Bản quyền hình ảnh cầu thủ: Cuộc chiến chưa có hồi kết

Bản quyền hình ảnh cầu thủ: Cuộc chiến chưa có hồi kết

Hình thành thị trường mới

V-League 2020 chính thức xác định ngày trở lại. Thế nên, điểm nóng nhất của tháng 5 nằm ở câu chuyện “ăn chia” bản quyền hình ảnh cầu thủ. Theo đó, CLB Hà Nội đưa ra quy định về việc họ có quyền yêu cầu HLV, cầu thủ của mình tham dự các sự kiện chụp hình phục vụ các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh CLB, có quyền sử dụng, quản lý việc sử dụng và khai thác hình ảnh cầu thủ, HLV theo thoả thuận, hợp đồng được ký kết. Đặc biệt, đội bóng Hà Nội có quyền quản lý, quyền được chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào mà cầu thủ, HLV nhận được khi tham gia các hoạt động quảng cáo thương mại, quảng bá sản phẩm dịch vụ hoặc các hoạt động thương mại trên báo chí.

Đại diện của đội bóng Hà Nội cho biết, việc họ đưa ra quy định về bản quyền hình ảnh phù hợp với tiến trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Điều đó mang đến hành lang pháp lý cho các bên liên quan, đồng thời nhằm chuẩn hóa về những khái niệm còn khá mới mẻ như sở hữu thương hiệu, quyền và nghĩa vụ khi sử dụng hình ảnh và các dấu hiệu liên quan của cầu thủ, HLV, thương hiệu, nhãn hiệu và các tài sản thuộc sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu. CLB Hà Nội cũng sẽ có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh, thương hiệu, các dấu hiệu liên quan khác của HLV, cầu thủ trong hoạt động tiếp thị, quảng cáo của công ty căn cứ theo thoả thuận; thực hiện việc chia doanh thu từ việc sử dụng hình ảnh, thương hiệu, các dấu hiệu liên quan khác của cầu thủ, HLV trong hoạt động quảng cáo.

Bản quyền hình ảnh cầu thủ: Cuộc chiến chưa có hồi kết ảnh 1
Tiền vệ Quang Hải là cầu thủ đắt show quảng cáo nhất tại CLB Hà Nội và Việt Nam hiện tại.

Như vậy, có thể hiểu, CLB Hà Nội là đơn vị duy nhất sở hữu, quản lý hình ảnh các cầu thủ, đồng thời, họ có quyền chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ thu nhập nào cầu thủ có được từ việc sử dụng hình ảnh đó. Quyết định của đội bóng thủ đô được cho là bất ngờ, vào thời điểm đời sống bóng đá đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhưng theo nhận xét của một chuyên gia quảng cáo, sau VCK U23 châu Á 2018, nhiều tuyển thủ U23 Việt Nam trở nên nổi tiếng, là hình ảnh mang tính biểu tượng với công chúng. Từ đó, rất nhiều cầu thủ trong đội hình làm nên lịch sử ở Thường Châu kiếm được tiền từ quảng cáo, viết status mạng xã hội, tham gia sự kiện, trình diễn thời trang. Thị trường hình thành và các nhãn hàng có nhu cầu về hình ảnh các cầu thủ.

Lần đầu tiên trong lịch sử, kể cả sau gần 20 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, những cầu thủ bóng đá sở hữu các tài khoản mạng xã hội với hàng triệu người theo dõi, có vị thế tương đương các ngôi sao giải trí, âm nhạc, điện ảnh, trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng khắp, thu hút những thương hiệu nổi tiếng trong chiến dịch quảng cáo và truyền thông. Việc người quản lý thủ môn Bùi Tiến Dũng để lộ báo giá quảng cáo hồi năm 2018 báo hiệu sự ra đời của thị trường mới, màu mỡ và giàu tiềm năng. Mỗi bài đăng của Tiến Dũng đã có giá gần 60.000 triệu đồng, mỗi TVC quảng cáo trị giá hơn 1 tỷ đồng. Thế nên, vào thời điểm đó, CLB Thanh Hóa ra văn bản khẳng định quyền sở hữu tuyệt đối với hình ảnh của Bùi Tiến Dũng, thủ môn U23 Việt Nam sau đó cũng phải xin lỗi đội bóng xứ Thanh.

