Điểm lại ưu, khuyết kỳ thi HSG quốc gia
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn HSG quốc gia, dự thi Olympic khu vực quốc tế được Bộ GDĐT triển khai thực hiện với nhiều đổi mới theo hướng ngày càng thực chất, nghiêm túc, khách quan hơn; được sự tham gia tích cực, sự đồng thuận hỗ trợ và đánh giá cao của đội ngũ giáo viên, học sinh và toàn xã hội; đồng thời luôn nhận được sự quan tâm sát sao, động viên, khích lệ kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Kết quả thi chọn HSG hàng năm phản ánh đúng chất lượng dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương trên phạm vi toàn quốc, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt học tốt ở các nhà trường phổ thông, góp phần quan trọng đối với việc triển khai Đề án trường THPT chuyên và thực hiện mục tiêu chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Các kỳ thi chọn HSG quốc gia hàng năm đồng thời làm tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Trong 5 năm liên tục từ 2014 - 2018, các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế có những tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng huy chương theo hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước.
So với giai đoạn 5 năm trước đó từ 2009-2013, tổng số huy chương tăng 37, trong đó số Huy chương Vàng tăng gấp 3 lần. Đặc biệt, năm 2017 cả 37 lượt học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế đã đạt được 14 Huy chương Vàng: 13 Huy chương Bạc: 4 Huy chương Đồng và 3 Bằng khen (có 4 đội tuyển đạt kết cao nhất từ trước đến thời điểm đó).
Năm 2018, cả 38/38 lượt học sinh tham dự Olympic quốc tế và khu vực đều đạt huy chương; kết quả chung của các đoàn dự thi cũng đều ở vào thứ hạng cao trong tương quan với các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Olympic.
Điều đáng nói hơn là học sinh có mặt trong đội tuyển quốc gia và lập thành tích xuất sắc tại các Olympic khu vực và quốc tế được rải đều ra trên phạm vi toàn quốc, không chỉ tập trung ở các trường chuyên thuộc trường đại học ở đô thị lớn hoặc các một vài trường THPT chuyên có bề dày thành tích như nhiều năm trước đây; trong đó, có nhiều em đoạt giải cao là học sinh nghèo vượt khó, có bố mẹ là người lao động bình thường, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng cũng nhìn nhận, trong tổ chức thi vẫn còn có hạn chế: một số đơn vị mời các thầy cô giáo hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra thắc mắc hoặc băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của công tác tổ chức thi và kết quả thi.
Không mời người dạy đội tuyển dự thi tham gia ra đề thi
Cục Quản lý chất lượng cho biết, Bộ GDĐT đã thực hiện các giải pháp đổi mới trong tổ chức thi nhiều năm qua, nhất là ở các năm 2018, 2019 để khắc phục tình trạng nói trên. Theo đó, tăng cường huy động các cán bộ trẻ, được đào tạo ở nước ngoài, ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tại các vùng miền khác nhau trên cả nước tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi.
Hạn chế đến mức tối đa việc mời cán bộ, giáo viên, giảng viên đã nghỉ hưu giới thiệu đề đề xuất và tham gia các Hội đồng ra đề thi, chấm thi; đồng thời quán triệt nguyên tắc không cử những người dạy cho các đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia của các địa phương năm tổ chức thi tham gia để dần khắc phục tình trạng các địa phương tập trung về Hà Nội hoặc tìm mời các chuyên gia ôn tập, luyện thi gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi; năm 2019, Bộ không mời người dạy cho các đội tuyển dự thi năm nay tham gia ra đề thi.
Cùng với đó, mở rộng thành phần ra đề đề xuất: mời các chuyên gia trên phạm vi cả nước, các giáo viên của các trường THPT chuyên giới thiệu đề đề xuất. Đề đề xuất do tự tay chuyên gia, giáo viên giới thiệu niêm phong gửi đến được bảo quản theo chế độ mật tại thùng sắt niêm phong ở Cục Quản lý chất lượng và được bàn giao cho Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly tuyệt đối còn nguyên niêm phong;
Huy động giáo viên THPT chuyên giỏi; đặc biệt các giáo viên có học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế giới thiệu đề đề xuất và tham gia phản biện đề thi tại khu vực cách ly của Hội đồng ra đề thi.
Khâu soạn thảo đề thi và sử dụng đề đề xuất liên tục được cải tiến để đảm bảo khách quan, công bằng; các đề đề xuất được sử dụng không tập trung vào một số cá nhân. Sử dụng ý tưởng của đề đề xuất, các thành viên Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly biến đổi ít nhất là 70% đề gốc để hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi. Đề thi chỉ trở thành đề thi chính thức và dự bị cho mỗi kỳ thi khi được các thành viên của tổ soạn thảo xây dựng, phản biện độc lập và thống nhất ký vào biên bản trình lãnh đạo Hội đồng ra đề phê duyệt.
