Cụ thể Cục Thuơng mại điện tử và Công nghệ thông tin đã đề nghị thương nhân, tổ chức, cá nhân kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng TMĐT. Triển khai các biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website TMĐT hoặc ứng dụng di động những thông tin sản phẩm vi phạm pháp luật . Ví dụ: chặn theo từ khóa (một số từ khóa như “fake”, “super fake”, “nhái”,...), kiểm duyệt bằng nhân sự.
Cơ quan chức năng cũng đề nghị thương nhân, tổ chức, cá nhân triển khai các biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về sản phẩm vi phạm hoặc hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác trên website cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT.
Căn cứ theo quy định tại Điều 83 của Nghị định 124/2015/NĐ- CP, Cục Thuơng mại điện tử và Công nghệ thông tin chỉ rõ thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử sẽ bị phạt 40-80 triệu đồng nếu bị phát hiện vi phạm.
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng khoảng 25% và lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tính đến cuối năm 2016 là khoảng 4 tỷ USD.
Thị phần thương mại điện tử chiếm khoảng 2,8% thị trường bán lẻ, người Việt đang chuyển dịch mua sắm từ “offline” sang “online”. Trong quá trình mua sắm trên mạng, người tiêu dùng khó tránh khỏi tình trạng mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Theo dữ liệu khiếu nại trong năm 2016 và quý I năm 2017 của Cục Quản lý cạnh tranh, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên. Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại bao gồm giao sai sản phẩm/sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web; giao hàng chậm; giao thiếu hàng khuyến mãi; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại.