ chuyển nó trở lại Mexico dưới dạng tiền sạch.
Là chủ một công ty sản xuất giày ở thành phố Ôn Châu, Trung Quốc, Xianbing chuyển đến Guadalajara, Mexico vào năm 2011 và thành lập doanh nghiệp xuất khẩu sứa sang Trung Quốc. Khi việc làm ăn ngày một phát đạt, Xianbing liên kết với băng nhóm ma túy lớn nhất Mexico là Jalisco.
Nhờ ông trùm Jalisco bày cách, Xianbing đã thực hiện nhiều phi vụ chuyển tiền và rửa tiền giữa Mỹ, Mexico và Trung Quốc qua những hợp đồng mua sứa.
Tính riêng năm 2018, Xianbing đã rửa hơn 530.000 USD tiền giao dịch ma túy trước khi bị bắt tại sân bay Los Angeles, Mỹ, vào tháng 11/2018. Hoạt động của Xianbing bị bại lộ do cơ quan điều tra Mỹ bắt được một trong những “cánh tay phải” của hắn ta là Lim Seok Pheng, người Singapore.
Tháng 5/2018, Pheng bị bắt tại Mỹ vì có liên quan đến một vụ rửa tiền. Pheng vốn làm nghề bán rong giày dép, lấy hàng từ nhà máy của Xianbing. Khi sang thành phố Guadalajara năm 2016, Xianbing chiêu mộ Pheng tham gia vào hoạt động rửa tiền cùng một người Hoa khác là Pan Haiping.
Sau đó, Cơ quan An ninh nội địa Mỹ đã gắn thiết bị ghi âm vào túi xách của Pheng để “bẫy” Xianbing. Thông qua Pheng, Cơ quan An ninh nội địa Mỹ cũng cài đặc vụ ngầm bên cạnh Xianbing nhằm thu thập các hoạt động phạm pháp của hắn.
Kết quả phát hiện từ năm 2012 - 2019, Gan Xianbing, Pan Haiping và 3 thương nhân người Hoa khác tại Mexico đã chuyển sang Trung Quốc 65 triệu USD tiền mặt có nguồn gốc từ giao dịch ma túy.
Pheng tiết lộ, tiền bẩn được thu gom từ những kẻ bán lẻ thành nguồn tiền 150 nghìn đến 1 triệu USD/lần, trong đó trung bình một lần giao dịch là 500 nghìn USD. Trước mỗi giao dịch, nhóm Jalisco sẽ nhắn tin thông báo ngày, giờ và địa điểm Pheng gặp người chuyển tiền. Trong tin nhắn còn có số seri và mã của một tờ tiền trị giá 1 USD.
Khi Pheng và người chuyển tiền gặp nhau, họ sẽ đưa cô tờ 1 USD với số seri và mã trùng khớp với nội dung trong tin nhắn. Tờ 1 USD có giá trị như một biên lai, xác định việc giao dịch đã hoàn tất. Về phía Pheng, cô sẽ chuyển toàn bộ số tiền nhận được cho công ty “bình phong” của Xianbing để nơi này xử lý nó thành tiền sạch.
Không lâu sau, Gan Xianbing, Pan Haiping cùng 3 doanh nhân người Hoa bị bắt. Họ bị cáo buộc đã làm việc với Xianbing để xử lý số tiền bẩn từ giao dịch ma túy ở Chicago, Mỹ, và rửa tiền thông qua các tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc. Hoạt động này nhằm bảo đảm không một giao dịch tiền bạc nào được thực hiện trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ, giúp các băng nhóm tội phạm không bị phát hiện.
Những người đàn ông trên đều xây dựng vỏ bọc là doanh nhân hợp pháp, không dính líu đến pháp luật. Đơn cử, Pan Haiping là giám đốc công ty kinh doanh đồng hồ, đồ chơi Trung Quốc. Tại Mexico, hắn ta đầu tư vào kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Nhiều cổ đông trong các công ty của Haiping, Xianbing cũng tham gia vào hoạt động rửa tiền dưới lớp bình phong kinh doanh hợp pháp.
“Dây chuyền” của Xianbing không phải vụ án rửa tiền đầu tiên của doanh nhân Trung Quốc tại Mexico. Tháng 9/2020, Wu Xueyong, người Trung Quốc tại Mỹ, bị Tòa án Liên bang Virginia tuyên phạt 5 năm tù và tịch thu hơn 4,2 triệu USD thu được từ việc buôn bán cocaine tại Mỹ. Hoạt động của Wu tương tự Xianbing và đồng phạm.
Tạo dựng doanh nghiệp “bình phong”
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc và Mexico đã mở rộng quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Theo dữ liệu sơ bộ, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Mexico thiết lập kỷ lục mới, đạt 100 tỷ USD vào năm 2021. Giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 90% tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mexico. Các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mexico đạt 189 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, tội phạm Trung Quốc cũng tham gia nhiều hơn vào hoạt động bất hợp pháp tại Mexico như buôn bán ma túy, rửa tiền… Những năm trở lại đây, Mỹ báo động tình trạng gia tăng các hoạt động rửa tiền bẩn giữa biên giới Mexico – Mỹ với sự hậu thuẫn của các doanh nhân người Trung Quốc.
Tháng 10/2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố bản cáo trạng buộc tội 6 công dân Trung Quốc xử lý hơn 30 triệu USD cho những kẻ buôn ma túy Mexico sang Mỹ trong khoảng 12 năm. Tuy nhiên, việc điều tra hoạt động rửa tiền của Trung Quốc từ Mỹ và Mexico không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Cơ quan thực thi pháp luật Mỹ nhận định, những “kẻ môi giới tiền tệ” của Trung Quốc là một trong những mối đe dọa mới đáng lo ngại trong cuộc chiến chống ma túy. Tội phạm Trung Quốc đã phá vỡ truyền thống rửa tiền mặt thông qua giao dịch ma túy và thay thế những tay buôn tiền Mexico, Colombia vốn đã thống trị hoạt động buôn bán này trong nhiều thập kỷ.
