Bản hùng ca giữa rừng chiến khu D

Bản hùng ca giữa rừng chiến khu D

(GD&TĐ) - Có lần già làng Năm Nổi nói, chúng tôi nghe rằng vùng rừng Chiến khu D thuộc khu vực xã Mã Đà – huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai thuở xưa oanh liệt lắm. Bởi ở đó không biết bao nhiêu anh em bộ đội ta đã ngã xuống và ngủ yên dưới lòng đất để góp phần cho hôm nay đất nước được hòa bình. Thế nhưng cũng chính nơi ấy, nơi các anh đã hi sinh anh dũng lại không có một bia mộ nào. Và nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà ấy cũng lắm sự linh thiêng… 

Bi hùng nghĩa trang không bia mộ…

Tìm đến Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, chúng tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình của chị Đinh Thị Lan Hương – Phó giám đốc Trung tâm sinh thái văn hóa lịch sử chiến khu D. Nhưng khi nghe chị nói “Bây giờ không xuống đó được đâu, vì đêm qua mưa lớn đổ về, nước đang dâng lên bên chiếc cầu đi vào khu vực Đài tưởng niệm và Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà, nguy hiểm lắm!”, chúng tôi chợt héo úa sắc mặt và rồi năn nỉ chị sắp xếp cho chúng tôi một người dẫn đường. Kệ, miễn sao vào được rừng, đến đoạn ngập nước thì dừng lại cũng được. Đắn đo rồi chị cũng đồng ý.

Dẫn đường cho chúng tôi là một nhân viên cơ quan chị - chàng trai trẻ Nguyễn Đại Dương. Hai “con ngựa sắt” hì hục vượt tuyến đường nhựa rừng chiến khu D, rồi tiến sâu vào con đường rừng đất đỏ dài hun hút, lắm đồi dốc, không một bóng người, tiếng vượn kêu, chim hót líu lo giữa trưa, đi mãi mà chưa thấy đến. Một dòng nước đục ngầu bắt ngang đường đi, Dương bảo: “Từ đây vào tới Đài tưởng niệm hơn 1 cây số nữa, nước lũ tràn về như thế này, em cũng chưa biết cái đoạn cầu bên trong như thế nào. Anh chị tính sao? Đi tiếp hay trở lại?”.

Tôi bảo: “Đã vào đến đây rồi, chẳng lẽ không vào thắp cho các anh chị được nén nhang sao. Cứ tới đâu hay tới đó!”. Thế là một cuộc chuẩn bị vượt lũ diễn ra nhanh gọn cho mấy con người bé nhỏ đang hừng hực lửa giữa rừng chiến khu D kiêu hùng. Nước tới đầu gối, lưng quần, rồi tới ngực, sỏi đá đạp dưới chân nghe đau nhói tâm can. Vượt tiếp tục dòng nước lũ ở cây cầu, chúng tôi nghe nhẹ cả người. Đây đó những đàn bướm vàng, bướm đen khổng lồ bay rập rờn dẫn lối mòn.

Chúng tôi lại đùa vu vơ rằng đây chắc là vong hồn thiêng liêng của các anh chị đang về vùng đất từng được mệnh danh là “Việt Bắc của miền Nam”. Chúng tôi bồi hồi nghĩ về những năm tháng gian lao mà anh dũng của quân dân miền Đông Nam Bộ. Bao người con của Tổ Quốc nằm lại giữa núi rừng nơi đây, mãi mãi tuổi 20, mãi mãi sống trong nỗi thương nhớ của nhân dân cả nước và sự kính phục của bao thế hệ trên non sông Việt.

Tượng đài kỷ niệm tại Khu căn cứ
Tượng đài kỷ niệm tại Khu căn cứ

Dừng dưới chân đồi Bằng Lăng, nơi có tượng đài tưởng niệm cao hàng chục mét ghi lại quá trình hình thành cùng những năm tháng hào hùng của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, của các cán bộ, chiến sĩ - những người con bất khuất kiên trung của đất nước, từ đây chúng tôi được anh Trạm trưởng Trạm kiểm lâm TW Cục, Nguyễn Văn Nhân tiếp đón bằng nhiều câu chuyện về một thời miền Đông gian lao mà anh dũng. Anh ngâm nga mấy câu thơ của anh Phạm Thanh Sơn - Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu trong lần đưa đoàn Hội nhà báo tỉnh Bến Tre thăm Chiến khu D: “Không nằm trong nghĩa trang/ Anh ở với đồi, anh xanh vào cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình…”.

