“Bàn cờ” Syria đã rối càng thêm rối

GD&TĐ - Là một trong các đồng minh Mỹ tham gia cuộc tấn công Syria, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump ở lại Syria trước khi Mỹ, Anh và Pháp đưa ra các mục tiêu tấn công vào 3 địa điểm ở nước này.

“Bàn cờ” Syria đã rối càng thêm rối

Trần tình của ông Macron

“Cách đây 10 ngày, Tổng thống Trump đã nói rằng ý định của Mỹ là không tham gia vào Syria nữa, còn chúng tôi thì ra sức thuyết phục ông ấy rằng cần phải ở lại”, ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình kéo dài 2 tiếng với một số cơ quan truyền thông ở Pháp. Ông Macron cũng cho biết, ông đã thuyết phục ông Trump rằng các cuộc tấn công cần được giới hạn trong phạm vi nghi ngờ có các cơ sở sản xuất liên quan đến vũ khí hóa học.

Cuộc tấn công của Mỹ, Pháp và Anh nhằm vào các phòng nghiên cứu và hai cơ sở lưu trữ liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của Syria. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở này, nằm ở phía Tây Homs và gần thủ đô Damascus, đã thiệt hại khá nặng.

Trước khi cuộc tấn công diễn ra, có báo cáo cho rằng, ông Trump còn muốn hành động mạnh mẽ hơn, trong thời gian dài hơn, tuy nhiên, các cố vấn an ninh của ông đã họp và tư vấn để ông ra quyết định. Cuộc tấn công đã bị phe đối lập chỉ trích, trong đó có Nga, với việc tố cáo sự xâm lược Cộng hòa Ả Rập Syria của Mỹ và các đồng minh tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani cuối tuần qua, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nữa của Mỹ tại Syria cũng có thể dẫn đến “sự hỗn loạn trong quan hệ quốc tế”. Cả hai nguyên thủ quốc gia này đều đồng ý rằng các cuộc tấn công tên lửa đã “làm hư hại nghiêm trọng” viễn cảnh về việc giải quyết tình hình Syria bằng giải pháp chính trị.

Nước Pháp không tuyên chiến với Syria?

Khi trả lời phỏng vấn của truyền thông Pháp, ông Macron cho rằng, ông Putin đã “đồng lõa” với việc Syria sử dụng vũ khí hóa học. “Họ không sử dụng chất độc chlorine, nhưng họ đã đóng góp vào sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học bằng phương tiện ngoại giao”, ông Macron nói.

Cuộc tấn công là sự trả đũa cho việc sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường tại Douma, ngoại ô Damascus, nơi các lực lượng Syria chiến đấu với quân nổi dậy trong thời gian dài. Người dân ở đây vẫn còn nhớ lại cảm giác khó thở khi những luồng khói tràn đến trong lúc họ ẩn náu dưới hầm để tránh mũi tên hòn đạn từ cuộc chiến bên ngoài. Những bức ảnh chụp lại sau trận tấn công bằng chất hóa học ngày 7/4 cho thấy nhiều trẻ em và người lớn nằm la liệt trên sàn nhà, một số bị sùi bọt mép.

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Pháp cho biết, Pháp không tuyên chiến với Syria, và ông gọi cuộc tấn công bằng tên lửa là “sự trả đũa” đối với các vi phạm hiệp định cấm sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, ông Macron cũng cho biết nước Pháp có bằng chứng cho thấy người ta đã sử dụng chlorine và vũ khí hóa học.

Mỹ và đồng minh đã hành động vội vã?

Các điều tra viên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã tới Douma ngay sau vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ và đồng minh, tuy nhiên chưa có báo cáo cuối cùng.

Mỹ và các đồng minh đang bị chỉ trích vì đã hành động vội vàng, trước khi các điều tra viên có cơ hội kiểm tra khu vực Douma. Các nhà chính trị ở Pháp và Anh cũng đang chờ đợi câu trả lời từ các nhà lãnh đạo các quốc gia này về quyết định tấn công mà không có sự chấp thuận chính thức.

Các cuộc biểu tình chống cuộc tấn công này diễn ra khắp nơi trên thế giới, trong đó có các thành phố lớn ở Anh, Mexico, Hy Lạp và Mỹ.

Không giống với những gì ông Macron nói, thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: “Sứ mệnh của Mỹ tại Syria không thay đổi”. “Tổng thống Mỹ đã tuyên bố khá rõ ràng rằng ông mong muốn các lực lượng Mỹ sẽ hồi hương càng sớm càng tốt. Chúng tôi quyết định hoàn tất việc đập tan IS và tạo ra các điều kiện để ngăn cản chúng quay lại”, bà tuyên bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.