Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà nơi anh gắn bó, đã trở nên thân thuộc, giúp anh có cơ hội đem kiến thức y khoa hiện đại khám chữa bệnh cho bà con dân tộc. Với những nỗ lực về chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết được vinh danh là một trong 10 gương mặt thầy thuốc tiêu biểu năm 2018.
Viết tiếp ước mơ…
Tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội năm 2013, được phân công công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, tuy nhiên chàng sinh viên y khoa trẻ lại có ước cháy bỏng được cống hiến ở những vùng còn khó khăn.
Quê Hưng Yên, nhưng ngày nhỏ cậu bé Nguyễn Chiến Quyết có những năm tháng cùng cha mẹ sinh sống ở huyện Bảo Yên (Lào Cai). Những kỷ niệm về núi rừng lúc tuổi thơ, cùng những chuyến hoạt động thiện nguyện tại vùng cao cũng đã thôi thúc anh viết đơn xin gia nhập đội ngũ những bác sĩ trẻ tình nguyện.
Sau hai năm được tiếp tục đào tạo Chuyên khoa cấp I, đến năm 2017, Nguyễn Chiến Quyết lên công tác tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà (Lào Cai).
“Kiến thức trên giảng đường cùng thời gian thực tập phụ mổ tại bệnh viện dưới xuôi, đã giúp tôi tự tin trong công việc của mình. Tôi luôn nghĩ, cuộc đời của mỗi con người có hai điều đáng quý, đó là sức khỏe và thời gian. Có những việc, chỉ khi trẻ mình mới có thể thử sức và trải nghiệm. Bởi vậy, tôi muốn hiện thực hóa mơ ước bằng những việc làm cụ thể, mong đóng góp một chút sức trẻ cho cuộc đời” - BS Quyết chia sẻ.
Bác sĩ Quyết tâm sự: Có lên vùng cao mới thấu hiểu sự thiếu thốn, vất vả của bà con dân bản. Nhiều khi để được khám chữa bệnh, họ phải vượt những con dốc, đoạn đường rừng vài chục km nhọc nhằn lắm. Thế nên, bất cứ bác sĩ và nhân viên y tế nào, hễ giúp đỡ được cho bà con điều gì là luôn nhiệt tình và sẵn sàng.
Tôi cũng thực sự biết ơn những tháng ngày công tác tại nơi này. Bởi ở đây, tôi được rèn giũa, va chạm rất nhiều về kiến thức chuyên môn. Có những bệnh chỉ ở những vùng khó các bác sĩ mới gặp. Nhờ đó, tôi mới thấu hiểu, nể phục những đồng nghiệp của mình đã có cả cuộc đời gắn bó với những nơi này…
Làm việc trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, công việc khá áp lực. Cả Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà chỉ có 3 bác sĩ mổ, bệnh nhân thì nhiều, không ít những bệnh nặng. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân tới viện đã nguy kịch. Ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng khó đong đếm.
Không ít những ca mổ diễn ra trong đêm, thời gian gấp gáp, các nhân viên y tế phụ trách các phòng chức năng ở xa không đến kịp. Vậy là bác sĩ trực mổ chủ yếu phải dựa trên các kiến thức thăm khám ban đầu và kiến thức lâm sàng để quyết định phẫu thuật cho người bệnh mới mong tránh những tai biến.
|
“Lương y như từ mẫu”
Có mặt tại những nơi vùng sâu, vùng xa, hơn ai hết những bác sĩ đang ngày đêm bám trụ núi rừng, lại càng thấm nhuần lời dạy “Lương y như từ mẫu” của Bác Hồ.
Người thầy thuốc trẻ trải lòng: Việc phụ mổ hay trực tiếp tham gia các ca mổ xuyên đêm là điều hết sức bình thường. Trình độ hiểu biết của người dân còn rất hạn chế, nên khi họ đến khám chữa bệnh, các bác sĩ và nhân viên y tế không chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyên môn mà còn phải làm công tác tư tưởng, vận động để họ yên tâm chữa bệnh.
