“Bạn chỉ sống một lần” - Đừng biến tướng Yolo

GD&TĐ - Yolo - “Bạn chỉ sống một lần” với hàm ý tích cực, là phong cách sống mới được nhiều bạn trẻ theo đuổi hiện nay. Tuy nhiên, khái niệm này đang dần bị biến tướng, mang đến những hệ lụy xấu.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Hệ lụy đánh tráo khái niệm

Có lẽ đối với thế hệ GenZ, Yolo đã trở thành một nét văn hóa, một phong cách sống đặc trưng. Nhưng chúng ta có biết Yolo bắt nguồn từ đâu? Và liệu đằng sau khẩu hiệu Yolo này, nếu bị biến tướng, chúng có những tác hại nào?

Trước tiên, hãy nói về những tiền đề khởi nguồn cho lối sống Yolo. Trong lịch sử nghiên cứu về các giai đoạn khủng hoảng xã hội và những sang chấn cá nhân. Người ta phát hiện ra rằng có một sự phát triển mạnh sau một chấn thương.

Với cá nhân trải qua sang chấn, sau khoảng thời gian bị sốc ban đầu, họ bắt đầu chiêm nghiệm và thay đổi sâu sắc cách sử dụng thời gian, cách hưởng thụ những thứ bình thường trong cuộc sống trước đây và nâng cao cảm nhận hạnh phúc nói chung.

Nhiều người hồi phục sau một tai nạn hoặc căn bệnh thập tử nhất sinh bỗng cảm thấy như thể họ chưa bao giờ được sống trọn vẹn như thế. Họ điều chỉnh lại toàn bộ thói quen thường nhật để dành thời gian cho những gì thực sự có ý nghĩa với họ nhất. Họ như trở thành con người khác và hoàn toàn không còn lo lắng về những điều vốn hay căng thẳng trước đó. Và họ thực hành sống theo kiểu Yolo.

Các nghiên cứu về xã hội học cũng cho thấy, khi chúng ta trải qua một cuộc khủng hoảng, mọi nguồn lực trở nên khan hiếm hơn. Ví dụ như chúng ta già đi, làm việc không còn mang lại nhiều thu nhập thì chúng ta lại có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động có ý nghĩa, thúc đẩy tính tích cực và cảm thấy hạnh phúc. Bớt quan tâm đến những bon chen, những công việc khiến chúng ta cảm thấy lo lắng.

Nói tóm lại, khi cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn, gấp gáp, những nguồn lực ngày càng trở nên khan hiếm hơn thì con người dường như chống lại nó bằng cách chỉ tập trung vào những điều tích cực, làm những gì họ thích hơn là chú ý vào những điều tiêu cực. Họ thực hành sống Yolo.

Tuy nhiên, quan điểm sống Yolo hiện đang bị các bạn trẻ lạm dụng. Những người trẻ Yolo họ sống thực dụng hơn, chỉ tập trung vào hiện tại. Cái gì cũng muốn “luôn và ngay”. Họ thích tiêu tiền vào những thứ làm nổi bật bản sắc cá nhân của họ dẫn đến bệnh hình thức.

Họ bị kích thích bởi cảm giác khan hiếm giả tạo nên chỉ thích săn lùng hàng thương hiệu (được thiết kế độc bản, không dụng hàng) để chưng diện. Thậm chí sẵn sàng sử dụng hàng fake, thuê đồ chỉ để “check in”.

Nhiều người trở nên nghiện mua sắm và mua sắm theo trend, theo dư luận mạng xã hội, theo quảng cáo một chiều từ những người ảnh hưởng chứ không phải xuất phát từ cái mình cần. Chính vì thế, nhiều bạn trẻ Yolo luôn trong tình trạng mất cân bằng tài chính. Họ làm ra được bao nhiêu tiêu hết. Họ còn vay trước để tiêu, và đến những giai đoạn khủng hoảng xã hội như Covid-19 thì không còn gì để sống nữa.

PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Đừng để Yolo thành một lời xin lỗi

Không chỉ trong lĩnh vực tiêu dùng, nhiều người sống theo phong cách Yolo đang trở nên coi thường các quy định và có xu hướng phá vỡ những chuẩn mực. Nam thanh niên sẵn sàng uống rượu say, rồi đua xe gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng; những cô gái Yolo có thể sẵn sàng “cởi hết” sau một sự kiện vui và buông thả trong các mối quan hệ.

Yolo bị lạm dụng khiến cho nhiều bạn trẻ đang bán rẻ tương lai. Đừng để Yolo thành một lời xin lỗi vì bạn chưa giàu đã già.

Hiện tượng này, một phần nguyên nhân từ bộ phận không ít cha mẹ kiểu thế hệ trung lưu mới nổi, giàu sổi nên cưng chiều con hết mực. Họ sẵn sàng mọi điều kiện cho con hưởng thụ sớm, khiến con sống Yolo từ bé theo phong cách cha mẹ.

Mặt trái của cách sống này là khiến trẻ không yêu lao động, không tôn trọng một số nghề lao động chân tay. Bên cạnh đó, khiến hành vi sống hưởng thụ leo thang.

Chẳng hạn, một đứa trẻ từ nhỏ ăn vạ mẹ để đòi được mua bộ đồ chơi lego, lớn lên có thể đòi những cái khác giá trị hơn.

Trong quá trình làm việc, tôi đã gặp và tư vấn cho trường hợp nam sinh THPT, cháu nó khoe là “cháu nhịn ăn một tuần mới mua được cái áo khoác này đấy” Tôi hỏi lại: Cháu nhịn ăn sáng, tiết kiệm một tuần để mua áo này sao? Chú nghĩ là cái áo này cần tiết kiệm nhiều hơn thế.

Học sinh này trả lời: Không. Cháu nhịn ăn sáng một tuần, để gây áp lực cho mẹ cháu và mẹ cháu phải mua cho cháu cái áo này - hiệu Gucci, giá 60 triệu chú ạ.

Lối sống Yolo, cha mẹ đã tập nhiễm cho con cái như thế, ngay trong cách nuôi dạy và chiều theo mọi mong muốn của chúng. Thật đáng buồn vì không ít bạn trẻ hiện nay đang biến tướng Yolo thành vô tổ chức, ngoài vòng pháp luật.

Về giải pháp để trẻ sống tích cực, đúng tinh thần Yolo, cần đưa giáo dục sớm cho con về tài chính. Hãy giáo dục con từ nhỏ về quy trình: Kiếm tiền - Tiết kiệm - Tiêu tiền - Thiện nguyện.

Giáo dục con phân biệt cái con muốn và cái con cần. Hãy để con có “quyền được khổ”. Có nghĩa là được tự mình tham gia các công việc phục vụ bản thân, giúp việc gia đình và các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Để con có thể yêu quý lao động và trân trọng những cảm xúc trong lao động và giao tiếp giữa người với người, cha mẹ hãy giúp con vun bồi những giá trị tích cực của nhân loại như yêu thương, giản dị, hợp tác, tôn trọng, chia sẻ.

Hãy giúp con hiểu, con muốn sống Yolo thì cũng cần sống xanh, sống tối giản, sống đấu tranh cho các vấn đề phát triển bền vững.

Yolo là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “You Only Live Once”, có nghĩa là “Bạn chỉ sống một lần”. Yolo mang sắc thái vui vẻ, khuyến khích bạn trẻ hãy sống hết mình, hãy làm những gì mình thích bởi chúng ta chỉ được sống một lần. Cuộc sống dù có khó khăn thế nào, hãy đừng chùn bước, hãy làm mọi thứ mình thích theo tiếng gọi của con tim. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