Ban bố tình trạng khẩn cấp cứu đê biển Tây Cà Mau

GD&TĐ - Đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang đối mặt với sạt lở, nguy cơ vỡ đê bất kỳ lúc nào. Trước tình hình này, địa phương cùng các ngành chức năng đang lên phương án ban bố tình trạng khẩn cấp.

Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau tập trung lực lượng gia cố đê biển Tây
Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau tập trung lực lượng gia cố đê biển Tây

Lo ngại nhất là tình hình thời tiết trên vùng biển Tây Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp. Một vùng áp thấp trên khu vực biển Đông vừa mới xuất hiện, dự báo sẽ ảnh hưởng đến vùng biển Tây Nam. Nước biển dâng cao bất ngờ làm sóng to, gió lớn áp sát vào thân đê gây sạt lở, nước tràn qua mặt đê vào vùng nội đồng gây thiệt hại, ngập nhà người dân.

Trước tình hình này, tỉnh Cà Mau đang tăng cường nhân lực, vật lực để bảo vệ hơn 50km đê biển. Tỉnh đã huy động 200 người, 7.000 bao tải đất, gia cố 2.500 cừ tràm để hộ các đoạn đê bị sạt lở.

Ngày 5/8, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đến tỉnh Cà Mau kiểm tra thực địa. Qua khảo sát, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị tỉnh Cà Mau cần ban bố tình trạng khẩn cấp. Huy động lực lượng hộ đê, triển khai giải pháp đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ đê, bảo vệ hàng chục nghìn hộ dân trong đê.

Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong những ngày qua đã làm 1 người chết, 1 người bị thương. Có 91 căn nhà bị sập, hơn 472 căn nhà tốc mái. Đặc biệt, thủy triều dâng đột ngột, sóng to, gió lớn làm nước biển tràn qua mặt đê biển Tây làm ngập hơn 1.800 căn nhà, 1 trường học và 2.500m đường giao thông. Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 22 tỷ đồng. Đê biển Tây sạt lở nghiêm trọng đoạn ấp Thời Hưng (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) với chiều dài 356m, có nguy cơ vỡ đê. UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho tỉnh Cà Mau cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển.

Theo ông Nguyễn Long Hoai - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau: “Trong mấy mươi năm qua, đê biển Tây chưa gặp trường hợp triều cường dâng cao và sóng lớn như hiện nay. Hiện tại lực lượng hơn 200 người đã cơ bản xử lý những nơi sạt lở nguy hiểm, nhất là phần mái đê bị phá vỡ. Chúng tôi chuẩn bị bao tải chứa đất đá, nâng cao trình của đê, nếu có dâng lên nữa thì hạn chế tối đa thiệt hại, bảo đảm sản xuất trong đê”.

Tuyến đê biển Tây của tỉnh Cà Mau trải dài từ huyện U Minh đến huyện Trần Văn Thời. Đê có vai trò ngăn mặn cho vùng sản xuất ngọt hóa, trong đó huyện Trần Văn Thời có khoảng 29.000 ha lúa đang canh tác. Nếu vỡ đê xảy ra thiệt hại là khó tránh khỏi cho hàng chục ngàn hộ dân sống trong đê.

Vào chiều 3/8, sóng lớn cùng nước biển dâng cao đột ngột đánh liên tục vào đê, gây tràn qua mặt và sạt lở nghiêm trọng khoảng 300m địa phận xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời). Cũng tại tuyến đê này, đoạn qua xã Khánh Tiến (huyện U Minh) cũng sạt lở nghiêm trọng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.