Bài học đầu tiên ở điểm trường vùng cao

GD&TĐ - Lớp học loang lổ nằm lọt thỏm giữa thung lũng đá xám Trung Vàng Khổ.

Học sinh điểm trường Trung Vàng Khổ tự tin với bài đọc đầu tiên.
Học sinh điểm trường Trung Vàng Khổ tự tin với bài đọc đầu tiên.

Sau màn chào cờ trang nghiêm, từ trong lớp học vang lên tiếng đọc vanh vách của học sinh người Mông, xua tan không khí ảm đạm những ngày mưa rừng rả rích…

Khai trường đặc biệt

Sớm ngày 5/9, khi vừa nghe gà rừng cất tiếng gáy, thầy giáo Lò Văn Thoàn bật dậy chuẩn bị tư trang đón ngày đặc biệt. Căn phòng học cũng là nơi thầy Thoàn nghỉ ngơi, nằm giữa thung lũng đá xám Trung Vàng Khổ, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên). Do xây dựng đã lâu nên xuống cấp, khắp tường bong tróc, loang lổ.

Mặt trời lấp ló sau dãy núi, những phụ huynh đầu tiên bắt đầu đưa con tới lớp. Hôm nay là ngày bọn trẻ đẹp nhất, chỉn chu nhất trong năm. Đứa nào đứa nấy rạng rỡ khoác trên mình chiếc áo sạch sẽ và mang dép đầy đủ.

“Bà con ở đây còn nhiều khó khăn, một năm cố gắng cho con ngày khai giảng tươm tất là tốt lắm rồi. Vài năm gần đây, cả học sinh và phụ huynh đều hiểu được ý nghĩa của ngày này, nên dành sự quan tâm đặc biệt hơn. Phụ huynh đưa con đến tận lớp bàn giao cho thầy xong mới về!”. Sau chia sẻ ấy, thầy Thoàn đón học sinh cuối cùng vào lớp, ổn định trật tự để thực hiện nghi thức chào cờ, khởi đầu năm học mới.

Thầy Lò Văn Thoàn phát sách mới cho học sinh trong buổi đầu tựu trường.

Thầy Lò Văn Thoàn phát sách mới cho học sinh trong buổi đầu tựu trường.

Vì toàn bộ là học trò cũ nên thầy Thoàn bỏ qua phần giới thiệu, làm quen. Mở từng chồng sách còn thơm mùi mực in trên bàn, thầy lần lượt phát cho học trò. Năm nay, điểm trường vỏn vẹn có 19 em lớp 2, nên thầy Thoàn cũng bớt phần tất bật.

Giở trang sách, thầy nắn nót những nét chữ đầu tiên trên tấm bảng và đưa ra câu hỏi lớn: “Các em đã chuẩn bị những gì để đón ngày khai trường?”. Sau gợi ý của thầy giáo, em Hờ Tuấn Tú giơ cánh tay đầu tiên xung phong trả lời.

“Thưa thầy, năm nay em không có cặp sách mới mà dùng lại của anh. Nhưng mấy hôm trước bố bán dê nên có tiền mua áo mới cho mấy chị em đi khai giảng. Sáng nay, em được mẹ chuẩn bị quần áo, ăn no bụng rồi mới đến trường ạ!”, Tú phát biểu.

Những câu hỏi liên tục được thầy Thoàn đặt ra. Bọn trẻ trong lớp hào hứng trả lời. Tất cả xoay quanh câu chuyện về sự chuẩn bị, cảm xúc trong ngày khai trường. Từ không khí sôi nổi, thầy Thoàn khéo léo mở đầu cho bài đọc đầu tiên của chương trình Tiếng Việt: “Tôi là học sinh lớp 2”.

Nhiều học sinh được bố mẹ đưa đến tận lớp, bàn giao cho thầy giáo.

Nhiều học sinh được bố mẹ đưa đến tận lớp, bàn giao cho thầy giáo.

Chỉ cần có trò, ngày nào cũng là hội

Nếu như Trung Thu được biết đến là xã khó khăn nhất, nhì của huyện vùng cao Tủa Chùa, thì Trung Vàng Khổ là thôn nằm trên “chóp” của cái khó. Điểm trường tiểu học – nơi thầy Thoàn phụ trách năm học này, nằm cách trung tâm xã chừng 12km. Trong đó, 1/3 chặng là đường dân sinh, hẹp và trơn trượt.

Không như đồng bằng, mùa mưa rừng ở đây kéo dài tới tận tháng 10, 11. Cộng thêm việc chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chập chờn nên những ngày này thôn Trung Vàng Khổ gần như biệt lập với bên ngoài. Vì năm học trước, thầy Thoàn phụ trách lớp 1, nên năm nay tiếp tục được giao dạy đuổi lên lớp 2.

“Thôn có gần 150 hộ, 100% là đồng bào Mông. Bà con sống rải rác, nên khoảng cách giữa các nhà khá xa. Một ngày không thể đi hết được. Nhưng một năm vừa rồi đủ để tôi nắm rõ vị trí mỗi nhà, hoàn cảnh từng học sinh”, thầy Thoàn nói.

Mới chỉ vài năm trước, theo thầy Thoàn, nhiệm vụ giáo dục tại đây vô cùng khó khăn. Bên cạnh những “rào cản” về ngôn ngữ, giao thông, điều kiện hạ tầng, vật chất, thì vướng mắc lớn nhất là hạn chế trong nhận thức và sự quan tâm đến công tác giáo dục của phụ huynh.

Đầu mỗi năm học, giáo viên thường phải lên trường từ rất sớm để đến nhà từng em. Không chỉ một, mà phải đi lại nhiều lần vì bà con bận đi nương, rồi viện đủ lý do, thậm chí cố tình tránh mặt. “Ngày ấy, sĩ số hiếm khi đủ, nên chỉ cần có thêm một em đến lớp là mừng lắm rồi”, thầy Thoàn nói.

Tổ chức được một lễ khai giảng trọn vẹn luôn là mong mỏi của người thầy, song điều thiết thực hơn theo thầy Thoàn đó là lớp học đủ trò. Bởi vậy, thay vì dựng lên một buổi lễ hoành tráng, đầy đủ nghi lễ, thầy lại nỗ lực “hiện thực hóa” giấc mơ đến trường cho các em.

Do đó, thầy cố gắng làm sao để học sinh thấy được ngày tựu trường là ngày có sách mới, đồ dùng, quần áo mới. Là khởi đầu của những bữa cơm ngon hơn, có đầy đủ thịt, cá, rau xanh; biết thêm nhiều điều hay, thú vị và được vui chơi bổ ích… “Muốn vậy thì không phải chờ đến khai giảng, mà chỉ cần có học sinh, ngày nào cũng là ngày hội đến trường”, thầy Thoàn chia sẻ.

“Mưa dầm thấm lâu”, bà con trong thôn giờ ai cũng hiểu nên chủ động tạo điều kiện cho con tới lớp. Minh chứng cho điều này, Trưởng bản Sùng A Sang kể, dịp hè vừa qua có đoàn từ thiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng điểm trường mới. Bà con phấn khởi, hồ hởi tham gia khi được đề nghị.

“Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, chúng tôi không thể tổ chức lễ khai giảng với đầy đủ nghi thức. Song từ những chia sẻ giữa thầy trò, các em đã có được những trải nghiệm chân thực để hiểu về ý nghĩa của ngày khai trường. Đây cũng là phương pháp ít tốn kém nhất, mang lại hiệu quả cho bài học đầu tiên mà tôi muốn truyền tải đến các em”, thầy Thoàn bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.