Ban đại diện cha mẹ học sinh: Vì sao vẫn 'mắc'?

GD&TĐ - Bên cạnh những ban đại diện cha mẹ học sinh làm đúng vai trò của mình, trên thực tế vẫn có nơi, có lúc tổ chức này chưa phát huy hiệu quả.

Họp phụ huynh tại Trường Tiểu học Trần Tế Xương (TP Nam Định). Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn ảnh: namdinh.edu.vn
Họp phụ huynh tại Trường Tiểu học Trần Tế Xương (TP Nam Định). Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn ảnh: namdinh.edu.vn

Trong một số trường hợp, tổ chức này còn trở thành “công cụ” lạm thu của nhiều trường, gây bức xúc dư luận.

Chuyện đến hẹn lại lên

Ngành Giáo dục và các địa phương đều có văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác thu chi trong trường học, nhấn mạnh yêu cầu “tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu”. Dù vậy, mỗi đầu năm học, các khoản thu xã hội hóa không hợp lý vẫn diễn ra ở một số trường học.

Nhiều phụ huynh có con đang học ở Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) phản ánh nhà trường đưa ra nhiều khoản thu bất hợp lý, dẫn đến số tiền đầu năm phải đóng lên đến gần 6,4 triệu đồng.

Tại Trường THCS thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), nhiều phụ huynh bức xúc vì phải nộp 2 triệu đồng khi làm thủ tục, hồ sơ cho con vào lớp 6 mà không có phiếu thu, không được giải thích nộp khoản tiền gì. Trường Tiểu học Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hơn 100 học sinh vào lớp 1 năm học 2022 - 2023 phải đóng đóng 550.000 đồng mua bàn ghế, 173.000 đồng mua bảng, 250.000 đồng quỹ lớp và mua rèm cửa, tổng gần 1 triệu đồng… Dù cơ quan quản lý đã nhanh chóng vào cuộc xử lý, nhưng những trường hợp nói trên để lại những dư luận không tốt trong ngành Giáo dục.

Nhiều phụ huynh cho rằng, chuyện thu chi chưa hợp lý không phải chỉ có những sự việc được nêu trên báo chí. Năm học 2022 - 2023, lần đầu được tham gia cuộc họp ban phụ huynh, anh Vy Văn Đức (quận Long Biên, Hà Nội) kể lại câu chuyện khiến mình bức xúc.

Họp phụ huynh tại Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn ảnh: website nhà trường

Họp phụ huynh tại Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn ảnh: website nhà trường

“Lớp có 3 phụ huynh tự ứng cử vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp. Sau khi ứng cử, họ đưa ra một bảng thống kê về các khoản thu, chi quỹ lớp; trong đó có một khoản thu 3 triệu đồng để hỗ trợ các hoạt động chung trong trường. Tuy nhiên, theo bảng thống kê mà 3 vị phụ huynh đưa ra thì mỗi cháu đã đóng 70 nghìn đồng để gửi đến quỹ cha mẹ học sinh trường rồi. Khi chúng tôi có ý kiến về khoản dự kiến thêm 3 triệu đó, ban phụ huynh không giải trình, chỉ trả lời là dựa trên thu chi từ các khoản của khóa trước.

Đến khi nhiều phụ huynh không đồng tình đóng góp khoản 3 triệu đồng hỗ trợ các hoạt động của ban phụ huynh trường thì ban phụ huynh lớp tỏ thái độ khó chịu. Sau đó, tất cả phụ huynh trong lớp đề xuất lấy ý kiến để loại bỏ những khoản thu không cần thiết. Sau khi bàn luận, họp và làm một bảng thu chi mới, loại bỏ những bảng thu chi không cần thiết, 3 phụ huynh trong ban phụ huynh tự ứng cử đứng ra phản đối, tỏ thái độ bất bình. Trong khi đó, nhà trường đã gửi thông báo đến lớp và các phụ huynh là không thu quỹ cha mẹ học sinh trường”.

Kể lại câu chuyện này, anh Đức cũng chia sẻ, điều mà mình và nhiều phụ huynh bất bình là, trước khi thảo luận, ban đại diện đã mặc định một là đồng ý nộp quỹ đã đề xuất, hai là không đóng. “Nếu không đóng được cho là chống đối. Còn đóng với các khoản thu chưa minh bạch, rõ ràng thì chúng tôi không cam tâm” - anh Đức bức xúc nói.

Thư cảm ơn và nhận sai sót gửi phụ huynh của Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).

Thư cảm ơn và nhận sai sót gửi phụ huynh của Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).

Do trường khó khăn kinh phí?

Đưa lý giải việc lạm thu vẫn nóng mỗi dịp đầu năm học dù đã có văn bản quy định đầy đủ, một hiệu trưởng trường phổ thông tại Cần Thơ cho rằng: Nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước để tổ chức các hoạt động giáo dục, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất... không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nhà trường.

Giải pháp cho việc này là tăng học phí theo giá cả thị trường để tăng nguồn thu; giao kinh phí và giao quyền mua sắm cho nhà trường, hạn chế mua sắm tập trung; mạnh dạn thực hiện tự chủ mức 1 đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn bởi một số trường chưa hiểu và thực hiện chưa đúng về chủ trương tiết kiệm chi (đùn đẩy các nội dung chi cho cha mẹ học sinh) nhằm thực hiện tăng thu nhập cuối năm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Một số lãnh đạo coi việc tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên theo cách này là một giải pháp nâng cao chất lượng đời sống. Ngoài ra, việc giám sát thường xuyên, sâu sát đối với các khoản thu xã hội hóa của cơ quan quản lý chưa tốt, chỉ giải quyết sự vụ khi được phản ánh.

Thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lạm thu lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh là do một số tỉnh thành chưa có cơ chế, quy định chung trong việc thu các nguồn ngoài ngân sách để phục vụ học sinh. Về nội dung này, Thừa Thiên - Huế đã có Nghị quyết 05 ngày 3/6/2022 của HĐND tỉnh.

Ở góc độ phụ huynh, ThS Nguyễn Vinh San (Trường ĐHSP, ĐH Đà Nẵng) thể hiện băn khoăn khi vấn đề nộp quỹ đầu năm học năm nào cũng “nóng” và cho rằng: Phải chăng chúng ta bắt chưa đúng bệnh, xử lý chưa đúng gốc rễ vấn đề?

Không ủng hộ các trường thu quá nhiều tiền (lên đến tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu), theo ThS Nguyễn Vinh San, rõ ràng với số tiền như vậy là vượt quá khả năng của hầu hết phụ huynh. Và có những mục thu sai với chủ trương xã hội hoá. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem lại một số khoản thu (tiền vệ sinh, tiền trông giữ phương tiện...). Nếu không thu thì trường lấy kinh phí đâu để chi trả? Các nhà quản lý giáo dục phải trả lời câu hỏi này chứ không nên chỉ quy cho hiệu trưởng. Đối với các khoản thu xã hội hoá lớn như mua tivi, máy chiếu, đồ dùng dạy học, nhà trường cần làm rõ tình trạng trang thiết bị, kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng để vận động nhà hảo tâm (không cào bằng) trong khi Nhà nước chưa thể cấp kinh phí.

“Cần khẳng định lại, nếu các trường được cấp đủ kinh phí chắc chắn sẽ không có tình trạng lạm thu. Còn trường nào lợi dụng việc này để thu tiền làm việc khác, gây áp lực cho phụ huynh nghèo thì cần xử lý nghiêm” - ThS Nguyễn Vinh San nêu quan điểm.

Thông báo phê bình Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Núi Đối.

Thông báo phê bình Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Núi Đối.

Nguyên nhân từ 2 phía

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Liêm (Thanh Trì, Hà Nội,) nguyên nhân dẫn đến việc ban phụ huynh của nhiều trường đẻ ra các khoản thu vô lý là từ phía cả nhà trường và phụ huynh. Nhiều trường không có chế tài, hành động quyết liệt trong việc ban đại diện thu chi, để hoạt động tự do dẫn đến khi có hiện tượng lạm thu thì mới tá hỏa. Lúc đó, sự việc đã rồi khiến cho phụ huynh bất bình và đưa lên mạng xã hội. Một lý do nữa, có một số trường, ban phụ huynh và nhà trường cố tình “bắt tay” nhau để thống nhất các khoản thu trước khi đưa ra thu chung.

