Hậu tuổi Kỷ Mùi (1979), sinh vào mùa thu. “Viết cho cô gái mùa thu” là tự bạch của cô. Tác giả thổ lộ: “Dẫu mùa thu không có hoa thơm, lộc biếc, nhưng đổi lại mùa thu cho từng trái ngọt trên cây, lá rụng đầy để ủ mầm chờ mùa xuân nảy lộc.
Với một người làm trong ngành Giáo dục như tôi thì mùa thu càng trở nên có ý nghĩa hơn vì đó là mùa tựu trường, mùa gieo những ước mơ xanh. Đẹp và lãng mạn lắm chứ khi từng tà áo dài đủ sắc màu tung bay trong nắng thu, trong gió thu nhè nhẹ”!
Biết ơn tạo hóa, lời mộc mạc mà như rút ra từ tâm can, gan ruột: “Tôi luôn tự nhủ, thầm cảm ơn số phận khi mình được sinh ra bởi người bố, người mẹ tuyệt vời của mình và tôi cảm ơn bố mẹ đã cho tôi một hình dáng, một trái tim biết yêu thương và trân quý cuộc sống này”!
Tập sách đầu tay của Hà Thị Hậu có sức hút tôi đến kỳ lạ. Cũng có thể vì tôi và tác giả cùng sinh ra trên vùng đất cổ trung du, cho dù không gian xa cả trăm cây số có lẻ. Cái nghèo, cái khổ xưa xa, nếp ở ăn trong gia đình tác giả viết, tả sống động, thân thiết, gần gũi cứ như nói về tôi, về quê tôi.
Cho dù, tôi lớn gấp đôi tuổi đời của cô, nhưng sự đồng cảm trên từng con chữ đã xóa nhòa ranh giới... Ấy là cái tài của người viết, cho dù tôi mới một lần gặp cô giáo ấy trong buổi tập huấn về nghề viết tự năm ngoái, năm kia!
Đọc mấy chục tản văn trong tập “Ký ức tuổi thơ tôi” xen cài rất đậm đặc vẫn là hình ảnh cha và mẹ những người có công sinh thành, dưỡng dục để ba chị em Hà Thị Hậu lớn khôn trong tình cảnh đất nước vừa giải phóng, gia cảnh nghèo khó. “Con nhớ bố - Người thầy giáo năm xưa” là khắc họa không phai mờ về bố.
“Bố là thương binh, trên cơ thể bố còn găm những viên đạn thời chiến. Con biết, bố đau lắm mỗi khi trái gió trở trời, từng cơn sốt rét ác tính hành hạ bố và con cũng biết bố đã nghị lực như thế nào để chống chọi với vết thương chiến tranh ấy.
Nhưng có lẽ một điều mà đến tận bây giờ con mới hiểu ra rằng, giá cuộc sống ngày đó nhà mình không quá khó khăn, thiếu thốn, rằng bố đừng quá sức cố làm mọi việc, đừng tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đi xe đạp cọc cạch hơn hai mươi cây số từ Trường THCS Đạo Trù (huyện Tam Đảo ngày nay) về nhà để đào ao thả cá… Thì có lẽ bây giờ chị em chúng con vẫn còn có bố.
Cái ao bố đào giờ không còn được sâu như ngày xưa, nhưng xung quanh bờ ao vẫn còn nguyên từng lớp đá ong cứng chắc. Mẹ con bảo, ngày đó bố cần mẫn mỗi ngày nghỉ cuối tuần đào vài mét đất, có ngày mệt thì chỉ đào được chừng một mét.
Do đất vùng trung du nên nhiều đá ong, bố cứ đào lên rồi lại xúc vào chiếc rổ xảo tre sàng, đãi lấy phần đất làm bùn để dưới đáy ao. Còn nữa, khu vườn rộng nhà mình bố trồng một vườn chè và rất nhiều cây ăn quả khác. Bố bảo nhà mình nghèo phải cố trồng cây ăn quả, đào ao thả cá để phục vụ cuộc sống.
Cũng chính bởi sự chịu thương chịu khó của bố mà sau khi bố mất, mấy mẹ con con đã có cá dưới ao làm thức ăn hàng ngày, chè chúng con hái búp cho mẹ xao khô bán, lá chè hái cho mẹ đi chợ mỗi phiên và mấy cây mít đã cho trái để khi hết gạo mẹ lấy mít xanh xôi cả sơ, cả hạt cho chúng con ăn ngon lành. Tuổi thơ của chúng con lớn lên nhờ những thứ đó của bố để lại”.
