Bác sĩ Roberto - viết cổ tích từ trái tim

GD&TĐ - Sau khi phẫu thuật cho bé Thiện Nhân tại Italy, TS, bác sĩ Roberto De Castro đã sang Việt Nam. Nối tiếp hành trình “Thiện Nhân và những người bạn”, từ năm 2010 đến nay, TS, bác sĩ Roberto đã cùng đội ngũ chuyên gia tình nguyện của Mỹ, Úc và Italy tới Việt Nam, thăm khám và tiến hành phẫu thuật cho hàng trăm trẻ em khuyết tật bộ phận sinh dục.  

Bác sĩ Roberto - viết cổ tích từ trái tim

Phúc lành mang tên Roberto De Castro

Trong câu chuyện về những đứa trẻ thiếu may mắn, bác sĩ Roberto De Castro nhắc về cơ duyên đã gắn bó ông với trẻ em Việt Nam hơn 10 năm qua. Trên hành trình hơn 3 vòng Trái đất để con trai nuôi được lành lặn phần nào như bao đứa trẻ khác, nhà báo Trần Mai Anh và ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á đã gặp được Giáo sư Roberto De Castro.

Tại Italy, Giáo sư Roberto cùng các đồng nghiệp đã phẫu thuật cho Thiện Nhân, mở ra cả hành trình đến với trẻ em khuyết tật Việt Nam, đưa ông thành người không thể thiếu của Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”.

“Khuyết tật bộ phận sinh dục dạng bẩm sinh ở trẻ em không khác nhau giữa châu Âu và Việt Nam. Ở Italy, chúng tôi có nhiều cơ sở y tế hơn, vì thế việc chăm sóc, chữa trị cho các em kịp thời và thuận lợi hơn. Điều khác là ở Việt Nam số lượng bệnh nhi bị tai nạn bộ phận sinh dục nhiều hơn. Tai nạn thường xảy ra với những đứa trẻ sống ở vùng núi, bị thú vật tấn công hoặc tai nạn thương tích trong sinh hoạt. Những trường hợp này thường rất nặng, để lại di chứng nặng nề - bác sĩ Roberto nhận xét.

Hơn một năm trước, bệnh nhi Giàng Mạnh Cần 9 tháng tuổi, nhập viện với bộ phận sinh dục bị thương nặng do chó cắn và đã bị hoại tử trong quá trình chuyển viện. Các bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Đức đã phải cắt bỏ bộ phận sinh dục để cứu bé Cần.

Đến Hà Nội lần này, bác sĩ Roberto trực tiếp phẫu thuật ,tái tạo lại bộ phận sinh dục mới bằng phương pháp Phalloplasty cho Cần. Dương vật được tạo hình từ chính phần da thịt ở ổ bụng và có thể phát triển bình thường cùng với cơ thể. Ông đã thực hiện 46 ca phẫu thuật Phalloplasty trên thế giới giúp nhiều trẻ không may có được bộ phận sinh dục. 9 đứa trẻ Việt Nam và đợt này thêm bé Cần - ca thứ 10 đã được bác sĩ đem lại điều kỳ diệu này.

Từ 3 tháng trước, bé Cần đã được mổ đặt túi giãn da lên thành bụng, bơm thuốc định kỳ để làm giãn túi ra. Phần da căng ở túi sẽ được sử dụng để cuốn thành bộ phận sinh dục. Tiếp theo, khi mọi việc thuận lợi bác sĩ sẽ đặt lại niệu đạo cho bé đi vệ sinh đứng.

Biến cải những cuộc đời

Hơn một nghìn hồ sơ bệnh án gửi vào chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” là cả nghìn những câu chuyện đầy nước mắt của những con người bất hạnh.

