Chắc có lẽ ít ai còn nhớ đến kỉ niệm tuổi thơ với món kem mút giữa trời nắng nóng.
Đã từ lâu không còn hình ảnh của các bác bán kem dạo, không được nghe tiếng kèn quen thuộc nữa. Chiếc kèn tự chế từ những đồ vật bỏ đi như chai nước rửa bát hay cái loa hỏng. Mỗi lần đi ngang qua con phố nhỏ hay ngõ xóm, bác bán hàng lại bóp vào cái kèn làm nó phát ra tiếng kêu như mời gọi các bạn nhỏ: bíp bíp bíp… hay tiếng rao quen thuộc: Ai kem mút đê, ai kem mút nào…
Đó cũng là kỉ niệm gắn liền với tuổi thơ, với ngày hè oi bức và những que kem mút trị giá 200 đồng. Khi bác bán hàng trao cho từng que cũng là lúc bọn trẻ thi nhau mút mát để tận hưởng cái mát lạnh chạy dọc sống lưng, để thưởng thức như một món ăn khoái khẩu và đặc biệt là để chiến thắng cái nắng để kem khỏi bị tan chảy.
Những hình ảnh bác bán kem với cái nón đội che đầu, tay cầm kèn và tiếng rao thân thuộc như gắn liền với những kỉ niệm đẹp đẽ. Cả gia tài của bác là chiếc xe đạp đã cũ, ghi đông xe đã hoen màu theo thời gian và chiếc thùng kem chở đằng sau xe lạc quan đi dạo khắp nẻo đường.
Rồi những cô cậu cười hí hí thích thú sau khi nhận được những que kem mà mình yêu thích cũng làm người bán thấy yêu thêm cuộc đời này, và làm dịu bớt những giọt mồ hôi lăn dài trên má.
Chiếc thùng kem có thể không đáng giá nhiều tiền nhưng lại được bảo vệ cẩn thận nhất. Khi dừng xe lại vì có người gọi: Kem ơi… Bác liền xuống xe, lật giở cái thùng được bọc kĩ càng.
Bên ngoài là thùng gỗ, bên trong là hộp xốp rồi những lớp vải, khăn xô bao xung quanh chỉ với mục đích là để kem không bị chảy nước trước cái nắng oi ả của mùa hè. Trẻ con thành phố có thể ít được biết món ăn này nhưng trẻ con ở vùng nông thôn thì có lẽ chỉ cần nhắc đến là sống mũi cay cay, bao kí ức ùa về.
Còn nhớ những lần đòi mẹ mua kem và mong lắm hàng kem đi qua ngõ vài lượt. mẹ phải dọa rằng: "Kem có con sâu không ăn được hay ăn nhiều bị sâu cắn". Nhưng bản năng trẻ con là được vòi vĩnh nên nhất định không chịu. Có người còn nhớ lại kỉ niệm đi lấy vỏ lon bia bố uống xong gom vào để đổi lấy món kem đó, hay cuối năm học lại thu nhặt sách báo cũ để đổi.
Thậm chí, không ngại trời nắng, đôi chân trần và nước da đen nhẻm cố gắng chạy thật nhanh để gọi hàng kem khỏi đi mất.
Ban đầu chỉ là những que kem màu trắng đục như màu sữa. Sau dần, người bán hàng cũng tinh ý hơn khi hiểu được tâm lý trẻ nhỏ, người ta gia giảm thêm hương liệu để những que kem có màu cam ngon lành, mát lạnh. Theo năm tháng, kem cũng lớn dần lên như bao lớp trẻ thơ ngày ấy. Kem đã có kem ốc quế, kem bảy màu chứ không đơn thuần là những que kem 200 đồng nữa. Và cho đến bây giờ, kem đa dạng hơn với hàng trăm thể loại, chất lượng, mùi vị và màu sắc. Giá cả cũng theo đó mà thay đổi dần.
Ở Hà Nội, đông khách nhất có lẽ là kem Tràng Tiền và kem Thủy Tạ. Cách ăn bây giờ cũng thanh mảnh, nhâm nhi chứ không vội vã sợ kem chảy như ngày xưa. Những người đã từng ở quê khi ăn món kem ngon Hà Thành, chắc hẳn cũng phần nào nhớ về món kem mút ngày xưa với những kỉ niệm cùng gắn liền với tuổi thơ, với tiếng rao và tiếng còi quen thuộc, khi ta lớn dần lên ở nơi đó.