Nhọc nhằn mang chữ cho trò
Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy – Hiệu trưởng Trường MN Nghĩa Thuận – xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang) nói rằng, trong hành trình trình đưa trẻ tới trường của cô giáo vùng cao nếu không kiên trì vượt khó thì không thể hoàn thành nhiệm vụ và học sinh (HS) là người chịu thiệt thòi.
Để vận động HS tới lớp đúng tuổi, các cô giáo phải vượt núi băng rừng, khi đi bộ lúc đi xe qua những con đường hiểm trở để tới được nhà dân. Nhiều khi, tới được nơi thì dân lên nương làm rẫy từ sớm, đợi đến tối muộn chưa về. Kinh nghiệm được các cô rút ra sau khi tìm hiểu đời sống, tập tục làm ăn của bà con là hoặc phải đến nhà dân từ rất sớm hoặc kết thúc ngày lên lớp buổi chiều tranh thủ lên nương, xuống nhà mới gặp. Như vậy có khi các cô phải rời nhà từ 4-5 giờ sáng, trở về lúc 7-8 giờ tối.
Gặp bà con đã khó, thuyết phục không dễ dàng. Nhiều khi quay đi trở lại, năm lần bảy lượt vận động mà vẫn một mực: “Không cho nó đi học đâu, mang lên nương rẫy khỏi mất thời gian đưa đi đón về. Nó lớn bằng sào bằng gậy, tự đi học cũng chưa muộn…”. Lúc ấy nếu không kiên trì thuyết phục thì trẻ chắc chắn không được tới lớp.
Nhiệm vụ vận động gia đình đưa trẻ tới trường của GV mầm non vùng cao còn vất vả trong quá trình hoàn thiện thủ tục giúp các em hưởng chế độ bữa ăn bán trú, trợ cấp khó khăn. Bà con dân tộc không có thói quen giữ gìn những giấy tờ quan trọng như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn…
Có gia đình bố mẹ tảo hôn nên không có đăng ký kết hôn và hậu quả trẻ không có giấy khai sinh; nhiều cặp vợ chồng li hôn nên giấy khai sinh của trẻ thất lạc theo hoặc cha mẹ giữ nhưng nhất định không đưa cho GV.
Nhiều trẻ vùng cao quá hạn khai sinh từ 1-3 năm, khi GV hỏi tới ngày sinh, tháng đẻ để hoàn thiện thủ tục giúp thì cha mẹ không nhớ. Cách năm học mới vài tháng, GV như kiêm cả nhiệm vụ tư vấn, trực tiếp đưa phụ huynh đi hoàn thiện giấy tờ thủ tục pháp lý… để trẻ được tới trường và hưởng chế độ kịp thời.
Chăm sóc trẻ từ những điều nhỏ nhất |
Cô giáo An Thị Tiến – người đã hàng chục năm gắn bó với giáo dục vùng khó Tân Xuân, huyện Vân Hồ - Sơn La kể về hành trình mang chữ cho HS vùng khó thấm đầy mồ hôi, nước mắt, cùng đó là sự sẻ chia, thương yêu của mình.
Học trò của cô Tiến 100% là HS dân tộc. Các em ngoan ngoãn, thật thà nhưng lại ngại học. Có lần HS quá lười học cô Tiến đùa: “Nếu không chịu tập đọc, tập viết, làm toán cô phạt đi lấy bó củi to”. Tưởng nói vậy HS sẽ sợ mà cố gắng học. Nào ngờ, hôm sau học trò của cô vác đến bó củi to hơn người để trước lớp và xin: “Cô đừng bắt con học”.
Đứng trước tình huống ấy, cô Tiến không giận chỉ thấy thương HS hơn. Cô dành nhiều thời gian để dỗ dành, khích lệ chúng học tập, mỗi bài giảng cô đều cố gắng giúp chúng hiểu ngay trên lớp. “Từng lời, hành động của GV đều phải để HS cảm nhận được tình thương, khích lệ mà cố gắng. Bởi với bản tính hay tự ái, thiếu tự tin các em sẵn sàng bỏ học nếu cảm nhận sự thiếu tôn trọng, lời nói không tình cảm, trách mắng…”. – cô Tiến kể.
Cũng theo cô Tiến: nhiều em khi tới lớp vẫn phải cõng theo em nhỏ. Vừa thay cha mẹ trông em vừa học bài. Nhiều em đến lớp mặt mày lem luốc, quần áo rách nát…Vì thế, cùng với đồ dùng dạy học, cô luôn phải chuẩn bị sẵn kim chỉ, khăn mặt, lược chải đầu, dây buộc tóc thậm chí cả dầu gội, xà phòng để khi cần cô giúp HS vệ sinh thân thể, khâu vá quần áo tại trường.
Đến năm học mới, việc sắm sửa đồ dùng học tập, phấn viết bảng, sách giáo khoa… cô Tiến cũng kiêm luôn. Nhiều năm nay, cô luôn chủ động trích tiền lương để mua giấy bút, sách vở, bảng viết cho HS từ đầu năm học mới. Bố mẹ HS nào trả lại thì cô xin, không có thì cô tặng.
Để giúp được nhiều HS có đồ dùng học tập, đi đâu gặp người thân quen cô cũng xin từ quyển sách, tập vở, cây bút. Khi mua đồ dùng học tập cô nói mua tặng HS nghèo để được bán với giá thấp nhất; Quần áo của trẻ em trên huyện, thị trấn còn tốt cô cũng xin về giặt sạch rồi gói gém mang cho HS của mình.
Các ngày 1/6, rằm Trung thu… cô mua gói kẹo cái bánh chia cả lớp. Trái nắng trở trời, các em ốm đau đơn giản, cô cho luôn thuốc của mình. Cô Tiến làm mọi việc, miễn sao HS của cô khỏe mạnh và đến lớp đầy đủ.
Vượt lên thử thách
Có thể nói, trong rất nhiều khó khăn thử thách của nghề giáo thì đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng khó luôn là những tấm gương về nghị lực vượt khó, tình yêu nghề mến trẻ.
Cô giáo Dương Thị Huyền – Hiệu trưởng trường MN xã Thanh Vân (huyện Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: GV mầm non vất vả vô cùng. Sáng sớm nhanh chóng đưa con mình tới lớp để quay ra kịp đón trẻ vào lớp.
Hết giờ học, cô giáo mầm non cũng luôn về muộn nhất. Nhiều khi 7- 8 giờ tối chưa về tới nhà chỉ đơn giản bởi phụ huynh hôm đó quên đón con. Mang trẻ trả tận nhà không được vì có khi phụ huynh còn làm nương rẫy chưa về. Gọi điện thoại nhắc phụ huynh đến đón cũng không xong bởi rừng sâu núi cao đâu phải chỗ nào cũng có sóng liên lạc. Cô giáo phải đảm bảo cho trẻ tới khi phụ huynh đón về.