Bạn biết gì về chỉ số Dow Jones?

GD&TĐ - Mỗi khi thảo luận về chứng khoán và sự chuyển động của thị trường tài chính, bạn thường nhắc đến chỉ số Dow Jones, hoặc ngắn gọn là chỉ số Dow. Thế nhưng, bạn có biết nó bắt nguồn từ đâu?

Các chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones được hiển thị trên màn hình tại Nasdaq MarketSite ở Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ.
Các chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones được hiển thị trên màn hình tại Nasdaq MarketSite ở Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ.

Từ nhà báo…

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (The Dow Jones Industrial Average - DJIA) là thước đo hiệu suất cổ phiếu của 30 công ty lớn nhất được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Dow Jones không phải là tên của một người, mà là sự kết hợp tên cuối của hai trong ba người sáng lập ra DJIA. Ba quý ông đó là Charles Henry Dow, Edward Jones và Charles Bergstresser. Nhưng người ta thường nhắc nhiều tới Charles Henry Dow.

Charles Henry Dow sinh tháng 11/1851 ở Sterling Connecticut, Mỹ. Mặc dù tên của ông hiện đồng nghĩa với thị trường tài chính, nhưng ông lại xuất thân là một nhà báo chuyên về thương mại.

Không được học hành đến nơi đến chốn nhưng Dow vẫn được tuyển vào làm phóng viên cho một số tờ báo ở Massachusetts. Sở trường của ông là viết các bài báo về lịch sử địa phương, trong đó ông giải thích cách mà các doanh nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác nhau đã tác động đến sự phát triển của khu vực như thế nào.

Ông công bố một báo cáo chuyên sâu vào năm 1877 về ngành công nghiệp vận tải hơi nước giữa New York và Providence, bao gồm cả lịch sử của ngành và quan điểm của ông về tương lai của sự lưu thông đường thủy bằng hơi nước.

Công trình này đã thu hút sự chú ý của những người đứng đầu ban biên tập, họ đã điều ông đến Colorado cùng với một nhóm các chủ ngân hàng và nhà đầu tư để báo cáo về ngành kỹ nghệ khai thác bạc. Bắt đầu từ đó, các bài viết của ông đào sâu vào chủ nghĩa tư bản, các chiến lược đầu tư và chấp nhận rủi ro tài chính.

Trở thành chuyên gia tài chính

Charles Henry Dow (trái) và Edward Jones.
 Charles Henry Dow (trái) và Edward Jones.

Charles Henry Dow chuyển đến thành phố New York vào năm 1880. Ông nhận ra niềm đam mê của mình là báo cáo tài chính và New York là nơi duy nhất phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này. Ông làm việc cho Văn phòng Tin tức Tài chính Phố Wall Kiernan, một công ty chuyên biên soạn thông tin tài chính, gửi báo cáo viết tay cho các nhà môi giới tài chính và ngân hàng.

Khi John Kiernan, Trưởng ban biên tập trước đây của Charles Henry Dow, yêu cầu Dow giúp ông ta tìm thuê một phóng viên khác, Dow giới thiệu Edward Jones. Mặc dù Jones học đại học dang dở nhưng anh ta có đầu óc nhạy bén về tài chính và có thể phân tích một cách nhanh chóng các báo cáo thuộc lĩnh vực này.

Cũng như Dow, Jones tin tưởng mạnh mẽ rằng, báo cáo tài chính và thị trường cần phải thể hiện công bằng, không thiên vị để không ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế. Cả Dow và Jones đều kiên định, không ai có thể mua chuộc họ nhằm làm tăng giá trị ảo để đẩy giá cổ phiếu của công ty họ lên cao.

Sau đó, Dow và Jones nhận ra cần có thêm một dịch vụ thông tin trong thành phố, vì vậy họ đã thành lập phòng tin tức lấy tên là Dow Jones & Company (Charles Bergstresser đồng ý trở thành một đối tác thầm lặng). Đến tháng 11/1883, khi đã sẵn sàng cho việc kinh doanh, họ xuất bản báo cáo tài chính hằng ngày và tài liệu này nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.

Sau 6 năm, công ty đã có 50 nhân viên và báo cáo hằng ngày của họ đã trở thành một tờ báo thực tế mang tên The Wall Street Journal. Số đầu tiên của The Wall Street Journal xuất hiện vào ngày 8/7/1889. Mục tiêu của báo là cung cấp đầy đủ, công bằng các tin tức hằng ngày liên quan đến biến động của giá cổ phiếu, trái phiếu và một số loại hàng hóa.

Charles Henry Dow dành một lượng thời gian đáng kể nghiên cứu các chuyển động của thị trường. Ông đã hình thành một hệ thống chuyên sâu để phân tích các xu hướng thị trường liên quan đến việc theo dõi cổ phiếu lúc đóng cửa của hàng chục công ty, cộng giá cổ phiếu của họ và lấy trung bình để đưa ra một con số. Ông gọi con số này là Trung bình công nghiệp Dow Jones.

Đây là lần đầu tiên một hệ thống được đưa vào để giúp các nhà đầu tư dễ dàng nhìn thấy chuyển động lên - xuống của thị trường.

Ngày nay, Dow Jones đã mở rộng, bao gồm chỉ số trung bình của 30 công ty. Số lượng này giữ vững cho đến ngày hôm nay. Nhóm 30 này luôn có sự thay đổi. Khi công ty nào có sự sa sút đến độ không đủ tiêu chuẩn để được xếp vào top 30 của các cổ phiếu blue-chip, công ty đó sẽ lập tức được thay thế bằng công ty khác trên đà tăng trưởng.

Charles Henry Dow cũng nổi tiếng trong việc phát triển Lý thuyết Dow. Đây là ý tưởng cho rằng có một mối quan hệ giữa các xu hướng trên thị trường chứng khoán và các hoạt động tài chính, kinh doanh khác.

Ví dụ, Dow khẳng định, nếu trung bình công nghiệp của thị trường chứng khoán và trung bình đường sắt đều đi theo cùng một hướng thì một sự thay đổi tài chính quan trọng sẽ xảy ra. Ông cũng cho rằng, nếu cả hai chỉ số đều đạt mức cao mới, nó báo hiệu một thị trường tăng giá đang diễn ra.

Mặc dù Charles Henry Dow thường nói, lý thuyết của ông chỉ là một trong nhiều công cụ mà các nhà đầu tư sử dụng nhưng thực tế các nhà môi giới và chủ ngân hàng thường dựa vào Lý thuyết Dow để dự đoán xu hướng kinh tế.

Charles Henry Dow qua đời vào năm 1902 ở tuổi 51, nhưng di sản của ông, bao gồm Lý thuyết Dow, tờ The Wall Street Journal và chỉ số Trung bình công nghiệp Dow Jones vẫn tiếp tục được ứng dụng cho đến ngày nay. 

Theo Historydaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.