Về phía phụ huynh: Nhiều khoản thu vô lý từ các khóa trước nhưng với suy nghĩ là khóa trước đóng được, khóa sau sao lại không nên dù không hợp lý, phụ huynh vẫn bấm bụng nộp. Tiếp đó, các phụ huynh thường ngại va chạm, sợ sau khi ý kiến sẽ ảnh hưởng đến con nên miễn cưỡng chấp nhận, dẫu rõ ràng khoản thu đó là vô lý.

Từng là hiệu trưởng 3 trường phổ thông, NGƯT Trần Thị Kim Liên (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng: Bất cứ tổ chức nào cũng cần có người đại diện. Ở trường học, Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường, lớp học là cần thiết để phối hợp với giáo viên, nhà trường tổ chức các hoạt động; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ trẻ yếu kém; vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học trò nghèo, khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn khác… Điều này đã được quy định rõ tại Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT.

Nhiệm vụ, quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh thế nào, Bộ GD&ĐT đã có quy định cụ thể. Nhưng tại sao cứ mỗi đầu năm học, chuyện lạm thu lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh lại tái diễn? Điều này, theo NGƯT Trần Thị Kim Liên có nguyên nhân từ cả phía cha mẹ học sinh và nhà trường.

Đã có nhiều trải nghiệm thực tiễn, nguyên nhân từ phía cha mẹ học sinh được NGƯT Trần Thị Kim Liên chỉ ra liên quan đến việc phụ huynh chọn chưa đúng người đại diện. Thực tế, có những phụ huynh xung phong vào Ban đại diện vì mục đích cá nhân. Ví dụ như mong muốn tạo lợi thế cho con nhờ sự gần gũi của mình với giáo viên chủ nhiệm, bộ môn. Thậm chí, có trường hợp sử dụng quỹ phụ huynh để chi tiêu cho mình và lập khống các khoản chi để biển thủ quỹ. Cũng có trường hợp, ban đại diện cha mẹ học sinh là người có kinh tế nên họ tính ra nhiều khoản cần đóng góp không cần thiết. Hoặc có người thiếu bản lĩnh nên sẵn sàng theo mọi gợi ý của nhà trường…

Ngoài nguyên nhân từ việc chọn ban đại diện phụ huynh không đúng người, NGƯT Trần Thị Kim Liên cũng không phủ nhận nguyên nhân từ phía nhà trường, mà trực tiếp là hiệu trưởng. Nếu người đứng đầu nắm rõ quy định và quyết liệt thực hiện theo đúng các quy định, chắc chắn sẽ không xảy ra trường hợp lạm thu gây bức xúc xã hội.

Cũng phải nói thêm, vì kinh phí chi thường xuyên rất eo hẹp nên thường không bảo đảm phục vụ các hoạt động trong nhà trường. Do đó, hiệu trưởng còn cần là người giỏi quán xuyến quản lý chi tiêu, mua sắm, sửa chữa trường học; có ý thức tiết kiệm trong chi tiêu; chi tiêu phù hợp, đúng lúc, đúng việc. Cùng với đó là sự dân chủ, minh bạch trong quản lý và ý thức giữ gìn, tôn sửa trường lớp hàng ngày.

“Việc phụ huynh chọn đúng người đại diện mang tính quyết định. Tôi cho rằng, đại diện cho cha mẹ học sinh, ngoài sự nhiệt tình, trách nhiệm với con em, phải là người hiểu biết, nắm vững các quy định liên quan của ngành Giáo dục; có chủ kiến; biết ứng xử giao tiếp và con có học lực từ khá trở lên. Nếu con học kém sẽ dễ xảy ra chuyện lợi dụng vai trò đại diện cho phụ huynh để dành sự ưu ái. Bên cạnh đó, phụ huynh có con học khá thường tiếng nói trên lớp có tính thuyết phục hơn” - NGƯT Trần Thị Kim Liên nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