Nghe cứ như chuyện kinh dị viễn tưởng, nhưng tất cả đều từng xảy ra trong đời thực, một khi bác sĩ trót sai lầm.
Trị liệu ung thư cho người bình thường
Chuyện có một không hai này đã xảy ra với Herlinda Garcia, một công dân Mỹ vào năm 2009. Trong trường hợp bạn chưa biết về cái gọi là trị liệu ung thư (thường bằng bức xạ và hóa trị) thì đó là biện pháp cứu chữa vừa cực kỳ tốn kém lại vừa vô cùng đau đớn.
Nó khiến người trị liệu vừa phải trải qua cảm giác “hành xác” khủng khiếp như chết đi sống lại, lại vừa không đảm bảo sẽ chữa khỏi 100%. Riêng về tiền bạc thì đúng là... đủ để chất thành núi.
Thêm vào đó, trong quá trình trị liệu cũng thường xuyên xảy ra tác dụng phụ, bao gồm từ tổn thương phổi đến rối loạn chức năng thần kinh, mất thính giác...
nhiên, trừ khi có chẩn đoán chắc chắn là mắc ung thư giai đoạn cuối, không còn cách cứu chữa nào ngoài sử dụng hóa trị và xạ trị, người bệnh mới bước đường cùng phải chấp nhận khoảng thời gian chạy chữa khổ ải nhất trần đời này.
Herlinda Garcia (Mỹ) phải trải qua điều trị ung thư suốt 2 năm dù hoàn toàn khỏe mạnh. |
Vậy mà theo tờ The Victoria Advocate đưa tin thì Garcia đã bị một bác sĩ tên Ahmad Qadri chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn IV sau khi phẫu thuật cắt bỏ một khối u lành tính bên ngực trái.
Như sét đánh ngang tai, bà sụp đổ cả về thể chất lẫn tinh thần, tuyệt vọng đến nỗi tính luôn chuyện tự làm đám ma. Song qua cơn chấn động ban đầu, được chồng con ra sức thuyết phục, Garcia quyết định cố níu kéo sự sống cho bằng được.
Bà chấp nhận cả hóa trị và xạ trị, chuyên cần uống thuốc đúng liều, đúng giờ triền miên suốt 2 năm trời. Trong 2 năm này, Garcia trải qua tổng cộng 8 vòng hóa trị. Thế nhưng khi đi gặp một bác sĩ khác để tái khám, bà lại nhận được khẳng định hết sức bàng hoàng. Đó là mình chẳng bị ung thư gì cả.
Điên tiết, Garcia lập tức đâm đơn tố cáo Qadri. Qua điều tra, người ta phát hiện vị bác sĩ này không chỉ đọc nhầm kết quả kiểm tra sau phẫu thuật cắt bỏ khối u lành tính cho Garcia, mà còn quên luôn vụ phải làm xét nghiệm sinh thiết.
Ông cũng “về trời” trước khi Garcia kịp đòi lại công đạo cho bản thân. May cho Garcia là bà vẫn được tòa án quyết định đền bù 367.000 USD, tương đương 8,5 tỷ đồng.
Biến ổ bụng bệnh nhân thành... chỗ để khăn
Theo ABC 13 đưa tin, vào năm 2014, một người đàn ông (giấu tên) đã được phẫu thuật dạ dày tại Trung tâm Y tế Cộng đồng Khu vực ở Fresno, California, Mỹ. Cuộc phẫu thuật thực ra chỉ là tiểu phẫu, vậy mà bệnh nhân không hề có dấu hiệu phục hồi, cứ mỗi ngày một đau đớn, gầy mòn.
Chỉ vài tuần trôi qua mà anh ta sụt tận 20kg. Không những thế còn không thể tiêu hóa thức ăn hay đi vệ sinh như bình thường. Các bác sĩ đành đem anh ta đi chụp X-quang.
Ngay khi có film, họ giật mình thấy trong ổ bụng anh ta là một mớ hỗn độn kỳ dị. Ai nấy lo ngại người bệnh này đã bị tái phát u. Nhưng khi quan sát kỹ, họ ngã ngửa vì đó lại chính là... khăn phẫu thuật. Chẳng biết vì lý do gì, bác sĩ phụ trách lại bỏ quên trong ổ bụng của anh ta.
Cực chẳng đã, bệnh nhân giấu tên nọ lại bị “mổ bụng” một lần nữa để lấy cái khăn ra. Cũng vì sai phạm ngớ ngẩn nguy hiểm, trung tâm y tế bị phạt 86.000USD (tương đương 2 tỷ VNĐ).
Xì hơi là cháy nổ
Chỉ nội chuyện quên khăn phẫu thuật trong ổ bụng bệnh nhân đã khó ngờ lắm rồi, vậy mà vào năm 2016, Bệnh viện Đại học Y Tokyo, Nhật Bản lại đổ lỗi cháy nổ trong phòng khám do bệnh nhân... xì hơi.
