Bài học nhân văn từ dự án “Hạt đậu yêu thương”

GD&TĐ - Sau nhiều trăn trở làm sao để truyền cảm hứng học tập cho các em HS bằng phương pháp mới và hiệu quả nhất, cô Hà Tú Vân, giáo viên bộ môn Hóa -Trường THPT Nguyễn Công Trứ - TPHCM, đã đổi mới bằng phương pháp dạy học dự án hoàn toàn mới lạ. Dự án mang tên “Hạt đậu yêu thương”. 

Bài học nhân văn từ dự án “Hạt đậu yêu thương”

Giờ học theo dự án của cô Vân luôn được đánh giá cao tại các Diễn đàn giáo dục sáng tạo toàn quốc và liên tục đoạt giải.

Truyền cảm hứng học tập cho HS

Cô Hà Tú Vân cho biết, Hóa học và Sinh học là 2 môn học khô khan, khó học đối với nhiều HS, vì thế việc truyền tải kiến thức và làm cho nó trở nên gần gũi với đời sống là vấn đề nan giải đối với người dạy.

Bạn Xuân Thủy, lớp 12 A1, Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho biết: “Nằm trong chương trình Hóa hữu cơ lớp 12, chúng em được học về cấu trúc và tính chất của peptit - thành phần cấu tạo nên protein. Để mở rộng nội dung kiến thức của bài học này, chúng em được cô Vân - giáo viên môn Hóa - đã hướng dẫn tìm hiểu kỹ hơn về lợi ích của đạm đậu nành. Từ đó, chúng em được chia nhóm để triển khai dự án kinh doanh sản phẩm chế biến từ đậu nành.

Các bạn đều rất hào hứng và say mê với phương pháp học tập mới này và mỗi nhóm đều phải tự chuẩn bị từ khâu lên ý tưởng sản phẩm, huy động vốn, thuyết trình sản phẩm, mẫu mã bao bì sản phẩm… Mọi việc HS phải chủ động và tự lập trong quá trình làm ra sản phẩm chế biến từ đậu nành. Sau đó đưa ý tưởng cho giáo viên góp ý và chỉnh sửa rồi mới bắt tay vào thực hiện. Ngoài sách giáo khoa, chúng em phải mày mò tìm đọc sách tham khảo, tài liệu trên mạng, sau đó làm bài thuyết trình bằng powerpoint, báo cáo trước nhóm, cả lớp về đề tài này”.

Không chỉ tạo ra sự sôi động từ việc tranh luận, phản biện để làm rõ kiến thức, giờ học theo dự án còn tạo thêm hứng thú từ lồng ghép hình thức đố vui có thưởng.

Thay vì dạy và học theo lối truyền thống thụ động, nặng nề, căng thẳng, tiết học theo dự án đã truyền cảm hứng cho HS. Qua đó, việc học của các em HS không chỉ dừng lại ở chỗ “học để biết”, mà còn là “học để làm” - cô Vân chia sẻ.

Bài học trải nghiệm đầy nhân văn

Cô Vân cho biết, việc dạy học được gắn liền với thực hành nên các em HS có cơ hội được trổ tài “khởi nghiệp” kinh doanh. Từ nguyên liệu chính là đậu nành, các em HS đã biết cách chế biến ra nhiều món ăn vặt hấp dẫn như trà sữa đậu nành, chè khúc bạch đậu nành, tào phớ trân châu, sương sáo, sirô thạch, bánh bao, bánh cookie…

Thành quả sáng tạo của dự án là tạo ra những sản phẩm chế biến từ đậu nành, giúp cho HS toàn trường có cơ hội thưởng thức những món ăn vặt ngon lành với giá rất rẻ, bổ dưỡng từ đậu nành.

Không chỉ chuyên nghiệp trong khâu marketing, các nhóm HS lớp 12 còn thể hiện sự năng động, sáng tạo trong thiết kế logo cho từng nhãn mác sản phẩm, slogan, brochure, poster, standee, làm phim quảng cáo, tổ chức sự kiện quảng bá dưới sân trường… Trước mỗi “phiên chợ” bán sản phẩm tự làm, các em đều mang mẫu sản phẩm xuống phòng Y tế để test mẫu theo đúng quy trình “vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Sở dĩ dự án mang tên “Hạt đậu yêu thương” là do nó xuất phát từ ý tưởng nhân văn, đó là các HS tự hạch toán kinh phí cho dự án sản phẩm chế biến từ đậu nành. Sau đó các bạn sẽ trích 10% lợi nhuận của dự án để gây quỹ học bổng giúp các bạn khối 12 vượt khó của trường (nhóm 3 lớp 12 đã thực hiện năm học trước), và năm nay nhóm thực hiện công tác làm từ thiện tặng quà cho các trẻ em mồ côi tại mái ấm Mai Ân, quận Gò Vấp, TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