Xúc động biết bao, những trang viết về bố qua các bài: “Cuốn nhật ký của bố”, “Ngày giỗ bố”, “Mùa nhãn chín, chúng con nhớ bố”... Tôi, người giãi bày về tập tản văn này, phải đôi lần lau nước mắt về những trang nhật ký, về những lời xen cài của mẹ kể cho Hậu nghe về bố, để rồi: “Đôi mắt con nhòe đi, nghẹn ngào không thành tiếng, mặc dù trong tâm trí lúc đó con muốn thốt lên: “Bố ơi” để an ủi chính lòng mình. Cuốn sổ nhật ký trang còn, trang mất, ố màu, không còn nguyên vẹn nhưng nỗi đau, nỗi nhớ bố lại vẹn nguyên trong con”!...
Nếu như bố là người cho ý chí và nghị lực sống thì mẹ lại để cho Hà Thị Hậu cái nết lam làm, tần tảo, tất cả vì chồng vì con. “Tôi còn nhớ rất rõ một nếp nhà xưa trong ký ức tuổi thơ.
Một nếp nhà lợp bằng rạ, cứ mưa xuống mấy chị em tôi lại mang chum, vại và chậu ra hứng nước dưới giọt gianh. Nước mưa trong veo, mát lạnh. Mẹ thường lấy tấm vải màn xô ra để lọc nước mưa bởi trên mái nhà rơm rạ đã cũ mục bị gãy rụng lẫn vào trong nước.
Bốn chị em tôi đứa nào cũng thích được tắm dưới mưa, nhưng mẹ không cho vì sợ chúng tôi ốm. Mẹ bảo, nước mưa tuy mát nhưng nếu dầm mưa nhiều sẽ dễ bị cảm lạnh lắm. Vậy là chúng tôi ngoan ngoãn đứng trên thềm, tựa cột tre mà nhìn mưa. Dáng mẹ gầy gò mặc chiếc áo mưa nilon trắng (là lõi của bao tải xác rắn) đi ra phía ngoài vườn nhổ sắn.
Tháng Tám, sắn vẫn còn non, củ nhỏ và gầy, mẹ phải bưới lọng chọn từng củ to trong mỗi hom sắn mang vào bóc vỏ luộc cho cả nhà ăn sau bữa cơm tối lưng lửng bụng. Nghĩ lại thương mẹ, đến củ sắn mẹ cũng nhường nhịn các con những củ bở, còn mẹ ăn củ sẩn ngăm ngăm đắng (Mưa tháng tám).
Tác giả từng lam lũ việc đồng áng, ruộng vườn, tinh tường quan sát, cẩn trọng chọn ngôn từ khi tả, khi thuật công việc của mẹ cứ hiển hiện trước mắt người đọc: “Nhắc đến món sắn luộc, tôi nhớ rất rõ nhà có hai thửa ruộng đất đồi nhiều sỏi, mẹ trồng một ruộng sắn lá tre, một ruộng sắn nếp.
Ruộng sắn nếp nằm ngay trên bờ ao nền đất rất cứng. Cũng thời điểm tháng Mười này khi trời bắt đầu chuyển mùa, sương dày đặc như khói bếp bao trùm lên từng ngôi nhà, lùm cây trong vườn.
Ruộng sắn nếp lá rụng gần hết để lộ ra những thân cây sắn gầy ướt đẫm sương đêm. Mẹ dậy sớm, mang cuốc ra vườn khơi đất nơi từng vồng sắn cho dễ nhổ. Đất tháng Mười khô cằn vì thiếu mưa. Buổi sáng nào mẹ cũng nhổ khoảng hai ba khóm sắn nếp để luộc cho chị em tôi ăn sáng rồi đi học. Sắn nếp khi bóc vỏ mà róc nghĩa là sắn đã già thì luộc sẽ rất bở.
Bốn chị em tôi rời bàn học cũng là lúc nồi sắn luộc của mẹ đang rúc trên bếp tỏa một mùi thơm quen thuộc, hấp dẫn. Đó là kỷ niệm những bữa ăn sáng của chị em tôi cùng với mẹ. Nhớ đến chợt thấy sống mũi cay cay về một thời thơ ấu vất vả, nhưng cũng đầy ấm áp bên mẹ” (Sắn cuối mùa).
Tản văn của Hà Thị Hậu cuốn hút người đọc và đọng lại trong tâm trí có lẽ bởi cảm xúc thực, rung động thực tới đỉnh điểm của con tim rồi mới gọi ngôn từ, câu chữ để chuyển tải, để thể hiện lòng mình.
