Bài học kinh nghiệm

GD&TĐ - Trước nhiều ý kiến trái chiều về tiêu chí chiều cao trong tuyển sinh ở Trường Quản trị và Kinh doanh, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Thông tin tuyển sinh năm 2024 của Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội ra điều kiện xét tuyển đối với thí sinh nữ từ 1m58, nam từ 1m65 đã làm dấy lên nhiều ý kiến tranh luận. Yêu cầu này được đặt ra từ mùa tuyển sinh 2023 đối với các ngành xét tuyển và trước đó, năm 2021, 2022 áp dụng riêng với ngành Quản trị và An ninh.

Lý giải về việc đưa ra tiêu chí chiều cao, đại diện nhà trường cho biết ngoài những yếu tố về học lực và kỹ năng, thể chất, hình thể cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và tự tin của các nhà lãnh đạo tương lai. Quy định xét tuyển của trường hướng tới mục tiêu đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và tư.

Một số ý kiến đồng tình với quan điểm trên của nhà trường và cho rằng trường đại học được giao quyền tự chủ, được quyền đưa ra những yêu cầu phù hợp với mục tiêu của mình. Tuy vậy, số đông lại cho rằng việc nhà trường nói không với thí sinh thấp bé là đang kỳ thị, phân biệt đối xử, không phù hợp nguyên tắc tuyển sinh, bởi các ngành học của trường là đại chúng, không thuộc nhóm ngành Nhà nước có quy định riêng về thể lực trong tuyển dụng.

Thực tế, quy định về chiều cao trong tuyển sinh không phải chuyện quá lạ lùng. Với các ngành đặc thù, tiêu chí này là một bước sàng lọc để tuyển được những sinh viên - người lao động tương lai đáp ứng yêu cầu công việc. Nhóm trường/ngành thuộc lực lượng vũ trang tuyển sinh đi liền với tuyển dụng yêu cầu thí sinh nam cao từ 1m65 trở lên, thí sinh nữ cao 1m54 trở lên (với trường quân đội), thí sinh nam cao từ 1m64 và nữ cao từ 1m58 trở lên (với trường công an).

Ở khối dân sự, cũng có một số ngành đặc thù cần người lao động có chiều cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chẳng hạn ở Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, thí sinh xét vào chuyên ngành điều khiển tàu biển phải có chiều cao từ 1m64 trở lên; Thí sinh xét tuyển chuyên ngành vận hành khai thác máy tàu biển phải cao từ 1m61 trở lên. Yêu cầu này phù hợp quy định tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam và công bố cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên do Bộ Y tế ban hành năm 2017.

Với đa số ngành còn lại, Nhà nước không có quy định cứng về tiêu chí hình thể, vì thế hầu hết trường cũng không đặt ra yêu cầu về chiều cao khi tuyển sinh, mà rộng cửa công bằng cho tất cả những ai có nguyện vọng và đủ sức khỏe để học tập.

Thực tế các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh, xây dựng các tiêu chí, điều kiện xét tuyển, nhưng không có nghĩa muốn làm gì cũng được. Luật Giáo dục quy định rõ: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập”.

Điều 4 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT cũng nhấn mạnh nguyên tắc công bằng về cơ hội dự tuyển của thí sinh. Vì thế, nếu không phải là ngành đặc thù thực hiện theo quy định riêng của Nhà nước về thể lực, các trường không được tạo rào cản, phân biệt đối xử.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về tiêu chí chiều cao trong tuyển sinh ở Trường Quản trị và Kinh doanh, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh và nhà trường cũng kịp thời sửa đổi. Qua vụ việc này các trường khác cần rút kinh nghiệm và cẩn trọng hơn khi xây dựng tiêu chí, điều kiện xét tuyển; cần bảo đảm nguyên tắc luật định, không để thí sinh bị mất cơ hội do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