Công tác coi thi được thực hiện theo nguyên tắc huy động cán bộ, giáo viên từ ít nhất 2 địa phương khác về làm nhiệm vụ tại Hội đồng coi thi của mỗi địa phương, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng coi thi.
Thực hiện nghiêm ngặt khâu chấm thi
Các khâu làm phách, chấm thi, nhập điểm và xét giải, theo Cục Quản lý chất lượng, được thực hiện theo hướng tách bạch với sự phân công phân nhiệm cụ thể giữa cán bộ tham gia làm phách và cán bộ phụ trách chấm thi.
Khâu làm phách tiến hành theo nguyên tắc đánh phách 2 vòng độc lập; máy tính chứa phần mềm được bảo vệ nghiêm ngặt, có 2 người khác nhau giữ mật khẩu mở máy và mật khẩu phần mềm, và luôn ghi lại tiến trình làm việc của người sử dụng, mọi diễn biến của quá trình làm phách đều có cán bộ Thanh tra và cán bộ của Bộ Công an (A83) theo dõi liên tục, lập biên bản từng công việc.
Trong quá trình làm phách, nếu phát hiện các bài có dấu hiệu bất thường như đánh dấu bài, viết bằng các thứ mực khác nhau, cán bộ làm phách lập biên bản để gửi tới Hội đồng chấm thi đề nghị chấm chung;
Công tác chấm thi thực hiện nghiêm ngặt theo Quy chế thi thi; khâu chọn người tham gia chấm thi cũng tách bạch giữa những người soạn thảo đề thi và người chấm thi (người làm tổ trưởng ra đề thi thì không làm tổ trưởng chấm thi); các thành viên tham gia chấm thi được chọn như quy trình soạn thảo đề thi; không có giáo viên THPT chuyên tham gia chấm thi.
Việc chấm thi các môn thi được thực hiện tập trung tại Hội trường có camera giám sát 24h/24h, dữ liệu được lưu lại 12 tháng để cần thiết có thể xem lại toàn bộ quá trình chấm. Cán bộ Công an và Thanh tra giám sát liên tục quá trình chấm thi;
Sau khi thảo luận, thống nhất Hướng dẫn chấm, Tổ chấm thi lập biên bản trình Lãnh đạo Hội đồng chấm thi phê duyệt để triển khai chấm và thực hiện chấm chung ít nhất 20 bài thi gồm cả những bài thi có nghi vấn do bộ phận làm phách phát hiện và đề nghị chấm chung. Tổ trưởng chấm thi của mỗi môn điều hành chấm bài thi đảm bảo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập.
Phiếu chấm cá nhân các lần đều được gửi đến bộ phận thư ký photocopy niêm phong lưu giữ để xử lý khi có nghi vấn bất thường. Các tổ chấm thi thực hiện việc chấm chung ít nhất 20 bài có điểm cao nhất của mỗi ngày thi để đảm bảo độ chính xác, khách quan của kết quả chấm thi;
Tổ chấm trực tiếp nhập điểm vào phần mềm máy tính với sự giám sát của thanh tra. Sau đó, Thư ký Hội đồng chấm thi xong chiết xuất từ phần mềm, in phiếu điểm bài thi đã nhập để tổ chấm thi rà soát, ký xác nhận và thực hiện việc xét giải theo quy chế thi, lập biên bản đề nghị xét giải và các biên bản đề nghị số thí sinh được triệu tập tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia theo số phách với các môn thi quốc tế, khu vực (Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học);
Thực hiện việc duyệt giải theo số phách do tổ chấm đề nghị, Lãnh đạo phụ trách chấm thi tập hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt kết quả theo số phách. Sau khi được lãnh đạo Bộ phê duyệt, Hội đồng tiến hành kiểm dò và khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi để đảm bảo kết quả thi chính xác rồi mới tiến hành ghép phách bài thi, chiết xuất kết quả từ phần mềm quản lý thi và công bố kết quả Kỳ thi;
Sau khi công bố kết quả, các thí sinh có nguyện vọng phúc khảo nộp đơn phúc khảo bài thi theo quy định của Quy chế và Hướng dẫn tổ chức thi hằng năm. Cục tổng hợp số lượng phúc khảo theo môn, trình lãnh đạo Bộ GDĐT thành lập Hội đồng phúc khảo để triển khai chấm phúc khảo bài thi của Kỳ thi theo quy định của quy chế thi. Trong 5 năm gần đây, không có khiếu kiện về kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia.