Bài 1: Trường ĐH Tôn Đức Thắng: “Chúng tôi đã có kế hoạch, lộ trình rõ ràng”

GD&TĐ - Có thể nói năm 2019 là một năm ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). 

Buổi thực hành của sinh viên TDTU. Ảnh NTCC
Buổi thực hành của sinh viên TDTU. Ảnh NTCC

Trường được xếp vào TOP 200 các ĐH phát triển bền vững nhất thế giới năm 2019 với thứ hạng 165 trong tổng số 780 ĐH tham gia; được Hệ thống xếp hạng ĐH Academic Ranking for World Universities (ARWU), xếp vào TOP 1.000 trường ĐH xuất sắc nhất thế giới năm 2019, với thứ hạng là 901 - 1000; được Web of Science (WoS, Clarivate, Mỹ) xếp vào nhóm 25 đại học/cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực ASEAN... Đây cũng có thể xem là một kỳ tích của ĐH Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, TDTU cũng đối diện với những sóng gió về các quy định, quy chế đối với tự chủ ĐH đang trong quá trình hoàn thiện. Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với TS Võ Hoàng Duy - Phó Hiệu trưởng TDTU.

Thưa TS Võ Hoàng Duy, năm 2019, có thể nói là một năm ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật của TDTU. Mới đây, trường đã được QS Châu Á xếp vị trí 207 trong 500 ĐH tốt nhất Châu Á năm 2020... Ông có thể chia sẻ những cảm xúc cũng như suy nghĩ khi TDTU nhận được các vinh dự này?

- TS Võ Hoàng Duy: Đây là vinh dự không chỉ cho TDTU. Như

TS Võ Hoàng Duy,

chúng ta đã biết, thành tựu nghiên cứu khoa học và sáng tạo tri thức mới là yếu tố quyết định đối với chất lượng của một đại học.

Kết quả này là có tính tất yếu với TDTU, vì suốt 10 năm qua, nhà trường đã đầu tư rất bài bản và đúng hướng; cũng như đã áp dụng những chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu khoa học-công nghệ. Với sự quyết tâm của Nhà trường và việc tập trung nguồn lực đủ mạnh; những năm gần đây TDTU đã đứng số 1 Việt Nam về khoa học-công nghệ và nhiều lãnh vực khác.

Do đó, chúng tôi cảm thấy vinh dự và được an ủi khi nỗ lực không ngừng nghỉ của mình đã có kết quả. Vinh dự này cũng thuộc về Việt Nam. Với chính sách tự chủ đại học đúng đắn, Đảng và Nhà nước đã tạo những nền tảng cơ chế thuận lợi nhất cho các ĐH tự chuyển mình vươn lên trong gần 5 năm qua nếu có ý chí; và TDTU là một trong những trường hợp như thế.

Đó là lý do Việt Nam có được 1 đại diện duy nhất trong TOP 25 của Khu vực ASEAN, TOP 1000 ĐH xuất sắc nhất thế giới năm 2019 của ARWU....

Chúng ta cũng thấy là các đại học của Singapore, Malaysia và Thái Lan gần như “thống trị” nền khoa học-công nghệ và giáo dục trong ASEAN. Tuy nhiên, khi nhìn trên Bảng xếp hạng, ta thấy: a) chỉ có 5 nước/10 nước ASEAN là có đại diện trong bảng (lần lượt là: Singapoe, Malaysia, Thailand, Indonesia, Việt Nam); b) 5 nước còn lại không có đại diện nào; c) TDTU tuy đứng thứ 23 trong bảng, nhưng thành quả khoa học-công nghệ lại thua Đại học quốc gia Singapore (NUS) đến 10,14 lần; và thua các đại học nhóm thứ nhì trong bảng từ 2,5 đến 3 lần.

Nếu a) và b) cho chúng ta thấy rằng kết quả giáo dục và khoa học-công nghệ của một quốc gia có sự kết nối rất rõ ràng với mức độ phát triển của nền kinh tế nước đó; thì c) cho chúng ta thấy gì?. Với tổng công bố quốc tế năm 2018 là hơn 1.000 công trình ISI; và dự kiến tổng công bố năm 2019 sẽ là hơn 1.400 ISI, TDTU có thể đuổi kịp NUS trong vòng từ 7 đến 10 năm tới (tính cả khi NUS vẫn tiếp tục phát triển như tốc độ hiện nay); và đuổi kịp các đại học hạng nhì của khu vực trong vòng 2 đến 3 năm tới nếu Nhà trường duy trì được tốc độ phát triển như 10 năm vừa qua.

Tuy nhiên, đại đa số tuyệt đối các đại học Việt Nam còn lại với tổng số công bố mỗi năm bình quân từ 70 đến 300 công trình ISI/năm/đại học như hiện nay thì cần ít nhất 10 đến 15 năm nữa mới có thêm đại học vào được bảng TOP 25 của khu vực này, nếu quyết liệt đầu tư và hết lòng cho sự phát triển của trường. Đó là điều rất đáng để suy ngẫm.

Những năm gần đây, TDTU xuất hiện nhiều trên bản đồ NCKH của các tổ chức đánh giá, xếp hạng ĐH quốc tế. Nhà trường đã có lộ trình cho vấn đề này như thế nào thưa ông?

SV TDTU trong một buổi học thực hành. Ảnh NTCC
SV TDTU trong một buổi học thực hành. Ảnh NTCC

- TS Võ Hoàng Duy: Từ năm 2007, TDTU đã ban hành kế hoạch 30 năm (2007-2037) phát triển Nhà trường thành đại học nghiên cứu trong TOP 60 các đại học hàng đầu Châu Á (hay TOP 500 đại học xuất sắc nhất của thế giới).

Từ Kế hoạch 30 năm này, Nhà trường phân kỳ mục tiêu, các nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu để đạt mục tiêu ra thành 6 kế hoạch trung hạn, mỗi kế hoạch trung hạn kéo dài 5 năm.

Từ Kế hoạch trung hạn này, hằng năm TDTU và từng đơn vị trực thuộc xây dựng Mục tiêu chất lượng và Kế hoạch từng năm học theo qui trình ISO. Cho đến thời điểm này, nhìn lại hơn 2 kỳ kế hoạch trung hạn với những gì đã làm và đạt được, TDTU hãnh diện vì đang đi đúng hướng; và thậm chí đối với một số mục tiêu, TDTU đã vượt xa so với yêu cầu đề ra.

Việc TDTU được vào TOP 25 các cơ sở nghiên cứu hàng đầu ASEAN theo WoS, hay hạng 1422 thế giới theo URAP, TOP 1000 ĐH xuất sắc của thế giới năm 2019 theo ARWU, TOP 200 các đại học phát triển bền vững nhất thế giới năm 2019... chỉ là những khởi đầu. Chúng tôi đang trong giai đoạn phát triển quyết liệt và cố gắng tiến tới phát triển bền vững trong vài năm tới; để hy vọng có thể vươn đến mục tiêu lớn (TOP 500 đại học nghiên cứu xuất sắc nhất thế giới) nhanh hơn mốc thời gian đã đề ra.

Hiện cũng có những luồng ý kiến còn e ngại, hồ nghi về việc xếp hạng ĐH? Ông thấy vấn đề xếp hạng ĐH thế nào?

- TS Võ Hoàng Duy: Tôi rất chia sẻ việc này. Thực tế xếp hạng ĐH trên thế giới cho thấy nhiều lãnh đạo của các đại học được xếp hạng hoặc có hạng tốt hay có tâm lý quan tâm đến xếp hạng đại học; trong khi số còn lại có thể e ngại hoặc hồ nghi. Cả 2 thái độ này đều chưa hoàn toàn đúng.

Ngay từ khi về công tác tại TDTU 15 năm trước đây, trường gặp rất nhiều khó khăn mà tôi hay nói là “3 không”; nhưng Hiệu trưởng chúng tôi đã cùng tập thể đặt ra mục tiêu là TDTU sẽ phải vào tốp những đại học tốt nhất thế giới. Đến nay, với những gì đã đạt được, chúng tôi đã có đầy đủ minh chứng cho thấy TDTU đi đúng hướng và thành công. Từ sự thành công của trường ở tất cả các mặt (giáo dục, khoa học-công nghệ, quốc tế hóa); TDTU đã được xếp hạng ở cả 3 bảng xếp hạng uy tín nhất thế giới hiện nay là ARWU, THE IMPACT và QS ASIA.