Nhiều năm gắn bó với vùng đất này, anh Nhân may mắn gặp và nghe nhiều chứng nhân từng có những năm tháng sống và chiến đấu tại Chiến khu D về thăm chiến trường xưa, kể lại một thời mưa bom lửa đạn, nên anh khá am tường chuyện xưa năm cũ. “Vừa rồi bác Ao Sĩ, nguyên cán bộ Cục Quân báo, từng ở tại Mã Đà hồi kháng chiến chống Pháp, lúc ghé thăm nghĩa trang đã kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng khó khổ, gian truân đến tận cùng về trận lũ lụt lịch sử năm 1952. Khi ấy, bão càn quét qua chiến khu D cuốn phăng nhiều cánh rừng, nhà cửa và cán bộ, chiến sĩ của ta. Nhân lúc đó, giặc Pháp xua quân càn quét và sát hại nhiều người. Rừng Mã Đà còn là nơi an nghỉ của hàng ngàn người con chết vì bệnh sốt rét, vì họa thú dữ, vì các cuộc phục kích, đầu độc các con sông của kẻ thù và bom đạn hủy diệt của chúng… Kể sao cho hết những gian khó ngày ấy!”.

Thắp nhang trước đền liệt sĩ Mã Đà
Thắp nhang trước đền liệt sĩ Mã Đà

Chuyện của những người giữ nghĩa trang

Sau bữa cơm trưa đạm bạc ở Trạm kiểm lâm TW Cục nằm giữa Khu bảo tồn, sau câu chuyện kì thú về loài min, người trực tiếp đưa chúng tôi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà chính là anh Trạm phó Trần Ngọc Tuấn. Đường xuống khu vực nghĩa trang thật âm u và ẩm ướt. Dừng chân trước cổng nghĩa trang làm bằng cây gõ, được gọi là “Công trình thế kỉ” do chính tay mình và anh em kiểm lâm TW Cục làm năm 2009, anh Tuấn bảo: “Nơi này đang ôm ấp hình hài của hàng trăm, có thể là hàng nghìn người con ưu tú, kiên trung của Tổ quốc.

Không một bia mộ nào đâu nhé! Bởi hết Pháp rồi Mỹ, thời nào chúng cũng trút bom với dã tâm tiêu diệt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta bị trúng bom chết mất xác trong cánh rừng này. Khi có chiến sĩ nằm xuống, đồng đội cũng đưa các anh ra đây an táng, chờ ngày đất nước toàn thắng sẽ đưa các anh về với gia đình. Nhưng hết trận này đến trận khác, bao lớp người nằm xuống cứ thế bị bom đạn của kẻ thù trút tràn xóa dấu vết…”.

Theo chân anh, chúng tôi thắp nhang vùng nghĩa trang và đền liệt sĩ nằm dưới gốc đa cả trăm tuổi. Trong ngôi đền bé nhỏ ấy, chúng tôi lướt mắt qua thấy các anh là người Bắc Ninh - Hà Bắc, Vũ Thư - Thái Bình, Tĩnh Gia - Thanh Hóa… Và một bức hình cũ của liệt sĩ Nguyễn Hồng Việt. Tại triền suối Lạn trong khu vực nghĩa trang, anh Tuấn bảo đây là nơi lúc trước các anh tìm ra được mộ liệt sĩ Nguyễn Hồng Việt, anh thì thầm: “Anh Việt này linh lắm đó. Chút nữa lên đền liệt sĩ, anh kể cho mà nghe!”.

Dưới bóng chiều nhập nhoạng, bên hồ nước hình chữ S phía sau đền liệt sĩ, nơi các liệt sĩ hướng tầm nhìn theo hồ mà thấy được làng quê của các anh, anh Tuấn mới kể lại sự linh thiêng ở nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà bằng giọng xúc động: “Đêm giao thừa năm 2005, ở đây có anh và chú Bá nhân viên. Bá trẻ quá, bảo nó mang trà nước, giấy đốt nhang xuống nghĩa trang nó sợ, nên anh bảo nó ở trên Trạm để mình anh xuống. Trước đó, hai anh em có làm con gà nhỏ để ở trển, chuẩn bị đón giao thừa. Lúc 11 giờ 30, anh cầm trà, bánh mứt, xuống đốt 2 cây đèn cầy, thắp nhang khấn vái các anh hùng liệt sĩ, sau đó, anh lại nói đùa một câu: “Xong ở đây thì mời các vị lên kia uống với tôi một li rượu cho ấm lòng chiến sĩ!”.

