Nhóm lợi ích muốn phá rừng phòng hộ?
Trong bài viết “Điện Biên: Ai đòi “khai tử” rừng thông?”, Báo GD&TĐ đã nhắc tới câu chuyện một số hộ dân ở 2 bản Bua 1, 2, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng có mong muốn khai thác trắng cánh rừng thông rộng 47,18ha trên địa bàn.
Người dân cho rằng, câu chuyện được đẩy lên cao khi có một vài cá nhân xuất hiện. Còn bản chất thực sự chỉ là việc người dân chưa hiểu rõ Luật.
Ngày 13/7, Báo GD&TĐ tiếp tục làm việc với các bên liên quan. Bà Mai Hương - Phó chi cục trưởng chi cục Lâm nghiệp tỉnh Điện Biên cho biết, theo Quyết định số 1425/QĐ-UBND ngày 26/12/2005 của UBND tỉnh Điện Biên xác định diện tích nói trên được trồng theo dự án quy hoạch phát triển rừng phòng hộ Nậm Khoai - Nậm Mức - Nậm Cô huyện Tuần Giáo (sau chia tách thành hai huyện: Tuần Giáo và Mường Ảng).
Theo Quyết định, diện tích rừng trồng mới lúc bấy giờ là 306,1ha tại các xã: Mùn Chung, Ẳng Tở, Quài Tở, Búng Lao, Tênh Phông, Ẳng Cang và thị trấn Tuần Giáo. Xã Ẳng Tở có 41ha được trồng thông ba lá thuần loài theo Quyết định trên.
Theo tính toán của bà Mai Hương, trên lý thuyết thì cây thông ba lá không phải là loài chuyên nhựa, vì thế lượng nhựa cung cấp sẽ không quá nhiều. Song, với loài thông này cũng có thể cho năng suất bình quân đạt khoảng 1,5 - 2kg nhựa/1 cây/1 năm.
Với mức giá thị trường dao động từ 30 - 50 nghìn đồng/1 kg thì mỗi năm của chu kỳ khai thác, 1ha sẽ cho thu nhập khoảng 120 - 160 triệu đồng từ việc bán nhựa thông.
“Rõ ràng vài hộ dân họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là có tiền từ việc bán gỗ. Họ bán với giá 150 nghìn đồng/1 cây, trong khi nếu đạt năng suất và được giá nhựa, mỗi cây đã cho thu nhập khoảng 60 nghìn/1 năm cơ mà!”, bà Mai Hương cho biết.
“Xã Ẳng Tở có tỷ lệ che phủ rừng thấp thứ 3 toàn huyện. Diện tích rừng nói trên lại có nguồn gốc là rừng phòng hộ. Vì lẽ đó, không lý do gì chúng tôi lại đồng ý cho khai thác trắng cánh rừng. Người dân chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt song về lâu dài thì dân sẽ khổ. Bà con sẽ sống ra sao khi nguồn nước đã không còn?” ông Nguyễn Hữu Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho hay.
Động cơ, mục đích của việc đưa tiền là gì?
Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết thêm, ngày 12/7, huyện Mường Ảng đã yêu cầu Công an huyện vào cuộc, điều tra xác minh xem có “lợi ích nhóm” trong việc một số hộ một mực đòi phá rừng hay không.
“Chúng tôi yêu cầu anh em xác minh, làm rõ thông tin xem có “lợi ích nhóm” trong vụ việc này như dư luận phản ánh hay không. Anh em sẽ phải làm rõ doanh nghiệp vào đưa tiền cho dân để đòi khai thác rừng thông là đơn vị nào? Động cơ, mục đích của việc đưa tiền là gì?”, ông Hiệp chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Ảng cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang phối hợp cùng cơ quan công an để tiến hành xác minh, làm rõ một số nội dung quan trọng.
Về nguồn gốc, vị trí này là rừng phòng hộ thì đã rõ. Sẽ phải làm rõ thông tin, mục đích, động cơ của doanh nghiệp khi đưa tiền cho dân để khai thác rừng tại vị trí nêu trên. Việc điều tra, xác minh sẽ sớm hoàn tất”.
“Hiện tại, chúng tôi xác định có 4 hộ dân đã nhận tiền của doanh nghiệp và đòi khai thác rừng. Còn lại hơn 200 hộ dân tại 2 bản Bua 1, 2 đều đồng thuận giữ rừng. Trước khi các hộ này nộp đơn xin thì có 1 doanh nghiệp tại Sơn La đã đến đơn vị để nộp hồ sơ xin khai thác. Nhưng chúng tôi đã không đồng ý. Xét về luật, việc làm của doanh nghiệp này là sai, vì họ không phải chủ rừng” – ông Thanh thông tin thêm.
Ông Đỗ Tiến Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Ảng khẳng định: Rừng vẫn đang phát triển bình thường.
“Vừa sáng nay (13/7) cán bộ của đơn vị đã hoàn tất công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng diện tích rừng đang tranh cãi. Ngoài những cây gãy, đổ do bão, số còn lại vẫn phát triển bình thường ”, ông Tâm nói.
Trong buổi làm việc vào ngày 23/6 giữa đoàn công tác Huyện ủy, UBND huyện, Công an, Kiểm lâm huyện Mường Ảng với chính quyền xã Ẳng Tở và đại diện lãnh đạo 2 bản có liên quan, Thượng tá Lù Văn Thưởng - Trưởng Công an huyện cho biết đã có sự tác động từ phía doanh nghiệp đến người dân để xin khai thác trắng rừng thông. Theo ông Thưởng, cần phải xem xét động cơ, mục đích của việc thông tin sai sự thật.