Như vậy, nếu phát triển đúng hướng; phát triển một ĐH toàn diện và đúng nghĩa là ĐH; phát triển đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, thì việc được quốc tế xếp hạng chỉ là kết quả đương nhiên, bất kể chúng ta có quan tâm đến xếp hạng hay không?!. Như vậy, việc xếp hạng đã được thực hiện theo những tiêu chuẩn quốc tế được đa số mọi người đồng thuận; mà cứ đại học nào đạt được những tiêu chuẩn này, thì được vào.

Vậy thì đặt nặng mục tiêu được xếp hạng; hay coi thường và hoài nghi đều không phải là thái độ đúng. Bởi suy cho cùng, chúng ta có muốn đại học của mình phát triển đúng hướng và theo chuẩn quốc tế không?

Dĩ nhiên, có một sự thật khách quan là đến thời điểm này vẫn khó có thể có một bảng xếp hạng ĐH nào hoàn hảo, được tất cả mọi người ủng hộ. Các bảng xếp hạng cũng bị chi phối bởi nhiều yếu tố; trong đó yếu tố kinh doanh là yếu tố nguy hiểm nhất.

Tuy nhiên, vì giáo dục là lĩnh vực luôn được toàn thế giới quan tâm và ai cũng muốn được hấp thụ những chương trình giáo dục tiên tiến nhất, uy tín nhất. Bản chất và mục tiêu chính của các bảng xếp hạng đại học là cung cấp cho cộng đồng thứ bậc của các đại học, và từ thứ bậc này, người học có thể lựa chọn được cơ sở giáo dục có chất lượng nhất.

Do đó, cộng đồng quốc tế phải quan tâm đến các bảng xếp hạng đại học khi mà từng gia đình đều cần biết những đại học nào có chất lượng để chọn cho con em họ theo học, hầu có thể có một tương lai công việc tốt đẹp hơn ở phạm vi toàn cầu.

Ngoài ra, chẳng những người học cần xếp hạng ĐH để chọn cho mình đại học tốt nhất, mà các nhà quản trị/lãnh đạo các quốc gia cũng rất quan tâm đến đẳng cấp nền đại học của đất nước họ để có thể xem lại việc đầu tư/quản trị hệ thống đại học cho phù hợp.

Việt Nam chỉ có khoảng 1,75% tổng số ĐH, trường ĐH được xếp hạng trong Bảng QS Châu Á 2020; và chỉ hơn 0,2% được xếp hạng vào ARWU 2020 cũng là điều mà những nhà quản lý văn hóa, xã hội có trách nhiệm của đất nước đáng phải suy ngẫm.

Vì mỗi bảng xếp hạng (trong 3 bảng phổ biến hiện nay) có trọng số đánh giá khác nhau cho từng nhóm tiêu chí; có đại học được xếp trong bảng này thứ hạng cao, nhưng lại thấp ở bảng xếp hạng khác. Từng bảng xếp hạng do đó, chỉ ra thế mạnh của từng đại học trong số những đại học đã đạt đẳng cấp quốc tế.

Thí dụ: sau khi đã vượt qua các tiêu chuẩn cứng tối thiểu, thì trọng số còn lại của bảng ARWU nặng về học thuật, THE nặng về đóng góp của khoa học-công nghệ và giáo dục cho cộng đồng; QS nặng về lấy phiếu tín nhiệm từ các bên có lợi ích liên quan đến đại học.

Do đó, nghiên cứu đại học được xếp hạng trong từng bảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan sẽ có giải pháp, định hướng đầu tư phù hợp cho các đại học để thúc đẩy sự phát triển của đất nước một cách có chủ ý. Nhà khoa học quan tâm đến bảng xếp hạng đại học để tìm việc làm phù hợp; phụ huynh và người học thông qua bảng xếp hạng để biết, với mục tiêu tương lai của mình, mình nên chọn đại học trong bảng nào...?

Lợi ích của việc xếp hạng là chỗ đấy. Dù các ĐH có ủng hộ hay không ủng hộ, thì việc xếp hạng vẫn là nhu cầu tất yếu của xã hội.

Xin cám ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.