Bài toán đầu tư trường lớp ở điểm lẻ

GD&TĐ - Kiên Giang và Cà Mau là hai địa phương có nhiều điểm trường. 

Đường đến trường của học sinh huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Q. Ngữ
Đường đến trường của học sinh huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Q. Ngữ

Việc quy hoạch trường lớp, dồn dịch điểm lẻ đang được thực hiện nhưng còn không ít khó khăn.

Quyết liệt “dồn điền đổi thửa”

Do địa hình sông nước, giao thông không thuận lợi nên ĐBSCL có nhiều điểm trường nhất cả nước; đây cũng là khu vực duy nhất có điểm trường ở cấp THPT. Yêu cầu sắp xếp, dồn dịch trường lớp đặt ra cấp thiết với vùng để nâng cao chất lượng giáo dục và phục vụ triển khai Chương trình GDPT mới.

Theo Sở GD&ĐT Kiên Giang, tỉnh hiện có 621 đơn vị sự nghiệp giáo dục. Hệ thống trường, lớp học phân bổ khắp các vùng, điểm trường lẻ cũng phát triển theo nhằm đáp ứng công tác huy động học sinh đến trường. Thời gian qua, công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong sắp xếp, sáp nhập, xóa điểm lẻ được thực hiện quyết liệt.

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay tỉnh cơ bản đạt yêu cầu và đúng tiến độ. Các cơ sở giáo dục phổ thông giảm, tăng cấp học mầm non để đáp ứng nhu cầu phổ cập GDMN 5 tuổi. Đảm bảo tinh gọn, giảm đầu mối, hạn chế tối đa trường có quy mô nhỏ, manh mún, lãng phí nguồn nhân lực, tài chính; tạo sự công bằng trong thụ hưởng giáo dục.

Trước khi thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh Kiên Giang có 661 trường công lập; 1.476 điểm trường lẻ; 11.202 nhóm/lớp. Sau khi sắp xếp tinh gọn còn 621 trường học; 955 điểm trường, với 10.677 nhóm/lớp. Sau 5 năm sắp xếp các cơ sở giáo dục, giảm được 40 trường do sáp nhập trường có quy mô nhỏ, giảm 521 điểm lẻ, giảm 525 nhóm/lớp; tăng 2 trường mầm non.

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh giảm 4 trường tiểu học, 2 trường THCS, tăng 1 trường THPT, xóa thêm 31 điểm trường lẻ, nâng số điểm đã giảm lên 80 điểm.

Theo ông Bảo, ngành Giáo dục phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ khảo sát tình hình sắp xếp mạng lưới trường, lớp và biên chế sự nghiệp giáo dục trên phạm vi toàn tỉnh và do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng. Qua khảo sát, tổ đã tư vấn, khuyến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương sắp xếp mạng lưới trường, lớp hiệu quả… Dự kiến đến năm 2025 và 2030, sắp xếp lại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm số lượng trường quy mô nhỏ, các điểm lẻ, tăng trường mầm non và phổ thông nhiều cấp học.

Ngành Giáo dục Cà Mau cũng đẩy mạnh chủ trương xóa, ghép, sáp nhập các điểm lẻ với mục tiêu nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Như huyện Phú Tân có 32/40 trường đạt chuẩn quốc gia. Từ 45 điểm lẻ, nay giảm còn 9 điểm có điều kiện đi lại khó khăn, chưa thể xóa ngay để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. Huyện Trần Văn Thời có 40 điểm trường lẻ được xóa, ghép, sáp nhập…

Đến trường mùa lũ. Ảnh minh họa/ INT

Đến trường mùa lũ. Ảnh minh họa/ INT

Gỡ khó khăn đặc thù

Sắp xếp, sáp nhập, xóa điểm lẻ nhằm từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế về quy mô dàn trải, nhiều điểm trường lẻ có số lượng học sinh ít, thế nhưng công tác này còn nhiều vướng mắc. Thống kê của Sở GD&ĐT Cà Mau, tổng số phòng học cấp học mầm non và phổ thông trong tỉnh là 6.743. Trong đó, phòng học kiên cố 4.492/6.743, tỷ lệ 66,61%; phòng học bán kiên cố 2.251 phòng, tỷ lệ 33,38%. Một số nơi thiếu phòng học triển khai dạy 2 buổi/ngày, các phòng chức năng, phòng học bộ môn cũng chưa đủ.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khó khăn phát sinh sau khi xóa điểm lẻ dồn về điểm chính đó là điểm chính quá tải vì chậm mở rộng, nâng cấp, trang thiết bị hạn chế. Trong 5 năm qua, tỉnh đầu tư hơn 717 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, nhưng phòng học kiên cố còn hơn 68%, bán kiên cố 55%... Xóa điểm lẻ, một số học sinh đi học xa, tốn kém ảnh hưởng tới phụ huynh khiến nguy cơ học sinh bỏ học tăng.

Để khắc phục vướng mắc và triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Cà Mau tích cực tham mưu HĐND, UBND tỉnh và các ngành liên quan bổ sung kinh phí đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu; Thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đồng thời hoàn thành và trình phê duyệt Đề án nâng cấp sửa chữa trường học năm 2021 - 2025, kinh phí 2.321 tỷ đồng…

Chia sẻ khó khăn công tác quy hoạch trường lớp, ông Trần Quang Bảo cho biết: Việc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong sắp xếp, sáp nhập, xóa điểm lẻ còn mang tính cơ học, có nơi chưa sát thực tiễn. Một số địa phương triển khai thực hiện không quyết liệt, thiếu kế hoạch, lộ trình cụ thể từng năm. Do thời gian dài thực hiện chủ trương tách từng cấp học ra riêng nên phát sinh nhiều trường nhỏ lẻ. Khi sáp nhập thành trường phổ thông có nhiều cấp học, tăng quy mô nên nhiều khó khăn.

Mặt khác, một số phụ huynh thời gian đầu thực hiện “dồn điền đổi thửa” còn chưa đồng tình cho con em từ điểm lẻ về học điểm chính. Nguồn kinh phí đầu tư, bổ sung xây dựng phòng học, mở rộng quy mô cho học sinh điểm trường lẻ dồn về chưa tương xứng, kịp thời. Trong sắp xếp trường lớp, bố trí lại tỷ lệ học sinh/lớp phát sinh dôi dư giáo viên, nhân viên… “Cấp ủy, chính quyền địa phương cần quyết tâm, quyết liệt trong việc quy hoạch đất để phát triển giáo dục cùng nguồn kinh phí thích hợp để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bổ sung phòng học thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả…”, ông Bảo kiến nghị.

Vùng ĐBSCL có 2.002 cơ sở giáo dục mầm non, 5.671 cơ sở giáo dục tiểu học, 1.380 cơ sở giáo dục THCS và 350 cơ sở giáo dục THPT với khoảng 92.912 phòng học các cấp mầm non, phổ thổng công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 75.746 phòng, tỷ lệ kiên cố hóa 81,5%. Vùng còn thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng sâu xa, đặc biệt khó khăn. Cấp mầm non thiếu khoảng 587 phòng, tiểu học thiếu khoảng 3.226 phòng để đạt tỷ lệ 1 lớp/phòng đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày, chưa tính đến số lớp, phòng học để bảo đảm số học sinh/lớp theo quy định. Ở khu vực điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn vẫn tồn tại 1.279 phòng học nhờ, mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.