Bài học thành người nhân hậu

GD&TĐ - Dù quan niệm về sự nhân hậu trong mỗi người có thể khác nhau song phàm đã làm bố, làm mẹ  thì ai cũng mong con mình dồi dào nguồn năng lượng yêu thương, biết quý trọng giá trị gia đình, đồng cảm, sẻ chia với cộng đồng. Nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng, bồi đắp lòng nhân hậu cho con là trăn trở của không ít phụ huynh …  

Bài học thành người  nhân hậu

Sao con thiếu nhường nhịn, bao dung

Nghe tiếng các con cãi cọ ngoài phòng khách, chị Hà Ngọc (ngõ 97-phố Thái Thịnh- Hà Nội) chưa kịp lên tiếng can ngăn vì đang mải làm bếp thì đã thấy thằng em 6 tuổi khóc toáng lên rồi ôm mặt chạy vào mách mẹ. Má thằng bé đỏ ửng, lằn vết tát của thằng anh 13 tuổi.

Lần nào xảy ra cãi vã cũng liên quan đến chuyện tranh giành nhau cái gì đó. Chị Ngọc quá mệt mỏi khi phải làm trọng tài giải quyết xung đột giữa hai con. Dù đã cố gắng giữ bình tĩnh để giải thích, dạy bảo Duy Anh - cậu con trai lớn nhiều lần nhưng xem chừng mọi lời nói hay hình phạt mà vợ chồng chị Ngọc đưa ra đều không mấy tác dụng. Duy Anh không biết kiềm chế cảm xúc và hành vi cư xử của mình, lúc thì nóng nảy, thô bạo, lúc lại lạnh lùng, xa cách. Hậu quả là cậu em trai và chú chó Lucky luôn phải hứng chịu.

Nghe chuyên gia tư vấn hỏi trong gia đình, người lớn có vô tình tạo ra môi trường khiến Duy Anh cảm thấy bất an hoặc thiếu sự công bằng trong đối xử của người thân, chị Ngọc mới giật mình nhận ra. Sự cộc cằn, thô bạo mà Duy Anh bộc lộ trong cư xử với em hoặc bắt nạt bạn bè ở trường hóa ra đều có căn nguyên sâu xa. Cá tính nóng nảy của bố, cộng thêm sự thiên vị vô tình của mẹ đã khiến Duy Anh từ ngày có em trai thay đổi tâm tính. Lý do khiến Duy Anh phải dừng nhiều việc đang thích thú “vì em” từ lúc em chào đời đến giờ đã tích tụ những ấm ức, chẳng còn hào hứng gì với việc làm người anh kiểu mẫu nữa.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, trên con đường nuôi dạy con cái, sẽ nảy sinh rất nhiều “chướng ngại vật” khiến các phụ huynh đau đầu, nếu bố mẹ không quan tâm, không tinh tế trong cách hành xử.

Bố mẹ phải thay đổi

Giải đáp nỗi băn khoăn của một phụ huynh “Dạy con làm người nhân hậu có phải sẽ khiến trẻ chịu thiệt thòi và dễ bị bắt nạt không?”, trong vai trò của một ông bố của ba đứa con - nhà văn Hoàng Anh Tú phân tích:

Khi là một đứa trẻ nhân hậu, con dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc hơn nhiều. Người lớn chúng ta sử dụng quá nhiều thước đo về giá trị vật chất và tinh thần trong xã hội (tiền bạc, danh vọng, thành công…) nhưng đó chỉ là cái nhìn ngắn hạn, bất lợi cho giá trị của lòng nhân hậu. Thực ra nhu cầu vật chất của đứa trẻ không quá cao khiến nó cảm thấy bất hạnh hay thiệt thòi nếu nhường nhịn, chia sẻ với người khác đâu. Hạnh phúc thật sự ở bên trong các con chứ không phụ thuộc vào những tác động bên ngoài.

Cùng trao đổi về chủ đề “ Để con là một em bé nhân hậu”, MC Phan Anh nêu quan điểm:

Chúng ta sống nhân hậu là đang giúp đỡ chính bản thân mình. Nhường nhịn không có nghĩa là hèn yếu. Cho đi không phải là bị thiệt thòi vì đôi khi có những sự ngẫu nhiên thuận lợi lại đến với mình.

Tôi học và dạy lại con qua hình ảnh chiếc lá sen. Hãy làm chiếc lá sen, bao nhiêu nước đổ vào cũng sẽ trôi tuột đi và mình chỉ giữ lại năng lượng tích cực. Giống như mình cần duy trì sự tích cực, nhân ái của mình, chọn lựa lối sống nhân văn. Tôi dạy ba đứa con mình biết cảm nhận hạnh phúc một cách giản dị, luôn xác định chính mình phải tự đem lại niềm vui cho mình chứ không trông chờ đợi người khác.

Từ thực tế trải nghiệm, MC Phan Anh chia sẻ với các phụ huynh: Muốn con là một em bé nhân hậu, không phải phụ huynh muốn là được đâu. Chúng ta phải đọc, phải học và phải là một người nhân hậu trước.

Bố mẹ nào cũng yêu con nhưng từ tình yêu bao la đó hãy học cách yêu con cho đúng. Nên khuyến khích mọi hành vi đẹp, thể hiện lòng nhân hậu của con . Đừng chê con tồ tuệch khi hào phóng chia sẻ đồ ăn, đồ chơi với người khác. Khi con có hành vi đẹp hãy ngợi khen, khích lệ để bồi dưỡng và không ngừng bồi đắp thêm tình yêu thương ấy.

Xây ngày mai từ hôm nay

Dạy con về lòng nhân hậu, giúp con nuôi dưỡng sự nhân ái trong trái tim cần bắt đầu ở mọi lúc, mọi nơi, khơi dậy đức tính đó từ khi con còn nhỏ, ngay tại trong mỗi gia đình. Chẳng cần phải viện dẫn lý lẽ xa xôi, bố mẹ hãy khuyến khích, cổ vũ con giúp đỡ ông bà từ những việc nhỏ vừa sức, phù hợp với khả năng của con. Những cử chỉ yêu thương, những hành động nho nhỏ hàng ngày chính là chất keo gắn kết tình cảm gia đình, trân trọng những giá trị thiêng liêng đẹp đẽ của con người.

Từ văn hóa ứng xử trong gia đình, phụ huynh hãy dạy con về những qui tắc ứng xử ngoài xã hội, biết xếp hàng chờ đến lượt, biết nhường ghế cho người già, em nhỏ trên xe buýt, biết giúp đỡ phụ nữ mang thai… Khi thực hiện được những nghĩa cử đẹp, đứa trẻ sẽ hình thành những suy nghĩ tích cực, có được những rung cảm sâu sắc trong trái tim và có ý thức trách nhiệm công dân.

Lòng nhân ái không chỉ thể hiện giữa người với người mà còn gắn với ý thức bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên.

Bố mẹ cho con một chậu đất và hướng dẫn con gieo hạt, trồng cây hoặc mua cho con một con vật nuôi để con chăm sóc. Khi tình yêu thương loài vật được khơi dậy con sẽ mở lòng và mong muốn được làm những điều tốt đẹp. Chở che, bảo vệ, chăm sóc một con vật hay chăm sóc để một bụi cây tươi xanh, trẻ cũng nhận lại được nhiều bài học từ tự nhiên, từ cuộc sống. Con cũng hiểu rõ hơn, biết đón nhận và trao đi niềm vui, nụ cười hạnh phúc.q

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