Bạn đọc Báo GD&TĐ tiếp sức đến trường cho một học sinh người Mông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Học sinh duy nhất của xóm người Mông được học lên cấp THPT có nguy cơ bỏ học đã được bạn đọc Báo GD&TĐ tiếp sức đến trường.

Trao học bổng tiếp sức đường dài cho Vừ Thị Sanh.
Trao học bổng tiếp sức đường dài cho Vừ Thị Sanh.

Ngày 14/9, đại diện Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại tại Miền Trung - Tây Nguyên cùng bạn đọc đã trao hỗ trợ học bổng "Tiếp sức đường dài" cho nữ sinh Vừ Thị Sanh - lớp 11, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).

Theo đó, ngay sau khi Báo GD&TĐ đăng bài viết "Gia cảnh ngặt nghèo của nữ sinh người Mông và ước mơ trở thành bác sĩ", rất nhiều bạn đọc trên cả nước đã hỗ trợ kinh phí để giúp em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường.

TS. Trần Khánh Ngọc và em Vừ Thị Sanh.

TS. Trần Khánh Ngọc và em Vừ Thị Sanh.

Đặc biệt, khi nắm được thông tin về hoàn cảnh của Sanh, TS. Trần Khánh Ngọc - người sáng lập "Chương trình dạy học tích cực" và các đồng nghiệp đã quyết định hỗ trợ "Tiếp sức đường dài" cho em bằng gói học bổng đến hết lớp 12.

Cụ thể, chương trình sẽ hỗ trợ học bổng cho Sanh kể từ tháng 8/2022 (bắt đầu lớp 11), đến khi học xong lớp 12. Mỗi tháng 500 ngàn đồng, mỗi năm học 10 tháng và thêm 2 triệu đồng hỗ trợ em chuẩn bị cho tuyển sinh vào đại học sau khi tốt nghiệp cấp THPT.

Toàn bộ học bổng sẽ được quản lý bởi Công đoàn nhà trường, nhằm giúp em sử dụng hợp lý trong quá trình học tập, rèn luyện.

Ông Trần Hữu Phước (ngoài cùng bên phải) - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh trong buổi trao học bổng cho em Vừ Thị Sanh.

Ông Trần Hữu Phước (ngoài cùng bên phải) - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh trong buổi trao học bổng cho em Vừ Thị Sanh.

Trao đổi với phóng viên, thầy Trần Hữu Phước - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết, em Vừ Thị Sanh là học sinh đặc biệt khó khăn, nhà ở làng người Mông của buôn Plao Siêng, xã Ea R’Bin, cách xa trường hơn 40km.

"Bố mất vì bạo bệnh, một mình mẹ bươn chải với vài sào ruộng để nuôi 6 anh chị em, nay còn 3 chị em đi học. Sanh là nữ sinh duy nhất của xóm người Mông được học đến cấp THPT. Em rất chăm ngoan, ham học và có học lực khá. Ước mơ sau này được làm bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, lại thêm tập tục muốn con gái nghỉ học để ở nhà giúp gia đình và lấy chồng sớm, nên mẹ em luôn muốn cho con nghỉ học. Nhà trường đã phối hợp với chính quyền xã vận động, thuyết phục. Đặc biệt, thông qua Báo Giáo dục và Thời đại, bạn đọc đã chung tay hỗ trợ em về kinh phí để em có thêm điều kiện được đến trường. Chúng tôi rất cảm động và biết ơn, vì xã hội luôn quan tâm đến các em học sinh ở vùng khó khăn", thầy Phước nói.

Nữ sinh Vừ Thị Sanh với góc học tập tại khu bán trú của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh.

Nữ sinh Vừ Thị Sanh với góc học tập tại khu bán trú của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh.

Còn TS. Trần Khánh Ngọc cho biết, "Chương trình dạy học tích cực" sẽ luôn đồng hành với thầy cô giáo và đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

"Đến tận nơi mới thấy hết sự khó khăn, vất vả, thiệt thòi của thầy cô giáo và các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa như Trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Với chúng tôi, bên cạnh công tác chuyên môn, truyền cảm hứng về dạy học tích cực cho đội ngũ nhà giáo; đồng hành, sẻ chia khó khăn với giáo viên, học sinh cũng là việc làm thường xuyên. Những suất học bổng như thế này nhằm kiến tạo cho các em cơ hội được đến trường. Cũng là cách để lan toả những điều tích cực, tạo động lực giúp các em nuôi dưỡng ước mơ học tập, sau này trở về xây dựng quê hương", TS. Ngọc bày tỏ.

Trước đó, trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, nhà báo Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Văn phòng đại diện Báo GD&TĐ tại MT-TN cũng đã trực tiếp trao số tiền 2,5 triệu đồng và các phần quà do bạn đọc hỗ trợ cho em Vừ Thị Sanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.