Bài học làm dâu

Bài học làm dâu

(GD&TĐ) - Được gia đình bạn trai ngỏ lời dạm hỏi và định sang năm cho cưới, Kim Hiền vừa mừng cũng vừa lo, vì ngoài của hồi môn, cha mẹ mình hứa cho thì vốn liếng tề gia nội trợ của cô chỉ là con số không. Lâu nay, ngoài việc học và vui chơi, Hiền được ba mẹ cô cho qua với việc nhà. Dần dà, thói quen chờ người khác phục vụ ngày càng “lớn dần” trong cô. Thấy mẹ chuẩn bị bữa ăn, rửa chén hoặc dọn dẹp nhà cửa, cô càng thấy oải. Rồi Hiền tưởng tượng, nếu vợ chồng cô phải sống chung với nhà chồng, không biết phải xoay xở thế nào.

Phụ nữ của thời đại Internet, điện thoại di động liên tục phát triển đồng nghĩa với những tiện nghi vật chất trong cuộc sống của họ cũng tăng theo. Thực tế cho thấy, các cô gái ngày nay hiếm khi hoặc thậm chí không thích vào bếp, vì họ còn bận rộn với biết bao nhiêu công việc bên ngoài xã hội. Giao tiếp với đối tác, hội họp, học tập để nâng cao kiến thức… và còn bao nhiêu chuyện quan trọng khác có liên quan đến công việc có thể giúp họ thăng tiến và có thu nhập cao. Vì thế, việc các cô gái trẻ ngày nay không biết làm nội trợ cũng chẳng có gì là lạ. Tuy nhiên, đặc biệt với những cô gái đang chuẩn bị lập gia đình nếu yếu công việc tề gia nội trợ cũng là việc đáng quan tâm. 

Những cục cưng trong gia đình: Vốn là con gái “rượu” của một gia đình khá giả nên Thúy Lan, hiện đang công tác trong ngành hàng không, chẳng bao giờ phải đụng tay đụng chân đến những việc “không tên không tuổi” trong nhà như dọn dẹp, lau nhà, nấu cơm… Ngay từ lúc Lan còn sinh viên, cô chỉ biết học và học, còn thời gian rảnh rỗi thoải mái vui chơi với bạn bè. Tốt nghiệp xong, ra trường đi làm Lan vẫn cứ sống vô tư như ngày nào. Cứ mỗi ngày đi làm về, cô chỉ việc ngồi vào bàn thưởng thức những món ngon của mẹ nấu, ngả lưng trên chiếc giường êm ái được chị người làm dọn sẵn tự bao giờ, mà chẳng cần phải suy nghĩ nhiều. Mọi việc cứ như thế cho đến lúc Lan chuẩn bị kết hôn với một anh Việt kiều, cũng do bạn bè quen biết giới thiệu.

Từ họ, Lan được biết gia đình chồng tương lai của cô tuy sống ở nước ngoài đã nhiều năm nhưng vẫn xem trọng nề nếp gia phong, có nghĩa là con gái không chỉ giỏi việc nước mà còn phải đảm việc nhà. Mới thoáng nghe qua, Lan đã hoảng hốt vì lâu nay cô chẳng biết làm công việc nhà nào cho ra hồn cả. Suy nghĩ mãi, Lan quyết định trước tiên phải học cách nấu ăn từ mẹ của mình. Mẹ cô là người Bắc nên việc đó thì không thể chê vào đâu được. Sau giờ đi làm về, Lan tranh thủ vào bếp với mẹ. Cô xem cách mẹ chế biến món ăn, chọn từng con cá, miếng thịt sao cho ngon để vừa ý cả nhà. Vào dịp cuối tuần, Lan đăng ký học thêm khoa nữ công gia chánh tại các Câu lạc bộ gần nhà cho tiện. Thế là từ một cô gái chẳng biết gì, nay Lan nghiễm nhiên trở thành đầu bếp chính trong gia đình. Mẹ Lan vui mừng ra mặt, còn bản thân cô chẳng phải bàn thêm. Lan cảm thấy mình thật hạnh phúc khi nghĩ đến viễn cảnh mình sẽ trổ tài cho chồng tương lai biết được tài nội trợ của mình. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dâu khéo trong nhà: Vợ chồng lấy nhau có một mặt con, nhưng Thanh Thảo vẫn cứ bị mẹ chồng chê nào là không đảm việc nhà, lại chẳng lo được cho đứa con trai vừa tròn một tuổi của cô. Mọi việc cũng từ thói quen ỷ lại công việc nhà của Thảo từ thời còn son rỗi của cô. Nhà Thảo đông anh chị em, nên út Thảo thường được anh chị của cô quán xuyến hết mọi việc trong nhà. Món gì ngon Thảo cũng có phần trước tiên, việc gì nặng Thảo không cần phải làm nên từ chỗ chẳng biết làm gì Thảo lại càng bỏ lơ việc nhà, mặc cho ai muốn làm gì thì làm. Nhiều lần trong nhà có khách, Thảo cũng không biết nấu nồi cơm thế nào hoặc pha bình trà mời khách ra sao. Lấy chồng xong, Thảo phải về sống chung với gia đình chồng tối thiểu là hai năm, như lời cha mẹ chồng khuyến cáo từ trước. Đã yêu thì phải chấp nhận và hành trang theo về nhà chồng của Thảo chỉ là một lỗ hổng lớn về việc tề gia nội trợ.

Sau khi sanh con, Thảo vẫn chưa thể nào quen với việc lo lắng, chăm bẵm cho con khiến cô nhiều lần bị mẹ chồng nhắc nhở. Ông xã của Thảo cũng phần nào hiểu được tính nết của vợ mình, vốn có khả năng nhưng còn thiếu thiện chí học hỏi, thế là anh tìm cách động viên Thảo tranh thủ tìm cách học hỏi từ mẹ mình. Mưa dầm thấm lâu, Thảo dần dần hiểu ra chân lý “Học hỏi mẹ chồng sẽ càng được mẹ thương”. Thảo bắt đầu thay đổi cách sống của mình. Cô chịu khó nhờ mẹ chồng chỉ vẽ cách nấu cho con ăn, theo dõi sức khỏe của con, nấu những món ăn chồng mình vẫn thích thậm chí tập tành xách giỏ đi chợ với mẹ chồng vào bất cứ lúc nào có thể. Cuối cùng, những nỗ lực cố gắng của Thảo đã được đền bù một cách xứng đáng, đó là vào những dịp gia đình có giỗ chạp, cô được mẹ chồng tuyên dương trước bà con họ hàng bên chồng: “Con dâu tôi giỏi việc nhà lắm” làm cho Thảo sung sướng đến chảy nước mắt.

Từ xưa đến nay, việc nội trợ trong gia đình thường được hiểu là dành cho chị em phụ nữ. Phụ nữ thời nay tuy có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các phương tiện hiện đại, nhưng không thể lơ là việc nội trợ. Công việc nội trợ góp phần thể hiện nữ tính của phụ nữ. Bên cạnh đó, theo văn hóa Đông phương, người phụ nữ sinh ra luôn phải rèn luyện, phấn đấu để đạt đến tứ đức mà trong đó “Công” được xem là vốn liếng mang theo khi cô gái xuất giá tòng phu. Không có người đàn ông nào lại thích cưới một cô vợ chẳng biết làm gì, ngoài việc mua cơm hộp về nhà vợ chồng cùng ăn, vì “Tình yêu của người đàn ông đi qua dạ dày của họ”. Nếu có người vợ khéo trong nhà, làm sao người chồng có thể can đảm từ bỏ nó để tìm những thú vui khác bên ngoài gia đình. Hiểu được như vậy, các cô gái hiện đại hẳn sẽ xem công việc tề gia nội trợ luôn là một trong những tiêu chí vàng của mình nói riêng và của phụ nữ thời đại mới nói chung. 

Ca Dao

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