Khi đến ngồi trên hai băng ghế đá ngó vào đền, nhìn hai cây đèn cầy thì chưa đầy 5 phút sau, anh nghe rừng xao động, tưởng tượng như gió hay cái gì chuyển động trong đêm giao thừa tối đen. Khi rọi đèn pin để xem thì lá cây không có cái nào nhúc nhích. Nghe toàn bộ xung quanh khu vực nghĩa trang và đền chuyển động cứ tưởng thú rừng chạy.

Trước đó, anh thấy dấu chân bò tót về đây nhiều, cứ tưởng bò tót, nên rọi đèn pin xung quanh, không thấy con mắt nào cả. Nếu có con mắt thì phản chiếu ánh đèn. Ngồi nghĩ một chút xíu, anh chợt nhớ câu nói lúc nãy của mình mời các vị… mà nghe rờn rợn. Chưa đầy 10 phút, cây nhang chưa được phân nửa, anh vội tới đốt giấy, vàng mã rồi mời các vị lên trên chứ anh không dám ngồi dưới này nữa!

Trạm phó Ngọc Tuấn trước nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà
Trạm phó Ngọc Tuấn trước nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà

Còn chuyện đồng chí Việt thì mới 24 Tết năm 2011 này chứ mấy. Anh cũng mặc quần tà lỏn, ở trần xuống dọn dẹp vệ sinh. Anh leo lên lau chùi, đốt nhang xong đến 3 giờ chiều mới chui vào trong đền lau mấy tấm bia, lau nóc đền và hình anh Việt. Anh ngồi im thì đâu có sao, lại vui miệng giỡn một câu khi cầm tấm hình anh Việt, lấy khăn sạch lau: “Hôm nay tui không tắm ông, tui lau thôi”. Ý anh là hình giấy, đổ nước vào hư nên lau thôi. Nói vậy xong, anh ra ngoài chưa đầy 10 phút thì tự nhiên nghe lạnh, lạnh “tốc hành”. Người anh đang khỏe phây phây, vậy mà chuyển sang sốt liền.

Anh vội chạy lên Trạm, chỉ kịp rửa hai tay, mình mẩy lấm lem, mặc đồ vào đàng hoàng rồi chạy xuống thắp nhang lại, vái: “Nãy tui có lỡ lời, có gì các vị bỏ qua cho, tui sẽ cúng gì đó trả lễ”. Rồi anh quay lên Trạm, điện cho các anh ngoài cơ quan mua một con gà trống vào để cúng. Tối đó anh sốt tưng bừng, không ăn uống gì ngoài gói cháo ăn liền rồi uống thuốc. “Thuốc hay”, sáng ra anh mạnh khù như chưa có chuyện gì xảy ra! Bởi thế giờ anh nghiêm túc lắm, không dám đùa vu vơ với vong hồn anh em liệt sĩ ở đây nữa!”.

Bóng chiều xuống mỗi lúc một nhanh, tạm biệt vong hồn liệt sĩ trong nghĩa trang không bia mộ, chúng tôi đi qua nhiều cánh rừng bằng lăng cao vút, thân thể cường tráng, cành lá sum suê như khát khao mãnh liệt của những con người vĩnh viễn ngủ yên giữa núi rừng về hai tiếng “tự do”, “thống nhất”. Dừng lại bên hố bom có cây bằng lăng thân to bằng vòng ôm của 3 người, cao trên 30 m, anh Tuấn thổ lộ, hố bom là nấm mồ tập thể của gần 15 chiến sĩ bị trúng bom theo lời kể của đồng đội khi trở lại thăm chiến trường xưa. “Kẻ thù với dã tâm hủy diệt, san bằng vùng đất này đã đổ hàng trăm ngàn tấn bom cùng chất độc hóa học.

Dã tâm ấy của chúng khiến bao chiến sĩ của ta trở thành liệt sĩ vô danh, nhưng chúng hoàn toàn thất bại, hết lớp người này ngã xuống, lại có lớp người khác đứng lên, như rừng vẫn tràn đầy sức sống, ngạo nghễ và lớn mạnh cùng thời gian. Sức sống ấy minh định rằng dẫu có mất mát, đau thương nhưng sự hi sinh của các thế hệ cha anh trên mảnh đất này không uổng phí, mà trái lại còn đơm hoa, kết trái, trở thành bản anh hùng ca, là trang sử vàng son về lòng yêu nước và tinh thần xả thân, quả cảm vì đất nước” - đôi mắt anh Tuấn chợt rực sáng lạ thường khi bộc bạch những lời tâm sự này! 

Hải Âu – Phúc Trinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