Băn khoăn quỹ đất xây dựng công trình thể thao ở các khu công nghiệp

GD&TĐ - Đề xuất dành quỹ đất xây dựng công trình thể thao ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội.

Băn khoăn quỹ đất xây dựng công trình thể thao ở các khu công nghiệp

Chưa có sự hợp lý

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – đoàn Lâm Đồng nêu ý kiến, thứ nhất, về vấn đề đất dành cho thể thao. Tại Khoản 1 Điều 65 dự thảo đưa ra hai phương án:

Phương án thứ nhất, quy định trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, doanh trại, đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao, phương án này giữ nguyên như luật hiện hành.

Phương án thứ hai, so với phương án một mở rộng thêm là cả khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, cả hai phương án này đều chưa có sự hợp lý. Đại biểu phân tích, theo pháp luật hiện hành, khu công nghiệp, khu công nghệ cao là những khu vực chức năng chuyên sản xuất công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất, hoặc là khu vực nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao v.v... Do vậy, đây là những khu vực và những môi trường được quy hoạch chuyên dùng cho sản xuất, nghiên cứu, nên ngoài giờ làm việc thì đây không phải là nơi sinh hoạt, sinh sống, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của công nhân. Do đó, việc xây dựng công trình thể thao trong khu vực sản xuất, nghiên cứu là không thích hợp.

Cũng theo Đại biểu Hiển, ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, theo pháp luật hiện hành chúng ta còn có nhiều các khu khác tương tự như là khu chế xuất, khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung v.v... Đây đều là những khu chức năng chuyên phục vụ cho sản xuất nhưng lại không được đề cập trong dự thảo.

Ngoài ra, theo luật hiện hành, chúng ta có điều khoản quét, tức là Điều 79, Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều của luật này, trong đó có Điều 65.

Tuy nhiên, nay dự án luật đã bỏ khoản này và sẽ thấy ở khoản 1, Điều 65 có sự bất hợp lý, đó là trong mọi trường hợp thì trường học, khu dân cư, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân dù ở quy mô lớn hay quy mô nhỏ đến mức nào đều phải có quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.

“Trên thực tế có rất nhiều cơ sở giáo dục hay doanh trại quân đội ở quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ. Mặt khác, các công trình thể thao, ở đây hiểu rất tùy nghi, có thể là công trình thể thao ở quy mô lớn.

Ví dụ như: sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu, v.v... Cũng có thể là các công trình thể thao rất đơn giản, có thể chỉ dưới 10m2 chúng ta cũng có thể tập luyện được.

Do vậy, việc quy hoạch, xây dựng các công trình thể thao như thế nào là tùy vào từng điều kiện của từng cơ sở và không có quy chuẩn nào về quy mô, loại công trình. Như vậy, mục đích của nhà làm luật sẽ không đạt được” - Đại biểu Nguyễn Văn Hiển dẫn giải.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển
 Đại biểu Nguyễn Văn Hiển

Cải thiện đời sống tinh thần cho người lao động

Ở góc nhìn khác, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – đoàn Lạng Sơn cho rằng, ở đây là quy hoạch chứ không phải là xử lý những cái đã rồi.

Đối với khu công nghiệp và khu công nghệ cao là khu có diện tích đất rất lớn, cần phải bố trí dành quỹ đất cho hoạt động thể dục, thể thao.

Không hẳn là những công trình thể dục, thể thao đồ sộ mà là những nơi để người lao động có thể thực hiện được những hoạt động phục vụ thể dục, thể thao của mình.

Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – đoàn Hải Dương nêu quan điểm: Quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.

Lý do là khu công nghiệp, khu công nghệ cao rất cần có quỹ đất dành cho thể thao, các khu này thường tập trung rất đông người lao động và phần lớn công nhân làm tại các khu công nghiệp đều không có điều kiện về mặt thời gian để tham gia các hoạt động thể thao tại khu dân cư nơi sinh sống.

Việc trong khu công nghiệp có công trình thể thao sẽ cải thiện được đời sống tinh thần, tạo điều kiện luyện tập thể thao thường xuyên cho người lao động và góp phần nâng cao năng suất lao động.

"Các công trình thể thao trong các khu công nghiệp thì tùy vào tình hình thực tế của từng nơi, không phải bắt buộc là nơi nào cũng phải hoành tráng như kiểu có nhà thi đấu thể thao hiện đại, có thể chỉ là một sân bóng hay một sân tập đơn giản, đầu tư không lớn nhưng tác dụng rất lớn, thúc đẩy phong trào phát triển luyện tập thể dục, thể thao trong công nhân” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