Giao bài tập cho phụ huynh
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian phụ huynh cùng con nghỉ ngơi, sum vầy, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để hiểu trẻ. Đặc biệt qua hoạt động chung của gia đình, bố mẹ và con cái thêm gần gũi, gắn kết.
Với quan điểm, học sinh được nghỉ ngơi, “nạp” năng lượng chuẩn bị cho kỳ học mới thay vì giao bài tập về nhà, trong cuộc họp phụ huynh kết thúc học kỳ I, Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã lưu ý, hướng dẫn phụ huynh kỹ năng mềm, cách tổ chức các hoạt động để trẻ có kỳ nghỉ ý nghĩa, vui vẻ.
Cô Hiệu trưởng Đinh Thị Thảo cho biết: “Chúng tôi nói vui với phụ huynh rằng, dịp Tết, nhà trường sẽ giao bài tập cho cha mẹ, còn học sinh được nghỉ ngơi. Theo đó trường đưa ra các gợi ý cụ thể để phụ huynh tham khảo. Ví như: Trước Tết, cha mẹ cùng con dọn nhà, sắm Tết; trong những ngày Tết đưa trẻ đi thăm ông bà, người thân; sau nghỉ Tết tổ chức một số hoạt động để các em lấy lại đà học tập”.
“Tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, nhiều học sinh theo bố mẹ về quê đón Tết cùng ông bà. Do vậy, buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ, nhà trường yêu cầu giáo viên thay vì dạy kiến thức sẽ tổ chức sinh hoạt để học sinh được chia sẻ những trải nghiệm với cô giáo, các bạn”, cô Thảo nói.
Đối với trường dân tộc nội trú, nhiều em vào học tập, sinh hoạt khi mới hơn 10 tuổi, do đó Tết là dịp hiếm hoi để đoàn tụ với gia đình.
Cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) cho hay: “Thay vì chú trọng giao bài về nhà vào kỳ nghỉ, chúng tôi khuyến khích học sinh tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi bên gia đình, giúp đỡ bố mẹ việc nhà; tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chung lễ hội tại địa phương để tăng cường hiểu biết đặc trưng văn hoá, truyền thống. Đây cũng là cách học tự nhiên, tiếp nhận kiến thức, kỹ năng mà học trò không thấy áp lực…”.
Những tiết học cuối năm của thầy trò Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa. Ảnh: Hải Nam |
Vui xuân không quên nhiệm vụ
Kết thúc học kỳ I, thầy trò Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) bước vào giai đoạn củng cố kiến thức, chuẩn bị cho học kỳ II. Nhà trường đã lồng ghép vào hoạt động ngoại khoá chủ đề Tết để học sinh trải nghiệm nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống.
Chia sẻ của cô Khúc Mỹ Hạnh – Phó Hiệu trưởng nhà trường, học sinh Hà Nội có kỳ nghỉ Tết không dài nên quan điểm của nhà trường là ưu tiên cho các em vui chơi, sinh hoạt bổ ích, không nơm nớp lo ngồi học trả bài. Theo đó, giáo viên linh động, thay vì yêu cầu học sinh ôn tập kiến thức là tìm hiểu, học hỏi, thực hành kỹ năng sống như sắp xếp lại góc học tập, dọn dẹp, trang trí nhà, bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng cùng bố mẹ...
Trường THCS Ngọc Lâm khuyến khích, hướng dẫn học sinh dành 2 ngày cuối cùng kỳ nghỉ xem lại bài vở, ổn định giờ giấc sinh hoạt để khi quay lại trường không bị “lệch” nền nếp dẫn đến mất thời gian làm quen lại. Không dừng lại đó, sau kỳ nghỉ, trường tổ chức cuộc thi viết cảm nhận của học sinh về những trải nghiệm đáng nhớ ngày Tết. Những bài viết ý nghĩa, hay của học sinh… sẽ được chấm và đăng tải trên website nhà trường.
Cô Mỹ Hạnh chia sẻ: “Ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, ban giám hiệu, thầy cô sẽ có mặt sớm để đón, động viên, gửi lời chúc và trao những bao lì xì do giáo viên tự làm tặng học trò. Chúng tôi cũng lắng nghe các em chia sẻ trải nghiệm, kỷ niệm. Quan điểm giáo dục của nhà trường là chú trọng xây dựng trường học như gia đình, là nơi các em thấy hạnh phúc, được lắng nghe, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn để từ đó được thầy cô hỗ trợ, giúp đỡ”.
Nghỉ Tết luôn là khoảng thời gian học sinh hào hứng và chờ đợi. Do vậy để tránh ảnh hưởng đến thời gian học trò vui chơi, thầy Nguyễn Văn Toàn - giáo viên môn Vật lý, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã gợi ý cho các em kế hoạch trải nghiệm, vui mà học cụ thể, sinh động.
“Trước khi nghỉ Tết, tôi khuyến khích học trò hoàn thành các bài tập theo chương trình. Nội dung nào chưa hiểu hỏi thầy cô ngay để nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ. Từ đó các em không hổng kiến thức khi quay lại trường.
Cùng đó, khoảng thời gian cuối của kỳ nghỉ Tết nên dành ra 2 ngày, mỗi ngày 2 - 3 giờ ôn lại bài vở thay vì dành toàn bộ kỳ nghỉ cho hoạt động vui chơi, dẫn đến khi đi học sẽ ngại, mất nhiều thời gian để bắt nhịp học tập”, thầy Toàn cho hay.
“Năm nay, học sinh tỉnh Lạng Sơn nghỉ Tết gần 2 tuần. Chúng tôi định hướng cho các em xây dựng kế hoạch kỳ nghỉ đặc biệt, không thể thiếu vui chơi, trải nghiệm không khí, phong tục tập quán ngày Tết nhưng vẫn dành khoảng thời gian nhất định để ôn bài, gia cố kiến thức trước khi trở lại trường học tập”, Cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) chia sẻ.