Do Chính phủ Mexico đặt ra giới hạn nghiêm ngặt với các giao dịch ngoại tệ nên các băng nhóm ma túy khó có thể gửi về Mỹ hàng triệu USD được rửa sạch. Số tiền này phải chuyển sang hình thức đầu tư thông qua những công ty kinh doanh và hợp đồng đúng luật pháp. Vì vậy, những doanh nghiệp Trung Quốc có trụ sở tại Mexico có thể chuyển tiền về Trung Quốc dưới hình thức kinh doanh.
Tuy nhiên, đến khi bị điều tra, hầu hết các doanh nghiệp này đều chỉ là bức bình phong cho hoạt động rửa tiền. Hoạt động này cũng triệt hạ những doanh nghiệp không tham gia rửa tiền bằng cách hạ giá hàng hóa, khiến họ bị phá sản hoặc phải giải thể. Họ chỉ có thể tồn tại nếu tiếp tay hoặc phối hợp với các băng đảng ma túy lớn như Sinoala, Jalisco.
Đội lốt buôn bán động vật hoang dã
Việc buôn bán động vật hoang dã từ Mexico sang Trung Quốc đang gia tăng có liên hệ chặt chẽ với buôn bán ma túy, rửa tiền. Việc buôn bán động vật hoang dã giữa Mexico và Trung Quốc dần trở thành cơ chế để chuyển giao giá trị trong nền kinh tế bất hợp pháp và vượt qua các biện pháp kiểm soát chống rửa tiền của Mỹ và Mexico.
Hiện nay, các băng đảng lợi dụng việc buôn bán động vật hoang dã, gỗ… nhằm che đậy cho việc xử lý tiền bẩn từ buôn bán ma túy. Do giá các sản phẩm động vật hoang dã giữa săn bắt và bán lẻ có sự chênh lệch lớn, chúng trở thành công cụ lý tưởng cho hoạt động rửa tiền và chuyển nhượng giá trị.
Việc buôn bán động vật hoang dã và các loại gỗ quý tại Mexico càng trở nên dễ dàng hơn vì khu vực này đa phần do các băng nhóm tội phạm thường kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn. Từ đó, trở thành khu vực thiếu pháp lý, cơ sở lập pháp và nguồn lực cần thiết để có thể chống lại mối đe dọa từ các qũy được tạo ra thông qua giao dịch bất hợp pháp. Nó góp phần tránh né sự phối hợp của các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự.
Theo báo cáo của Tổ chức Financial Action Task Force (FATF) công bố năm 2020, buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã có doanh thu lên tới 23 tỷ USD mỗi năm. Các tập đoàn tội phạm lợi dụng khu vực tài chính chính thức để rửa tiền thu được.
Tiền được rửa thông qua tiền gửi, dưới vỏ bọc cho vay hoặc thanh toán qua ngân hàng điện tử và chuyển khoản của bên thứ ba qua ngân hàng. Các khoản thanh toán có giá trị không cao nhằm tránh bị phát hiện.
Một xu hướng phổ biến khác là lợi dụng các công ty có liên kết đến buôn bán động vật hoang dã hợp pháp. Các ngành dễ bị lợi dụng gồm y học cổ truyền, trang trí, trang sức và thời trang.
Riêng tại thị trường Mexico, các loài thường bị săn trộm và buôn lậu sang Trung Quốc. Đơn cử, các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường hoạt động dọc theo biên giới với Guatemala và Belize phát hiện nhiều xác báo đốm không có chân, răng hay bộ phận cơ thể khác. Những “chiến lợi phẩm” này hướng đến ngành Y học cổ truyền Trung Quốc.
Việc buôn bán các loài sinh vật biển thậm chí còn rộng rãi hơn. Các sản phẩm khai thác bất hợp pháp có thể kể đến như vây cá mập, tôm hùm, bào ngư, tôm, bong bóng cá Totoaba. Đặc biệt, súp bong bóng cá Totoaba là một món được ưa chuộng tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, hầu như không phải tất cả các vụ săn trộm và buôn bán động vật hoang dã ở Mexico đều có liên quan đến Trung Quốc. Nhiều loài động vật bị săn trộm như vẹt chủ yếu được buôn lậu qua Mỹ. Hay da bò sát cũng có mặt trên thị trường Mỹ do cộng đồng người Tây Ban Nha ưa chuộng làm quần áo.
Tựu chung, rất khó có thể làm rõ quy mô của các doanh nghiệp rửa tiền ở Mexico cũng như những cách thức nhằm che giấu hoạt động của họ. Buôn bán động vật hoang dã cũng chỉ là một trong “ma trận” kinh doanh xử lý những dòng tiền lớn đến từ hàng trăm sản phẩm như dược phẩm, mỹ phẩm, quần áo, đồng hồ…
Hiện tại, chưa rõ các doanh nghiệp Trung Quốc là “sân sau” của hoạt động rửa tiền tại Mexico sử dụng số tiền qua xử lý này ở mức độ này, thậm chí có nhận thức được bản chất bất hợp pháp của các giao dịch này hay không. Từ đó dẫn đến việc truy quét các âm mưu rửa tiền xuyên biên giới trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
“Cách thức những băng đảng tội phạm Mexico liên kết với doanh nhân Trung Quốc là hình thức rửa tiền tinh vi nhất từng tồn tại”, một trong những nguồn tin của cơ quan điều tra Mỹ cho biết.