Bãi biển An Bàng tan hoang sau bão Vamco

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của bão số 13 (bão Vamco) vừa qua, tại bãi biển An Bàng (phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), sóng biển dâng cao ăn sâu vào bờ biển, khiến nơi đây bị sạt lở nghiêm trọng.

Bãi biển An Bàng (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng.
Bãi biển An Bàng (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng.

Tơi tả sau bão 13

Ghi nhận của PV, tại bãi biển An Bàng (TP Hội An), mặc dù bão số 13 không trực tiếp đổ bộ tỉnh Quảng Nam, nhưng triều cường cùng sóng biển cao đã ăn sâu vào bờ biển hàng chục mét. Nhiều nhà cửa bị sụt lở nghiêm trọng. Hơn 20 nhà hàng dọc theo ven biển đều tả tơi và thiệt hại nặng nề.

Theo ghi nhận của chúng tôi, lối đi chính xuống biển bị vỡ vụn, tất cả hàng quán nơi đây đều bị sạt vào đến móng nhà. Nhiều nền nhà hàng cách biển hơn 20m cũng bị nứt toác. Hàng dừa, chòi lá, bậc thềm xây bằng bê tông bị sóng đánh đứt gãy, ngả nghiêng…

Ông Lê Văn Trung (khối phố Tân Thành, phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, từ chiều tối đến đêm 14/11, sóng và nước biển dâng sâu vào bãi. Mấy năm gần đây cũng đã có tình trạng trên nhưng đợt này là nghiêm trọng nhất.

Ông Trần Đức - chủ nhà hàng Kim Cúc tại bãi biển An Bàng cho hay, từ 20 giờ đến 22 giờ đêm 14/11, nước biển dâng cao kèm sóng lớn khiến nơi đây tan toang, hư hại nghiêm trọng.

Còn ông Lê Văn Hùng (người dân địa phương) cho biết thêm, tình trạng sạt lở đã xuất hiện cách đây nhiều năm. “Giờ chỉ biết xin ý kiến của lãnh đạo thành phố và tỉnh để xin di dời tôi đến một nơi an toàn hơn, để ổn định cuộc sống. Chứ cứ xảy ra hằng nay như thế này gia đình tôi rất lo lắng”, ông Hùng nói.

Với tâm trạng lo lắng, ông Đinh Lỳ (chủ nhà hàng Đinh Hạnh) cho biết, sóng biển đã cuốn trôi của nhà hàng hơn 15m sân, hàng chục cây dừa, dù đã hư hại hoàn toàn. Theo ông Lỳ, lúc bình thường từ nhà hàng ông đi ra đến biển khoảng hơn 100m, nhưng hiện nay sóng đã đánh thẳng tới nhà hàng gây sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của gia đình.

“Vẫn chưa thể thống kê được đầy đủ những thiệt hại do bão gây ra. Nhưng sơ bộ phần tài sản bị hư hỏng đã hơn 100 triệu đồng, chưa kể đến những phần phụ trợ khác. Nguyên đường bờ biển An Bàng gần 2km đã bị sạt lở hoàn toàn, không còn chỗ nào lành lặn cả. Nếu cứ để kéo dài tình trạng này e rằng chẳng còn gì để dân kinh doanh nữa. Năm nay thiệt hại cho người làm du lịch là quá lớn”, ông Đinh Lỳ tâm sự.

Nhiều nhà hàng, chòi, quán xung quanh bãi biển bị sụp đổ do sạt lở.
Nhiều nhà hàng, chòi, quán xung quanh bãi biển bị sụp đổ do sạt lở. 

Vệt sạt lở mới và kéo dài hơn 2km

Trước đó, dù chính quyền địa phương cùng chủ các nhà hàng đã triển khai các biện pháp như neo, chằng chống kỹ lưỡng. Một số hàng quán còn tiến hành kè mềm bằng vật liệu tự nhiên nhưng vẫn không mấy hiệu quả.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho hay, sau bão số 9 đến nay, từ khu vực bãi tắm Tân Thành kéo đến bãi tắm An Bàng có xảy ra sạt lở. Đây là lần đầu tiên từ năm 2006 đến nay có sạt lở nặng như vậy. Toàn bộ hàng quán kinh doanh ở bãi tắm An Bàng và một số hộ tại bãi tắm Tân Thành đều bị ảnh hưởng.

“So với trước thì đây là vệt sạt lở mới và vệt sạt lở này kéo dài hơn 2km. Những khu vực sạt lở nhẹ thì vài mét, còn khu vực sạt lở nặng thì trên 10m. Nhiều hàng quán và nhà bị sụp. Do nước biển dâng cao 2m, nên sạt lở xảy ra khá nặng”, ông Hùng thông tin.

Bãi biển An Bàng là một một trong những địa điểm nhất định phải đi khi đến Hội An. Với bãi cát trắng trải dài, biển xanh ngăn ngắt, địa điểm này thường xuyên thu hút rất nhiều khách du lịch. 

Sau sự đổ bộ của nhiều cơn bão, trong  đó có bão số 13 khiến cho bãi biển An Bàng trở nên xơ xác. Cộng thêm xâm thực và xói lở xảy dù nhiều giải pháp kè chắn được giới khoa học đề xuất nhưng tất cả như dã tràng xe cát.

Được biết, sắp tới, TP Hội An sẽ tổ chức họp bàn để đưa ra các biện pháp ứng phó việc sạt lở hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.