Sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh: Các “ông lớn” ngân hàng có bị ảnh hưởng ?

GD&TĐ - Những người dân vay tiền của ngân hàng để mua nhà tại các dự án, chung cư do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư đang tỏ ra hoang mang, lo lắng liệu có bị cưỡng chế khi căn hộ của họ thuộc diện sai phạm.

Nhiều người dân vay tiền ngân hàng để mua căn hộ tại Khu chung cư HH Linh Đàm.
Nhiều người dân vay tiền ngân hàng để mua căn hộ tại Khu chung cư HH Linh Đàm.

Người mua nhà hoang mang

Trước sự việc ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố về hành vi lừa dối khách hàng, nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng vì căn hộ họ đang ở thuộc các dự án, chung cư sai phạm nghiêm trọng do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư.

Phản ánh đến Báo GD&TĐ, một người dân mua căn hộ tại tầng 37 Chung cư HH Linh Đàm cho biết, họ rất lo lắng khi biết căn hộ mà gia đình mua nằm trong diện sai phạm vượt tầng của tòa nhà. “Khi mua nhà, tôi chỉ có một số tiền nhỏ, còn lại phải vay gói tín dụng 30.000 tỷ với lãi suất ưu đãi 5%/năm, đến nay hàng tháng vẫn phải trả tiền cho ngân hàng. Nếu cơ quan chức năng cưỡng chế những tầng vi phạm của tòa nhà thì gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác không biết sẽ ở đâu. Như vậy, là nhà mất mà tiền ngân hàng vẫn phải trả”.

Trước đó, đầu năm 2019, trong danh sách những dự án chung cư, nhà cao tầng vi phạm trật tự xây dựng đang được TP. Hà Nội xem xét, chuyển sang Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) để làm rõ, có tới 8 dự án liên quan tới Tập đoàn Mường Thanh, tập trung 2 sai phạm lớn là xây dựng vượt tầng - phá vỡ quy hoạch được duyệt và có các sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, thâu tóm dự án.

Trong số 8 dự án sai phạm do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư có Dự án HH Linh Đàm theo quy hoạch được phê duyệt cao nhất 27 tầng gồm 12 tòa nhà nhưng chủ đầu lại tự ý chồng tầng xây dựng lên tới 36 và 41 tầng. Dự án VP6 bán đảo Linh Đàm, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xây dựng 138 căn hộ nhưng thực tế khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì số căn hộ đã lên đến 840 căn hộ.

Nhiều Dự án VP6 bán đảo Linh Đàm được chủ đầu tư xây dựng vượt tầng, trái pháp luật.
Nhiều Dự án VP6 bán đảo Linh Đàm được chủ đầu tư xây dựng vượt tầng, trái pháp luật. 

Ngân hàng cho dân vay tiền để mua nhà tại dự án vi phạm

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, ngày 18/11/2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 32/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Từ quy định này, đã có một số ngân hàng thực hiện việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho hàng nghìn người dân vay với vãi lãi suất ưu đãi 5%/năm để mua nhà…

Cũng theo quy định tại Thông tư 32/2014/TT-NHNN, ngoài các điều kiện cho vay theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với khách hàng cá nhân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại cần đáp ứng các điều kiện như sau:

Có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại với chủ đầu tư. Có mục đích vay vốn để trả khoản tiền chưa thanh toán mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2 đối với các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 07 tháng 01 năm 2013; hoặc có mục đích vay vốn để trả các khoản tiền chưa thanh toán với chủ đầu tư phát sinh kể từ ngày 21 tháng 8 năm 2014 để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1.050.000.000 đồng.

Có đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại và cam kết khách hàng, các thành viên trong hộ gia đình của khách hàng chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng theo quy định tại Thông tư này. Có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Nhiều ngân hàng đã tham gia giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ lãi suất ưu đãi 5%/năm như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB)….

Trong đó, nhiều người dân đã vay gói tín dụng 30.000 tỷ với lãi suất ưu đãi 5%/năm của các ngân hàng để mua nhà tại Dự án khu chung cư HH Linh Đàm và Dự án VP6 bán đảo Linh Đàm có sai phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng quy mô lớn do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng.

Dự án HH Linh Đàm do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt cao nhất 27, nhưng đã được chủ đầu tư cố ý xây lên tới 36 và 41 tầng.
  Dự án HH Linh Đàm do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt cao nhất 27, nhưng đã được chủ đầu tư cố ý xây lên tới 36 và 41 tầng.

Dư luận đặt câu hỏi, với những vi phạm nghiêm trọng như vậy nhưng hầu hết tất cả các căn hộ ở hai Dự án nêu trên của Tập đoàn Mường Thanh khi hoàn thành đều bán hết cho khách hàng mà không bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.

Ngược lại, nhiều hộ dân khi mua nhà tại hai dự án này còn được các ngân hàng hỗ trợ cho vay tiền trong gói tín dụng 30.000 tỷ với lãi suất ưu đãi 5%/năm mà Ngân hàng Nhà nước đã thông qua.

Cũng cần phải nhắc đến, nhờ có gói vay 30.000 tỷ đồng này mà nhiều hộ gia đình đã mua được cho mình một căn hộ chung cư tại Dự án vi phạm do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng. Và cũng nhờ gói vay này mà Chủ đầu tư nhanh chóng bán hết sản phẩm vi phạm, thu hồi được vốn (?).

Thắc mắc đến Báo GD&TĐ, nhiều bạn đọc cho rằng, tại sao 2 đại dự án chung cư vi phạm lớn như vậy mà cơ quan chức năng không phát hiện ra sớm để có biện pháp kịp thời như Tòa nhà 8B Lê Trực. Ngược lại, chính quyền quận Hoàng Mai cũng như TP Hà Nội lại để mặc chủ đầu tư hoàn thiện rồi bán cho người dân.

Về phía ngân hàng trong việc cho người dân vay tiền, bạn đọc cũng đặt câu hỏi, khi thẩm định hồ sơ của khách hàng để cho vay tiền ngân hàng có biết căn hộ mà người dân mua có vi phạm điều gì không? Hay chỉ cần khách hàng có nhu cầu thì sẽ được giải ngân.

Ngoài ra, bạn đọc cho rằng, giả sử trường hợp những căn hộ nằm trong diện sai phạm, phá vỡ quy hoạch bị cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ như tòa nhà 8B Lê Trực có phải người dân sẽ vừa phải trả nợ ngân hàng vừa mất nhà ở? Ngân hàng trước khi giải ngân có nghĩ đến việc này không?

Những thắc mắc này của bạn đọc xin được gửi đến Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng liên kết giải ngân gói vay tín dụng 30.000 tỷ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.