Bản cam kết ở Làng Nủ

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Xuân Khang được biết đến là người thầy đầu tiên đã nhận nuôi toàn bộ số cháu nhỏ còn sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ hôm 10/9/2024.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hôm 22/12, lẫn trong số đông đảo các quan khách tham dự lễ khánh thành khu tái định cư cho dân Làng Nủ (Bảo Yên - Lào Cai), người ta thấy có một cụ già dáng gầy gò, tay ôm một chiếc hộp nhỏ, thoăn thoắt ghé từng ngôi nhà, rồi dừng lại ở Nhà lưu niệm của làng - nơi có di ảnh thờ những người xấu số bị lũ cuốn trôi hôm 10/9/2024. Và ông đã bật khóc! Đó là thầy giáo Nguyễn Xuân Khang (Trường phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội).

Hôm đó, thầy Khang về Làng Nủ để nhận mặt 22 cháu nhỏ sống sót của làng sau trận lũ kinh hoàng 3 tháng trước đó mà ông nhận nuôi cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi với mức trợ cấp mỗi cháu 3 triệu đồng/tháng. Bên trong chiếc hộp nhỏ trên tay thầy Khang có một bản cam kết đặc biệt.

Còn bên ngoài chiếc hộp chỉ ghi vỏn vẹn một câu, thể hiện tình cảm bao la và một quyết tâm rất lớn cho cả thầy Khang lẫn 22 cháu nhỏ của làng. Nội dung câu ấy là “Ông giữ gìn sức khỏe, cháu chăm chỉ học hành”.

Bên trong là danh sách các cháu mồ côi mà thầy giáo Nguyễn Xuân Khang nhận nuôi. Các cháu ký vào bản danh sách - được xem như bản cam kết - (cháu nào chưa biết chữ thì lăn tay), nội dung như câu ghi bên ngoài chiếc hộp.

Thầy Nguyễn Xuân Khang được biết đến là người thầy đầu tiên đã nhận nuôi toàn bộ số cháu nhỏ còn sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ hôm 10/9/2024. Ông về Làng Nủ hôm 22/12 chủ yếu là để thăm các cháu mà ông xin với dân làng là cho các cháu gọi ông là “ông nội” bắt đầu từ hôm đấy.

Thầy Khang nói rằng, đã 6 tháng qua, thầy chưa ra khỏi Hà Nội nhưng hôm 22/12, dù mưa rét nhưng thầy phải đi đến tận nơi để nhận mặt từng cháu đã ám ảnh thầy suốt mấy tháng qua.

“Bản cam kết” chỉ một câu, thoạt nghe thì đơn giản nhưng để thực hiện cho trọn vẹn ước nguyện của cả hai phía, quả không dễ dàng. Thầy Khang tính đến năm 2039 thì đứa trẻ cuối cùng trong số 22 cháu nhỏ ấy mới đủ 18 tuổi. Lúc ấy, thầy đã ở tuổi 90! Dĩ nhiên là, nếu lúc ấy, thầy Khang không còn trên dương thế nữa thì “bản cam kết” nuôi cho các cháu đến năm 18 tuổi vẫn được những người thân của thầy thực hiện.

Nhưng ở về phía các cháu phải “chăm chỉ học hành” thì là điều không mấy dễ dàng. Thầy Khang mong các cháu giữ đúng “cam kết” như thế cho đến lúc trưởng thành. Để làm “bằng chứng”, thầy xin chụp một bức ảnh có tất cả các cháu mà thầy nhận làm ông nội. Đến năm 2039, tất cả các cháu trong ảnh, đứng nguyên vị trí như hôm nay, sẽ chụp chung với thầy ngay tại Hà Nội!

Chúng ta tin rằng các “cháu nội” ở Làng Nủ của thầy cũng giữ đúng “cam kết” đã ký.

Ở Làng Nủ còn có một “bản cam kết khác”, đó là 3 gia đình viết đơn không nhận những ngôi nhà được các nhà hảo tâm trao tặng. Theo các gia đình này, người thân của họ không còn ai sống sót sau trận lũ nên nhường ngôi nhà ấy cho người còn khó khăn hơn mặc dù những gia đình này hoàn toàn có đủ “tiêu chuẩn” để nhận nhà!

Có lẽ đó là bản “cam kết” làm ta nhói lòng nhất mà cũng đáng kính phục nhất!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ hội Xo May là dịp người dân Mường Lai quảng bá nét văn hóa của dân tộc mình.

Bản sắc Xo May

GD&TĐ - Xo May là lễ hội mang đậm bản sắc của người dân xã Mường Lai (Lục Yên, Yên Bái) vào mỗi độ đầu Xuân, thu hút hàng nghìn người dân và du khách.

Các loại xe hạng nặng như xe tải và xe buýt điện sẽ tăng trưởng đáng kể.

Xu hướng về công nghệ khí hậu

GD&TĐ - Khi cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu leo thang, các giải pháp công nghệ đang nổi lên nhằm giải quyết những thách thức cấp bách nhất về môi trường.