Bản quyền hình ảnh cầu thủ: Cuộc chiến chưa có hồi kết ảnh 2
Thủ môn Bùi Tiến Dũng từng bị lộ báo giá quảng cáo ngày còn chơi cho đội Thanh Hóa.

CLB phải thỏa thuận với cầu thủ

Nhìn ở góc độ pháp lý, đội bóng Hà Nội cho thấy quyết tâm “quy hoạch” khu vực hoạt động đang diễn ra tự phát, mạnh ai nấy làm. Ngoài ra, quy định bản quyền hình ảnh ra đời có thể giúp giới các CLB và cầu thủ khẳng định được giá trị, thương hiệu và tránh rơi vào những cuộc chiến pháp lý không cần thiết. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều ý kiến đề cập đến những điều được cho là “phải xem xét lại” trong quy định của đội bóng Hà Nội. Thứ nhất, đa số những cầu thủ của CLB Hà Nội trưởng thành từ lứa năng khiếu, nhiều người còn hợp đồng đào tạo trẻ. Họ không nắm chắc về luật, thậm chí nhiều cầu thủ không có người đại diện chính thức. Từ đó dẫn đến nguy cơ thiệt thòi trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc các điều khoản của CLB Hà Nội đã hợp lý hay chưa? Hợp đồng giữa đôi bên có phù hợp với luật không? Tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa cầu thủ và CLB bao nhiêu là hợp lý? Cầu thủ cần xin phép CLB trong những trường hợp nào?

Hiện nay, các cầu thủ Hà Nội có lượng người theo dõi trên mạng xã hội Facebook rất lớn như: Quang Hải 2,2 triệu, Duy Mạnh 1,6 triệu, Đình Trọng 1 triệu... Điều này giúp các cầu thủ kiếm được rất nhiều tiền từ các hoạt động quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, tham dự sự kiện thương mại, đóng quảng cáo... Mức giá các cầu thủ nhận trung bình cho mỗi lần xuất hiện trước công chúng, đăng bài lên mạng xã hội hay xuất hiện tại một sự kiện có giá từ 1.000 USD, có khi lên tới 10.000 USD. Theo chia sẻ của một cầu CLB Hà Nội, toàn đội đã nhận được quy định của CLB và có tham gia một buổi họp phổ biến quy định này. Nhưng cá nhân cầu thủ này chưa ký, bổ sung gì thêm với CLB Hà Nội. Hiện 2 bên vẫn chưa thống nhất tỉ lệ phân chia như thế nào.

Với tính chất phức tạp của vấn đề còn khá mới mẻ, lại đến từ “mảnh đất màu mỡ”, LĐBĐVN (VFF) biết việc sử dụng hình ảnh cá nhân cầu thủ cho mục đích thương mại phải dựa trên cơ sở thoả thuận, đúng với pháp luật và các điều khoản trong hợp đồng đôi bên. Đối với các vấn đề thuộc về hình ảnh cá nhân, không ai có quyền can thiệp. Việc khai thác hình ảnh cá nhân cầu thủ phục vụ mục đích thương mại cần thực hiện đúng với hợp đồng đôi bên, tuân thủ luật pháp. Ông Lê Hoài Anh - Tổng Thư ký VFF khẳng định, luật bảo vệ quyền sử dụng hình ảnh cá nhân của cầu thủ. Như trong hợp đồng với VFF, HLV Park Hang Seo không phải chia sẻ các khoản thu từ quảng cáo, đại diện hình ảnh cho các nhãn hàng nếu xuất hiện với tư cách cá nhân, trừ trường hợp tham gia quảng cáo với tư cách “HLV trưởng đội tuyển Việt Nam”.

Trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2020, VFF đang làm việc với các cầu thủ để thực hiện chiến dịch quảng bá giải đấu với tư cách “tập thể”, tức là đại diện cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Khi đó các cầu thủ sẽ tham dự theo nhóm chứ không riêng lẻ, để thể hiện họ đại diện cho tập thể “đội tuyển Việt Nam” chứ không phải cá nhân cầu thủ. “Nếu trong hợp đồng các cầu thủ Hà Nội đồng ý trao quyền quản lý, khai thác hình ảnh của họ cho CLB, thậm chí cả đối với trang cá nhân như Facebook thì họ sẽ phải tuân thủ. Trường hợp khác, CLB buộc phải đàm phán với cầu thủ để có sự thống nhất ý chí giữa đôi bên. VFF sẽ có động thái để phổ biến kiến thức pháp luật tới các cầu thủ, giúp họ nắm rõ quyền lợi khi tham gia đàm phán ký kết hợp đồng. VFF cũng ủng hộ xu hướng cầu thủ có người đại diện để bảo vệ quyền lợi khi ký hợp đồng với các CLB”, TTK Lê Hoài Anh cho biết thêm.

Bản quyền hình ảnh cầu thủ: Cuộc chiến chưa có hồi kết ảnh 3
Những tranh luận đã xuất hiện sau thông tin CLB Hà Nội siết lại quy định về sở hữu bản quyền hình ảnh.

Theo một chuyên gia pháp lý, hình ảnh của cầu thủ trước hết thuộc về sở hữu của họ. Các CLB chỉ có quyền khai thác, sử dụng hình ảnh cầu thủ vào mục đích thương mại nếu được sự đồng ý của họ. Tất cả các hình thức khai thác hình ảnh cầu thủ nếu chưa được sự cho phép của họ đều trái luật. Ngoài ra, ông còn dẫn chứng thêm, tại Việt Nam điều 32 Bộ luật Dân sự cũng quy định, “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của họ. Thời kinh tế thị trường, cụm từ “win-win” – đôi bên cùng có lợi luôn là mục tiêu trong các thương vụ, đồng thời nó còn là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật đàm phán, kinh doanh hiện đại nhằm đảm bảo cho kết quả hợp tác bền vững hơn.

Thế cho nên, chuẩn hóa quy định sử dụng hình ảnh và phân chia quyền lợi giữa cầu thủ và CLB là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc đó phải được tiến hành dựa trên trao đổi công bằng và phù hợp với cả đôi bên. Nếu không cuộc chiến sẽ còn kéo dài và hệ lụy của nó có thể tác động tiêu cực đến những vấn đề chuyên môn. CLB Hà Nội đã đi tiên phong, nhưng để phù hợp và không trái luật, VFF cần có vai trò quyết định, mang tính chất định hướng cho các CLB, đội bóng tham gia hệ thống giải chuyên nghiệp hơn là để đội bóng Hà Nội một mình một đường.

Tại giải bóng đá ngoại hạng Anh, việc quản lý lợi ích của hai bên chủ yếu căn cứ vào điều khoản 4 về hợp đồng chuẩn của Công ty Ngoại hạng Anh thuộc Hiệp hội Bóng đá Anh. Trong đó, các chi tiết về quyền lợi và nghĩa vụ của cầu thủ và CLB chủ quản đã được đưa ra một cách rõ ràng. Hợp đồng mẫu trong điều khoản 4 của được xây dựng với mục đích hài hòa lợi ích của các cầu thủ và CLB chủ quản bằng cách đặt ra các thỏa thuận giữa hai bên về các hoạt động tiếp thị và quảng cáo của cầu thủ. Ví dụ, điều khoản 4 có quy định cầu thủ được quyền khai thác hình ảnh của mình trong các thương vụ quảng cáo nằm ngoài phạm vi của hợp đồng mẫu miễn là các hoạt động quảng cáo và khai thác hình ảnh này không vi phạm và xung đột với các nghĩa vụ của họ trong hợp đồng mẫu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