Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 của Bộ GD&ĐT cho biết: 25 văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục tối thiểu bao gồm: 3 luật của Quốc hội; 8 nghị định của Chính phủ; 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 12 thông tư liên tịch và thông tư của Bộ trưởng. Trong đó, có 2 văn bản có sức ảnh hưởng lớn đến toàn ngành, gồm: Luật Giáo dục năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Công tác xây dựng và ban hành văn bản cơ bản bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo các chương trình của Quốc hội, Chính phủ; đúng quy định và quy trình về soạn thảo văn bản của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không có văn bản của Bộ bị hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành theo quy định, đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh kịp thời các quan hệ kinh tế - xã hội phát sinh trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước và một số ngành khác có liên quan. Công tác phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã tích cực, chủ động và hiệu quả hơn.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT đánh giá: Các văn bản được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục để thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; ưu tiên phát triển giáo dục vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; giảm chênh lệch các chỉ số về an sinh xã hội giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với mức trung bình của cả nước. Cụ thể như sau:
Chính sách hỗ trợ giáo dục cho đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật: Luật Giáo dục 2019, có những nội dung quy định mang tính tuyên ngôn, khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đến giáo dục nói chung và phát triển giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói riêng như:
“Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp.” (khoản 2 Điều 17). Bên cạnh đó, có các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư liên tịch về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng.
Chính sách về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ: Luật Giáo dục 2019 có riêng 1 điều quy định về phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc (Điều 14). Bên cạnh đó, có các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư liên tịch về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng.
Chính sách về học phí: Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đã chỉnh sửa các quy định về học phí. Đồng thời, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất chỉnh sửa Nghị định số 16 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 để phù hợp với lộ trình tự chủ với các cơ sở giáo dục, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm và điều kiện của từng địa bàn dân cư.