Mẹ nói, ngày nhỏ em ốm yếu, hay đau bệnh chứ không được khỏe mạnh như tôi. Đã thế, em tôi cực kì lười ăn, bữa cơm nào mẹ cũng phải ép. Hoàn toàn trái ngược với em, tôi cao lớn, khỏe mạnh, dễ ăn dễ ngủ. Chỉ có điều, tôi học hành chẳng bằng em.
Bài vở của nó lúc nào cũng chỉn chu, đâu vào đó. Đôi mắt nó lúc nào cũng sáng long lanh, khiến cho gương mặt trở nên thanh thoát lạ thường. Mỗi lần được thầy cô khen, nó vui lắm, đi học về là líu lo kể với ba mẹ chuyện ở trường.
Tôi thì chẳng có gì để kể, thỉnh thoảng còn bị cô giáo phê bình vì quên làm bài tập, vì đi học trễ. Em tôi hiền lắm. Cho nên, tôi hay trêu chọc, nhất là khi chỉ có hai anh em ở nhà. Vậy nhưng, nó ít khi mách mẹ, nên tôi càng hả hê, thích ghẹo cho nó khóc. Mà khóc tí rồi nó nín ngay, lại chạy chơi với mấy đứa bạn trong xóm.
Mùa hè cách đây hai năm, lúc đó tôi 12 tuổi, còn em lên 9. Một lần, khi ba mẹ đi làm, anh em tôi ở nhà lấy bóng ra đá. Tôi đá, em chụp. Dù không thích mấy trò chơi vận động lắm, chơi một lúc là mệt, nhưng em vẫn chơi rất hào hứng khi tôi khởi xướng. Tôi thích thú khi sút bóng mà em không chụp được, cứ chạy lon ton đi nhặt banh.
Khi đã thấm mệt, em nói muốn nghỉ, nhưng tôi thì chưa muốn dừng lại nên một mình một bóng vẫn đá. Bỗng, một tiếng “xoảng” vang lên, cái bình gốm cắm những cành hoa tầm xuân mà mẹ vô cùng yêu quý để ở trên kệ nơi góc nhà vỡ toang bởi cú sút “thần sầu” của tôi. Em tôi từ trong nhà chạy ra, hốt hoảng nhìn tôi. Mặt tôi lúc đó chắc cũng tái đi, cắt không còn giọt máu. Hai anh em tôi nhìn nhau, tôi cũng chẳng biết nói gì.
Tôi bắt đầu nghĩ cách, hay là rủ em dọn dẹp rồi dặn nó giấu nhẹm đi, coi như không biết gì về sự biến mất của cái bình? Cách này nghe hay nhưng có vẻ không ổn. Thấy tôi lo lắng, sợ sệt, em tôi bỗng nói: “Em có cách rồi, anh hai đừng lo!”. Tôi hỏi cách gì thì nó không nói.
Ba mẹ đi làm về, lúc dọn dẹp nhà cửa, mẹ phát hiện ra ngay sự mất tích của cái bình, trong khi những cành hoa vẫn còn đó. Lập tức, mẹ gọi hai anh em ra và hỏi. Trước thái độ giận dữ của mẹ, tôi lúng túng không trả lời được. Bỗng em tôi rụt rè:
- Con xin lỗi mẹ, do con vô ý làm vỡ chiếc bình! Mong mẹ tha lỗi cho con!
Tôi sững người, chẳng kịp phản ứng gì. Mẹ la em, đánh em hai cây, và phạt em đứng khoanh tay 10 phút. Xong, mẹ đi nấu cơm. Tôi cứ đứng đó, sững sờ nhìn em. Tôi biết em đau, nhưng em không khóc. Khi chỉ còn hai anh em, tôi hỏi: “Đây là cách của em sao?”. Thằng bé cố cười, và nói: “Vâng, anh thấy em thông minh chưa?”. Tôi hỏi lại:
- Sao em làm vậy?
Nó hồn nhiên trả lời:
- Vì em nghĩ, nếu nói em làm thì mẹ sẽ không đánh em, hoặc có đánh cũng nhẹ hều à!
Tôi chợt muốn khóc quá, nhìn vết roi hằn trên đôi chân bé nhỏ của em, tôi hối hận vô cùng. Sao tôi hèn nhát quá vậy! Tôi to con thế này, dù có bị một trận đòn cũng đâu thấm tháp gì, trong khi em tôi còi cọc… Bình thường, có lẽ mẹ sẽ không đánh em thật, nhưng hôm nay chắc mẹ giận lắm.
Cái bình gốm đó là quà kỉ niệm của bạn mẹ gửi từ Hà Nội vào tặng cho mẹ mà! Điều làm tôi day dứt hơn cả, là lâu nay tôi vẫn hay trêu chọc em, thậm chí có lúc ghét em vì thấy ba mẹ có vẻ quan tâm em hơn.
Tôi đâu hiểu được, vì em nhỏ bé như thế, cần được chăm sóc chu đáo hơn. Đáng lẽ tôi phải thương em nhiều hơn mới phải. Lần đầu tiên, tôi thấy xấu hổ trước đứa em của mình. Tôi lí nhí xin lỗi em. Nó cười, y như một thiên thần vậy!
Tối đó, lấy hết can đảm, tôi kể hết mọi chuyện với ba mẹ. Ban đầu, mẹ rất bất ngờ, suýt nữa lại nổi giận, nhưng sau đó dường như mẹ dịu lại. Mẹ âu yếm nhìn em tôi, rồi nhẹ nhàng nói với tôi: “Con thấy chưa, em lúc nào cũng yêu thương con! Là anh em, các con phải biết đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau. Riêng con, cần phải biết dũng cảm nhận lỗi khi mắc sai lầm, lần sau không được như vậy nữa nhé!”.
Tôi thấy nhẹ lòng hơn. Và thực sự biết ơn em rất nhiều.
Em tôi, đứa trẻ nhỏ bé mà lúc nào tôi cũng có thể bắt nạt được đã dạy cho tôi một bài học sâu sắc về tình anh em ruột thịt, để tôi cảm thấy yêu quý và trân trọng hơn. Đó cũng là một kỉ niệm đáng nhớ của anh em tôi, một kỉ niệm tuổi thơ thật đẹp sẽ theo tôi mãi suốt những năm tháng sau này. Tôi chỉ muốn nói với em rằng, “cảm ơn, em trai!”.