Đa số bệnh nhân đến với viện chúng tôi đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế, chúng tôi phải tư vấn rồi giúp họ hoàn tất các thủ tục. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, không có bảo hiểm, y bác sĩ trong viện lại cùng quyên góp hỗ trợ.
Việc cán bộ nhân viên ứng tiền cá nhân để hỗ trợ người bệnh, hay nộp hộ họ các khoản tạm ứng khi vào viện không phải là chuyện hiếm. Ở đây ai cũng sẵn lòng giúp đỡ trong điều kiện của mình với bà con dân bản.
Thường thì, chỉ khi tự uống thuốc lá, mời thầy cúng tới lễ mà không khỏi, họ mới tìm tới bệnh viện. Thế nên, nhiều ca tới viện ruột thừa đã viêm nặng, bị áp xe, nhiễm trùng, bục dạ dày hoặc sinh khó rất nguy kịch. Thậm chí, khi biết phải mổ, người nhà họ rất lo lắng, bác sĩ lại phải giải thích thuyết phục mãi họ mới đồng ý làm phẫu thuật.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết là 1 trong 7 bác sĩ đầu tiên của dự án 585 (dự án đưa các bác sĩ trẻ lên công tác tại các vùng khó). Trong thời gian công tác tại BV Đa khoa huyện Bắc Hà từ tháng 7/2017, bác sĩ đã tham gia khoảng 800 ca mổ và trực tiếp mổ khoảng 500 ca cả về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại, nhi... Trong đó có các ca mổ cấp cứu nặng như chấn thương bụng, vỡ tạng, đa chấn thương, tiền sản giật, rau bong non, cấp cứu bé sơ sinh (có trường hợp chỉ nặng 900g).
“Có trường hợp, một bệnh nhân nam bị tai nạn bất ngờ nhập viện trong tình trạng sốc, mất khá nhiều máu. Bệnh nhân bị vỡ lá lách, chảy máu trong ổ bụng vì vậy cần phải mổ gấp.
Lúc đó BV lại không có máu dự trữ. Tình thế này, đòi hỏi buộc phải có máu của người thân cùng nhóm máu để truyền. Tuy nhiên, cả gia đình người bệnh đều không chịu cho máu chính người thân của mình. Họ suy nghĩ, nếu người bệnh không qua khỏi thì sẽ mang máu của mình xuống mồ. Vậy là tập thể y bác sĩ lại cùng nhau chia sẻ chính những giọt máu của mình để cứu giúp người bệnh. Cuối cùng ca mổ cũng thành công, bệnh nhân đã được cứu sống”, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết kể.
“Cũng lại là một ca cấp cứu trong đêm, một phụ sản được đưa đến tầm 3, 4 giờ sáng. Sản phụ mới 15, 16 tuổi, còn quá nhỏ tuổi cho việc sinh nở. Cô gái này chuyển dạ từ lúc ở nhà, lại trong tình trạng tiền sản giật. Cả bà mẹ và thai nhi đều trong tình trạng nguy kịch.
Không còn thời gian để chần chừ, chỉ còn cách phải mổ may ra cứu được cả hai mẹ con. Vì vậy, tôi đã hội chẩn nhanh với y tá và nữ hộ sinh rồi quyết định thực hiện ca mổ. Mặc dù ca mổ khá phức tạp diễn ra trong tình huống xấu, nhưng cuối cùng tôi cũng đã cứu được cả hai mẹ con. Tiếng khóc của cháu bé cũng làm ca trực ấm lòng. Chúng tôi hoàn thành ca mổ cũng là lúc trời sáng...”, bác sĩ trẻ trải lòng.
Hạnh phúc không thể đo đếm được, với các bác sĩ niềm hạnh phúc chính là mang lại sự sống cho những bệnh nhân của mình.