Để giúp trẻ có trách nhiệm và ý thức hơn trong cuộc sống, nhất là khi bước vào độ tuổi trưởng thành, cha mẹ cần dạy trẻ những bài học đạo đức về lòng biết ơn.
Nhiều cha mẹ luôn lấy con làm trung tâm, yêu thương trẻ theo bản năng. Họ muốn dành cho con những điều tốt nhất, nhưng lại quên dạy con về lòng biết ơn. Trẻ hiểu thế nào là biết ơn sẽ cảm nhận được sự khó khăn của người khác và có mối quan hệ cá nhân tốt hơn.
Biết ơn mọi điều quanh ta
Việc dạy trẻ lòng biết ơn mang đến cho con cuộc sống hòa đồng, vui vẻ, đạt được thành tích cao trong học tập. Đồng thời, giúp trẻ hình thành nhân cách tốt khi trưởng thành, biết ứng xử văn minh và sống có tình nghĩa.
“Lòng biết ơn là đẳng cấp cao nhất của văn minh”, một triết gia cổ đại từng phát biểu như vậy. Trong cuộc sống, dù có bất đồng quan điểm, không còn yêu thương, bất kỳ ai cũng nên hiểu rằng, người xung quanh từng mang đến cho mình niềm vui.
Trong cuộc sống, có rất nhiều điều chúng ta đạt được một cách dễ dàng. Việc đó khiến chúng ta nhiều khi nghĩ rằng, những điều mình có là hiển nhiên. Vì vậy, khi cuộc sống không cho ta những gì mình muốn hoặc lấy đi thứ ta đang có, chúng ta rơi vào thất vọng, thậm chí tuyệt vọng.
Biết ơn là khả năng cảm nhận và đón nhận những điều tốt đẹp thậm chí rất nhỏ như: Không khí, bông hoa, tiếng chim hót, một ngày mới, khỏe mạnh... Biết ơn là hành động trân trọng, coi những thứ xung quanh như một món quà. Trong nhiều tình huống khó khăn, thái độ biết ơn sẽ giúp chúng ta tiếp tục sống với niềm hy vọng rằng, những điều tốt đẹp sẽ đến. Từ đó, cố gắng với một thái độ sống tích cực lạc quan, thay vì để nỗi sợ hãi và lo lắng điều khiển bản thân.
Một câu chuyện từng được chia sẻ trên Internet kể về một cô gái âm thầm tiết kiệm trong 2 năm để tặng cho cha mình chiếc kính màu. Lần đầu tiên trong đời, người bố nhìn thấy bầu trời có màu xanh trong, ông xúc động nói: “Đẹp quá con à!”. Khi quay trở lại xe, ông vội lôi chiếc điện thoại ra, nhìn vào những tấm ảnh mình chụp trước đây và xem thử con chó ở nhà màu gì. Ông phát hiện ra thế giới này thật sặc sỡ và ôm chầm lấy con gái mình.
Món quà của cô con gái khiến cha mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đôi khi, điều cha mẹ cần nhất không phải là vật chất, mà là sự quan tâm, chăm sóc của con. Lòng biết ơn và những món quà xuất phát từ tấm lòng của người con mới là thứ khiến cha mẹ cảm thấy hạnh phúc nhất. Vậy nên, thành công lớn nhất của cha mẹ chính là nuôi dạy con mình trở thành một người hiểu được sự biết ơn.
Chỉ yêu là chưa đủ
Theo nghiên cứu trong dự án “Nuôi dạy trẻ em lòng biết ơn” của trường UNC Chapel Hill (Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill, Mỹ), lòng biết ơn gồm có 4 phần: Ghi nhớ (nhận ra những điều cần biết ơn); Suy nghĩ (suy nghĩ về lý do tại sao lại nhận được điều đó); Cảm nhận (những cảm xúc trải qua khi nhận được thứ được ban tặng); Làm (đưa sự cảm nhận đó vào hành động).
Thực tế, đa số phụ huynh chỉ khuyến khích con nói lời “cảm ơn” hoặc thực hiện hành động cảm ơn người khác như tặng quà, hay giúp đỡ lại họ. Song, cha mẹ không hề hướng trẻ đặt câu hỏi xung quanh điều đó. Các nhà nghiên cứu của UNC cho rằng, đây sẽ là một thiếu sót rất lớn trong việc nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ.
Doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh - người nổi tiếng với tên đại gia “Minh Nhựa” từng chia sẻ, yêu con là cần dạy trẻ về lòng biết ơn. “Nhiều bậc cha mẹ luôn lấy con làm trung tâm, chỉ yêu thương con theo bản năng. Họ quan tâm đến bữa cơm con ăn, quần áo con mặc, dành cho con những điều tốt nhất nhưng lại quên dạy con biết ơn”, doanh nhân Nhật Minh cho biết.
Theo ông, trẻ có lòng biết ơn sẽ dễ đồng cảm hơn. Từ đó, cảm nhận được sự khó khăn của người khác và có các mối quan hệ cá nhân tốt hơn. Trẻ có lòng biết ơn cũng sẽ sống vui vẻ và hạnh phúc. Những đứa trẻ không hiểu biết ơn là gì sẽ luôn cảm thấy thất vọng và bất mãn hơn.
