Bài học từ Libya

GD&TĐ - Tuần trước, cơn bão Daniel tiến vào Derna, thành phố ven biển phía Đông Libya, gây ra thảm họa lũ lụt tàn khốc.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo báo cáo tính đến ngày 16/9 của Liên Hợp Quốc, số người chết tại Libya đã tăng lên ít nhất 11.300 người. Chỉ riêng ở Derna, khoảng 10 nghìn người vẫn mất tích.

Trước đó, bão Daniel đã tiến vào Hy Lạp, quét qua Địa Trung Hải rồi sau đó đổ bộ vào Libya nhưng Libya lại là nơi hứng chịu sức tàn phá nặng nề nhất. Có nhiều nguyên nhân khiến trận lũ quét trở thành thảm họa chết chóc nhất Libya trong gần một thế kỷ trở lại đây.

Đầu tiên phải nhắc đến là thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Hiện tượng thời tiết này khiến tốc độ của vòng tuần hoàn nước diễn ra nhanh hơn và các cơn bão mạnh xảy ra thường xuyên hơn. Khi Trái đất nóng lên, nước từ đại dương bốc hơi nhanh hơn, độ ẩm trên Trái đất tăng cao, làm tăng lượng mưa ở các khu vực trên thế giới.

Sau khi đi qua vùng nước ấm Địa Trung Hải, bão Daniel mạnh lên và trút mưa xối xả xuống Libya. Tại thành phố Al-Bayda, phía Tây Libya, ghi nhận lượng mưa 414 mm trong 24 giờ, là lượng mưa cao kỷ lục mà địa phương này từng ghi nhận.

Nguyên nhân thứ hai là cơ sở hạ tầng xuống cấp. Derna có hai con sông chảy qua và được bảo vệ bởi hai con đập. Đập Derna cao 75 m với sức chứa 18 triệu m3 còn đập Mansour cao 45 m với dung tích 1,5 triệu m3. Cả hai con đập đều được xây dựng từ những năm 1970 với nguyên liệu khá thô sơ như đá, đất sét. Qua thời gian, chúng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Khi lũ gây ra bởi bão Daniel tràn vào Derna, đầu tiên, các con đập sẽ giữ nước lại nhưng do sức chống chịu kém, chúng bị vỡ và toàn bộ nước lũ tràn vào thành phố cùng một lúc. Ước tính khoảng 30 triệu m3 nước đã đổ về Derna.

Chưa kể khu vực đông dân cư nhất của thành phố nằm ngay trên đường chảy của dòng lũ đổ ra biển nên khi lũ quét mạnh, nó có thể cuốn trôi mọi thứ trên đường đi. Nước lũ còn chứa các mảnh vụn, cành cây gãy nên dòng nước sẽ tăng thêm sức tàn phá khi tiến vào thành phố.

Trên thực tế, một số cơ quan địa phương, tổ chức đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, đề nghị chính quyền Derna hoặc Chính phủ Libya có biện pháp tu sửa hai con đập đề phòng nguy cơ lũ lụt. Nhưng Libya từ lâu đã chìm trong chiến sự với các phe phái tranh giành quyền lực. Hạ tầng của nước này đã suy yếu nghiêm trọng và không đủ khả năng để sửa chữa hoặc tái thiết.

Ngoài ra, Derna thiếu những cảnh báo mang tính cộng đồng để tránh được những tổn thất nặng nề về người và của. Các quốc gia khác có hệ thống cảnh báo khí tượng. Khi một hiện tượng thời tiết cực đoan hay tình huống bất thường xảy ra, hệ thống này sẽ phát đi tín hiệu cảnh báo, yêu cầu người dân ngay lập tức sơ tán. Điều đó giúp hạn chế tối đa thương vong về người.

Derna hay Libya nói chung chưa có hệ thống cảnh báo này. Những năm tháng xung đột đã khiến không chỉ cơ sở hạ tầng mà điều kiện sống của người dân bị ảnh hưởng. Câu chuyện của Libya cũng là bài học trên thế giới.

Bất chấp việc các con đập được xây dựng để chống chịu hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhưng điều này là chưa đủ. Mỗi quốc gia cần nâng cao ý thức về vấn đề biến đổi khí hậu và cải thiện cơ sở hạ tầng để đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong tương lai gần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