Theo trang The Asahi Shimbun đưa tin thì một phụ nữ (giấu tên) đã đến bệnh viện danh tiếng này để được phẫu thuật tia laser cổ tử cung. Đang giữa ca điều trị, một vụ nổ bất thần xảy ra, gây hoảng hốt cho tất cả y bác sĩ trong phòng.
Rất nhanh, lửa bén vào màn che và quần áo nữ bệnh nhân, bốc cháy dữ dội, khiến cô bị bỏng khắp cả người, đặc biệt nghiệm trọng ở phần eo và chân.
Sau điều tra nguyên nhân gây nổ và cháy, các bác sĩ đi đến kết luận: Do bệnh nhân... xì hơi. Họ lý giải tia laser vốn phát ra nhiệt, còn khí thải thì là hơi gas. Vì bệnh nhân đã âm thầm “giải phóng” giữa lúc đang được chiếu tia laser, nên khí gas trong đường ruột lan ra ngoài. Bắt gặp phải nhiệt độ cao, nó liền phát nổ, từ đó gây ra cháy.
Nữ bệnh nhân bị bỏng nặng chỉ vì lỡ xì hơi trong lúc đang trị liệu tia laser. |
Tỉnh trên giường khám nghiệm tử thi
Nếu có một cái gì đó vừa xui xẻo lại vừa may mắn thì đó chính là trải nghiệm của Carlos Camejo, một công dân Venezuela. Vào năm 2007, Camejo xui xẻo bị tai nạn ô tô, ngã ra bất tỉnh nhân sự. Không rõ ông bị chết lâm sàng hay là bác sĩ hiện trường kiểm tra ẩu đả, mà cơ thể Camejo bị đưa vào phòng để xác của một bệnh viện.
Đối với trường hợp qua đời vì tai nạn, thi thể người sẽ phải bị mổ xẻ để khám nghiệm, tìm ra nguyên nhân dẫn đến tử vong. Theo tờ Reuters đưa tin thì cơ thể của Camejo cũng bị đặt trên giường khám nghiệm tử thi cho bác sĩ điều tra mổ xẻ.
Chỉ là ngay khi vừa khi rạch dao mổ trên mặt ông, bác sĩ phụ trách kinh hoàng thấy máu tươi chảy ra. Biết ngay có điều gì đó không ổn, người khám nghiệm lập tức dừng tay, nhanh chóng khâu vết mổ lại. Nào ngờ Camejo cũng vì đau quá mà tỉnh khỏi mê man. Đến tận bây giờ, ông vẫn nhớ đã bị đánh thức bởi cảm giác bị... rạch mặt.
Trước khi đưa cơ thể Camejo vào nhà xác, người ta cũng gọi cho vợ ông. Bi hài một nỗi là khi vợ Camejo nước mắt ngắn nước mắt dài, hấp tấp chạy tới phòng xác nhận diện thi thể chồng thì lại đụng trúng Camejo đang bưng mặt bước ra. Quả là chẳng có cái xui xẻo nào may mắn hơn thế.
Vết sẹo trên mặt Carlos Camejo chính là “tác phẩm” của khám nghiệm tử thi. |
Thức giấc giữa ca mổ
Thường thì trước khi bác sĩ phẫu thuật tiến hành mổ, bác sĩ gây mê sẽ phụ trách gây mê cho bệnh nhân. Tùy vào thời gian phẫu thuật dự kiến, họ sẽ cân nhắc một lượng thuốc mê vừa đủ để bệnh nhân không bị thức giấc giữa chừng, cũng không bất tỉnh quá lâu sau khi kết thúc phẫu thuật.
Chỉ có điều là đôi khi cũng xảy ra sai sót. Nếu thừa thuốc thì còn đỡ, vì bệnh nhân chỉ ngủ thêm ít thời gian. Cái tệ hại hơn cả là thiếu thuốc, làm bệnh nhân tỉnh dậy giữa chừng.
Thực tế, trường hợp “thiếu thuốc” hãi hùng đã từng xảy ra vào năm 2012, với Simon Rosenqvist, một người Thụy Điển. Theo tờ The New York Daily News thì Rosenqvist phải trải qua ca phẫu thuật phổi dài 50 phút. Có điều, chưa tới 20 phút sau khi các bác sĩ bắt đầu, ông đã... tỉnh như sáo. Khổ một nỗi là thuốc gây mê cũng gây tê liệt, nên dù Rosenqvist có tỉnh như sáo thì cũng chẳng la hét, động cựa gì được.
Vừa sợ hãi lại vừa đau đớn đến muốn phát điên mà Rosenqvist vẫn chỉ đành bất lực nằm yên chờ ca phẫu thuật kết thúc. Khi ông có thể hét lên “Các người đang làm cái quái gì vậy”, thì mọi chuyện cũng đã xong xuôi.
Các bác sĩ tỏ ra rất nghi ngờ nhưng sau khi xem xét lại, một vị đã thừa nhận có dấu hiệu cho thấy Rosenqvist bị tỉnh giấc giữa ca phẫu thuật.