Bài 1: Bê bết dự án thương mại trên đất người nghèo

GD&TĐ - Thời gian qua, tỉnh Thái Bình thực hiện hàng chục dự án lớn về xây dựng, góp phần thay đổi hạ tầng, bộ mặt đô thị như: Xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4-5 tầng, phường Lê Hồng Phong; Khu đô thị Tây quốc lộ 10, huyện Đông Hưng; Xây dựng và kinh doanh hạ tầng chợ Kỳ Bá… Tuy nhiên, theo điều tra của Báo GD&TĐ, bên cạnh sự hào nhoáng của các dự án là cả một “mảng tối” các sai phạm cần được làm rõ. 

Khu nhà tập thể 4 - 5 tầng phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình đã cũ nát, xuống cấp
Khu nhà tập thể 4 - 5 tầng phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình đã cũ nát, xuống cấp

Trong các tồn tại, sai phạm, ngoài trách nhiệm của các sở ngành liên quan thì trách nhiệm cuối cùng là của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt hồ sơ đề xuất thực hiện Dự án Xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình khi chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân tỉnh. Dự án vẫn đang giậm chân tại chỗ, trong khi đó hàng trăm hộ dân vẫn phải sống trong những căn phòng chật hẹp, ẩm mốc, xuống cấp, gây bức xúc trong dư luận. 

Sống mòn trong khu tập thể cũ nát

Sự hiện hữu duy nhất của dự án là tấm biển quảng cáo dự án của nhà đầu tư
 Sự hiện hữu duy nhất của dự án là tấm biển quảng cáo dự án của nhà đầu tư

Những ngày cuối tháng 9/2019, có mặt tại khu tập thể 4 - 5 tầng, tổ 24, phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình, chúng tôi ghi nhận cuộc sống khốn khó của người dân nơi đây. Từ ngoài nhìn vào, từng mảng tường mốc thếch bong lở, vỡ vụn. Từ cầu thang nhỏ hẹp, ẩm mốc, không ánh sáng dẫn chúng tôi đến các căn hộ của người dân. Theo quan sát, mỗi căn hộ ở khu tập thể cũ này có diện tích từ 20 - 30 m2, chung nhà vệ sinh.

Bà Đỗ Thị Muông (65 tuổi), ở đơn nguyên C11 đon đả khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống người dân sinh sống trong khu tập thể và cơ hội thay đổi cuộc sống khi có dự án xây dựng mới khu nhà này. Bà Muông là cựu chiến binh, phần lớn cuộc đời bà và các con gắn liền với căn hộ hơn 20 m2 cùng với công trình phụ này. Trong căn phòng của bà không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc tivi và chiếc giường đơn. Bà Muông mưu sinh bằng gánh hàng rong, cuộc sống hết sức khốn khó.

Cách đây 2 năm, bà Muông cùng hàng trăm hộ dân tại khu tập thể này vui mừng khi biết UBND tỉnh Thái Bình giao cho nhà đầu tư bất động sản thực hiện dự án xây mới khu tập thể thành một tòa nhà khang trang, hiện đại với đầy đủ tiện nghi. Nhưng niềm vui qua đi chỉ còn lại sự chờ đợi mòn mỏi.

Người dân vẫn ở trong khu nhà mục nát, không lối thoát. Các căn hộ trong khu tập thể cũ nát này được xây dựng từ những năm 1970, đều có diện tích trung bình từ 20 - 26 m2 (tính cả công trình phụ). Chủ các căn hộ này là dân lao động, gia đình chính sách, đời sống khó khăn.

“Khi có dự án đập đi xây mới, người dân chúng tôi không được họp bàn, không biết phương án mua thêm diện tích sẽ phải trả tiền ngay hay trả trong bao lâu. Liên quan đến dự án này, chúng tôi đã có tố cáo, kêu cứu đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình và đến các cấp ở Trung ương nhưng đến nay sự việc vẫn chưa ngã ngũ. Từ năm 2017 đến nay, không cơ quan nào xuống chỗ chúng tôi để lắng nghe nguyện vọng của dân. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là do thông qua đấu thầu hay UBND tỉnh tự lựa chọn và chỉ định? Năng lực và tiềm lực tài chính của nhà đầu tư có đáp ứng yêu cầu triển khai dự án không?...” - người dân bức xúc nói.

Và những sai phạm

Bà Đỗ Thị Muông trong căn phòng hơn 20 m2 chật chội, xuống cấp
 Bà Đỗ Thị Muông trong căn phòng hơn 20 m2 chật chội, xuống cấp

Điều tra của Báo GD&TĐ cho thấy, tháng 9/2017, Sở Xây dựng Thái Bình và Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị BID Việt Nam (sau đây gọi tắt là BID Group) có hợp đồng xây dựng, chuyển giao BT dự án: Đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng, phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình. Dự án này nằm ở vị trí “đất vàng” của TP Thái Bình, có quy mô xây dựng trên tổng diện tích sử dụng đất 4.967 m2, với tòa nhà cao 15 tầng… Số lượng căn hộ trong tòa nhà là 372 với diện tích từ 50 - 100 m2, tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2018.

Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 9/2019, tại vị trí dự án vẫn không có hoạt động xây dựng; phía trước khu tập thể 4 - 5 tầng xuống cấp chủ đầu tư BID GROUP cho dựng một tấm biển quảng cáo về dự án với tên gọi Eden Garden.

Khi BID Group được chọn là chủ đầu tư dự án, ngày 11/1/2019, ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký Quyết định số 120/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Dự án Đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng, phường Lê Hồng Phong (ngoài các căn cứ khác, có căn cứ vào đề nghị của BID Group).

Theo đó, đưa vào ranh giới quy hoạch toàn bộ phần diện tích đất của rạp Thống Nhất, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng vào dự án. Tổng diện tích xây dựng dự án là gần 5.000 m2, đất xây dựng dự án đối ứng là hơn 9.400 m2, các tòa nhà cao 25 - 30 tầng. BID Group quảng cáo dự án mang đến phong cách sống mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Thái Bình, đồng thời góp phần sớm đưa TP trở thành đô thị loại I.

Ở dự án này, Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 1650/TB-TTCP khẳng định: UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực thực hiện dự án với việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ đất công trình công cộng sang đất ở, bỏ qua các bước để được điều chỉnh là không phù hợp với quy định của một số điều Luật Quy hoạch đô thị… làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của 34 hộ dân.

UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của BID Group trong khi công ty này chưa lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng… là vi phạm Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ. UBND tỉnh Thái Bình cũng phê duyệt hồ sơ đề xuất thực hiện dự án khi chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh, vi phạm Điều 17, Nghị định 15/2015/NĐ-CP, vi phạm Luật Đầu tư công.

Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt khoản chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư với số tiền hơn 15,6 tỷ đồng có dấu hiệu vi phạm khi đối chiếu với các quy định tại Thông tư 183/2015 của Bộ Tài chính. Trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Tài chính và UBND tỉnh Thái Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.