Thêm đó, còn là trí nhớ, là cái cách quan sát kỹ càng, tỉ mỉ; là cách chọn chi tiết để thể hiện rất đỗi tự nhiên. Sự tự nhiên chính là trái tim biết rung động trước những sự vật tưởng rất đỗi bình thường với người vô tư rất dễ bỏ qua. Nhưng với Hà Thị Hậu thì khiến ta đọc rồi phải nhớ. Ví như tản văn “Quạt mo cau của mẹ”.
“Điện lưới chưa có, làn gió duy nhất vẫn từ những chiếc quạt mo là bẹ cây cau già cắt ra thành những chiếc quạt mo hình lá bàng, hình trái tim... Bẹ cau khi mới rụng xuống còn tươi, nếu dùng để quạt ngay thì sẽ nặng và không mát.
Chính vì thế mẹ thường đem những chiếc quạt mo tươi ấy chèn gạch và phơi ngoài sân chỗ nắng cho khô. Những buổi trưa, buổi tối mùa hè nóng bức, mấy chị em tôi thường quây quần nằm bên mẹ để hưởng làn gió mát từ bàn tay mẹ, được mẹ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích, chuyện về bố”.
Là cái cách ỏm quả cọ trong “Mùa quả cọ chín”. “Mùa này cọ chín rộ, nhìn từ trên cao những buồng cọ quả sai trĩu trịt, từng quả cọ màu xanh sậm núp dưới những tàu lá cọ to tròn như mỗi chiếc ô che mát...
Cọ chín được lấy từ trên cây xuống cho vào nước rửa sạch, rồi cho vào chiếc rổ tre để sóc cho cọ bong lớp vỏ bên ngoài rồi ngâm trong nước ấm hay còn gọi là nước nóng già khoảng 15 phút là cọ chín. Cách ỏm cọ cũng giống như ỏm quả trám đen vậy. Quả cọ sau khi được ỏm sẽ mềm, cùi dày, màu vàng ươm, ăn có vị thơm đặc trưng béo, bùi.
Mùa đông miền Bắc thường kèm theo mưa dầm, gió rét, thật ấm áp khi được ngồi quanh bếp củi bên ngọn lửa từ chiếc gốc tre khô cháy âm ỉ mà cùng thưởng thức từng quả cọ chín chấm muối tiêu”!
Cách quan sát ấy, lối viết ấy, tả thực, tả sâu, kiệm lời đằm sâu trong hấu hết các tản văn. Cái xa xưa, nghèo khó nhắc lại để thấy tình người là hơn hết; để thấy cái rạng ngời hôm nay phải đổi bằng máu xương, công sức của mỗi người. Tản văn của Hà Thị Hậu thật thơm thảo tình người, trong trẻo về cách nhìn nhận.
Xin mượn lời của tác giả trong tản văn “Người lớn có dự định - trẻ con có ước mơ” để khép lại bài viết này như một sự sẻ chia cùng bạn đọc.
“Nghĩ vậy thôi, chứ so với cái thời ngày xưa của mình thì các con bây giờ sướng thật, nhưng nếu so với trẻ em thành phố thì con mình đã thua thiệt lắm rồi. Ngẫm cho đúng thì đó là bức tranh muôn màu của cuộc sống. Người sướng, kẻ khổ, người giàu, kẻ nghèo.
Hạnh phúc được định nghĩa bởi nhiều cách hiểu, cách nghĩ, cách cảm nhận khác nhau, nhưng với riêng tôi, hạnh phúc đôi khi là những thứ bình dị, gần gũi trong cuộc sống mà mình đang có.
Nó đơn giản vậy thôi nhưng đó là sự cảm nhận từ trái tim nồng ấm của một đứa trẻ mồ côi bố ngày nào với một trời mơ ước những vì sao lấp lánh trong từng trang viết về nhiều góc cạnh của cuộc sống thường ngày.
Tôi sẽ luôn trân trọng, nâng niu niềm hạnh phúc đó như mỗi lần hồi hộp chờ đón những đứa con tinh thần của mình được chia sẻ và đến với nhiều bạn đọc. Những đứa con tinh thần ấy đã chắp cánh cho ước mơ con tôi được bay xa, bay cao trong bầu trời hạnh phúc”!
* Đọc bản thảo “Ký ức tuổi thơ tôi” của cô giáo Hà Thị Hậu.