“Chỉ yêu thôi là chưa đủ. Hãy để con trẻ được học cách biết ơn, học cách yêu thương mọi người và nhìn thế giới với lòng biết ơn sâu sắc. Đó không phải sự ích kỷ của cha mẹ hay gây khó dễ cho con, mà thể hiện tầm nhìn cho cuộc sống tương lai của con mình”, doanh nhân “Minh Nhựa” chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lanh chia sẻ, lòng biết ơn là “chìa khóa” mang lại niềm vui cũng như sự hạnh phúc trong cuộc sống. “Hầu hết chúng ta đều biết rằng, cần phải bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã giúp đỡ hoặc âm thầm ghi nhận những điều chúng ta biết ơn trong cuộc sống. Nhưng chúng ta không biết được sự quan trọng của lòng biết ơn, nên không thực hiện điều đó hằng ngày”, chuyên gia nhận định.
Trong cuốn sách “Phép màu”, nữ tác giả Rhonda Byrne đã nói: “Người nào đã có sẵn lòng biết ơn sẽ được ban tặng thêm. Và anh ta sẽ có dư giả đủ đầy! Người nào không có lòng biết ơn thì thậm chí những gì anh ta có cũng sẽ bị tước đi!”. Các chuyên gia cho rằng, lòng biết ơn giúp con người thoát khỏi những cảm xúc độc hại. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Lanh gợi ý, mỗi buổi tối, mọi người hãy dành ít thời gian trước khi đi ngủ để biết ơn tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc đời này.
Khi thực hành lòng biết ơn vào buổi sớm, đầu óc chúng ta sẽ hướng tới những điều tốt đẹp nhất, thay vì tiêu cực. Điều đó giúp mỗi cá nhân cảm thấy hạnh phúc hơn. Tương tự, biết ơn trước khi đi ngủ, mọi người sẽ có một giấc ngủ trong bình an và hạnh phúc. Bởi, lòng biết ơn giúp giảm mức độ căng thẳng.
Chuyên gia này cho rằng, cha mẹ có thể khuyến khích con cùng thực hành lòng biết ơn mỗi ngày. Đồng thời, biến lòng biết ơn thành thói quen hằng ngày.
“Tôi biết ơn vì ngày hôm nay tôi lại được sống là chính mình. Tôi biết ơn cơ thể khỏe mạnh của tôi, tôi biết ơn tất cả những cơ quan nội tại trong cơ thể tôi. Tôi biết ơn gia đình luôn ở bên và động viên tôi. Tôi biết ơn những mối quan hệ mà tôi đang có. Tôi biết ơn công việc mà tôi đang làm vì tôi cần nó. Tôi biết ơn căn nhà của tôi, tôi biết ơn chiếc giường của tôi”, bà Lanh chia sẻ về những điều mỗi người cần biết ơn.
Nhiều điều để nói “cảm ơn”
Đặc biệt, sự biết ơn còn được thể hiện rõ qua lời cảm ơn. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung, Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), lời cảm ơn là một cụm từ quen thuộc với mọi người. Lời cảm ơn thể hiện lòng biết ơn, ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác.
“Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể học cách nói cảm ơn bằng cách sử dụng các dấu hiệu. Bất cứ khi nào đứa trẻ đưa thứ gì đó, hãy mỉm cười và nói ‘cảm ơn!’ trong khi đặt các đầu ngón tay trước môi và sau đó đưa tay xuống. Khi trẻ bắt đầu sử dụng những dấu hiệu như vậy, hãy khuyến khích trẻ bằng nụ cười và những cái ôm. Sự hưởng ứng nhiệt tình của cha mẹ sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục với việc luyện tập này”, chuyên gia gợi ý.
Bên cạnh đó, việc cha mẹ trở thành một hình mẫu tốt cũng là yếu tố quan trọng. Nếu mong muốn trẻ nói lời cảm ơn, phụ huynh cần đảm bảo mình đang làm điều đó. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ biết ơn bằng cách nhớ nói “cảm ơn” khi hoàn thành nhiệm vụ.
“Nhiều cha mẹ được trẻ gửi thiệp cảm ơn. Đây là một cách luyện tập tuyệt vời – dành cho cả trẻ em và người lớn. Nếu đã lâu rồi cha mẹ chưa gửi lời cảm ơn đến ai đó, hãy dành chút thời gian để làm điều đó trong tuần này. Cha mẹ sẽ nuôi dưỡng một trái tim biết ơn của bản thân và là một tấm gương cho trẻ noi theo”, bà Mỹ Dung chia sẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể dạy trẻ lòng biết ơn ngay khi tình huống đang diễn ra. Ví dụ, khi tặng cho trẻ một món quà nào đó, cha mẹ có thể cầm món quà cho đến khi nghe thấy lời cảm ơn từ con. Nếu trẻ nhìn và thắc mắc tại sao phụ huynh chưa buông tay khỏi món quà, cha mẹ có thể nói: “Khi một ai đó trao cho con vật gì, thật lịch sự khi nói "cảm ơn"”.
“Giúp trẻ nhận ra tất cả những gì chúng có thể thực hiện bằng cách cùng nhau lập danh sách cảm ơn. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc đưa ra ý tưởng, chỉ cần hướng dẫn trẻ quan sát xung quanh. Hãy giữ cho danh sách này được theo dõi thuận tiện hoặc xây dựng những câu chuyện xã hội. Điều đó giúp lan toả thông điệp đến trẻ và mọi người nhớ đến “lời cảm ơn” vì có nhiều thứ để cảm ơn trong cuộc sống”, chuyên gia Mỹ Dung gợi ý.