Cậu bé Nguyễn Văn Thanh Sơn, mang mã hồ sơ 33 đến từ Thanh Hóa là một câu chuyện gây nhiều ám ảnh. Nửa người dưới của Sơn mở hoàn toàn, chất bài tiết chảy 24 giờ mỗi ngày đã thành nỗi bất hạnh đeo bám Sơn và gia đình em suốt 9 năm ròng. Hành trình những chuyến thăm khám và phẫu thuật từ Thanh Hóa ra Hà Nội, vào TPHCM, Đà Nẵng đã khiến gia đình Sơn kiệt quệ cả tinh thần và tiền bạc. Bước ngoặt lớn lao chỉ đến khi Sơn tiếp cận được chương trình. Em đã trải qua những tháng ngày đau đớn với 7 lần phẫu thuật và đã có thể rời được chiếc bô xanh gắn chặt với tuổi thơ như món nợ truyền kiếp.

Trung là một cậu bé ở Đồng Nai, khi sinh ra có bộ phận sinh dục ngoài là nữ nhưng bên trong lại có tinh hoàn và kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể là bé nam. Tuy đã được phẫu thuật để đưa tinh hoàn ẩn xuống bìu nhưng tình trạng bệnh vẫn rất phức tạp. Tháng 8/2011, lần đầu Trung được bác sĩ Roberto De Castro thăm khám tại Hà Nội. 3 tháng sau, em được phẫu thuật. Tuy vậy để có được bộ phận sinh dục như một bé trai bình thường, Trung đã phải trải qua 5 lần phẫu thuật và còn phải thêm một hai lần nữa thì mới đạt được kết quả khả quan.

Bác sĩ Roberto thăm khám cho bệnh nhi
Bác sĩ Roberto thăm khám cho bệnh nhi

Đó chỉ là một vài cuộc đời đã được hoàn thiện trong số hàng trăm cuộc đời đã được bác sĩ Roberto và ê kíp của ông can thiệp, viết lên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Trong niềm biết ơn, hy vọng của nhiều đứa trẻ và những người cha, người mẹ, bác sĩ Roberto là hiện thân của ông tiên, ông bụt bằng da bằng thịt.

Đợt thăm khám, phẫu thuật thứ 13 này, cùng với 7 bác sĩ nước ngoài khác, bác sĩ Roberto đã kết nối và mời được bác sĩ tâm lý Massimo Di Grazia sang khám cho 9 bé đã được ông phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục những năm trước. Bác sĩ Massimo sẽ giúp các em tái hòa nhập cuộc sống, điều chỉnh những bất ổn tâm lý trong và sau quá trình điều trị bệnh.

Những người may mắn

“Tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc cùng các bác sĩ trẻ Việt Nam trong những đợt phẫu thuật ở Hà Nội, Đà Nẵng,

TPHCM. Họ luôn sẵn sàng trong học hỏi, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm thực tế ê kíp bác sĩ đã có sự đồng thuận rất cao trong suốt quá trình làm việc. Họ chính là những người tạo đông lực để chúng tôi không ngừng tìm kiếm các phương pháp mới trong phẫu thuật và vận động nguồn lực giúp đỡ bệnh nhi.

Những ca phẫu thuật của tôi không đòi hỏi thiết bị y tế phức tạp nhưng cần thuốc đặc trị. Chúng tôi vận động gây quỹ mua thuốc và tặng lại dụng cụ cho các bệnh viện. Mỗi ca phẫu thuật nặng chi phí khoảng 10.000 - 15.000 USD, các em được miễn phí nhưng nhiều gia đình bệnh nhân quá khó khăn. Họ cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng nhiều hơn nữa trong thời gian con điều trị” - bác sĩ Roberto trăn trở.

Nhà báo Trần Mai Anh và chị Na Hương (Quỹ Phòng chống thương vong châu Á) những thành viên cốt cán điều hành hoạt động của Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” luôn dành những tình cảm trân trọng, kính nể cho vị bác sĩ người Italy này. Họ khẳng định: Nếu không có bác sĩ Roberto, chương trình khó có thể vận hành. Đội ngũ y, bác sĩ của các Bệnh viện Việt - Đức, Nhi Trung ương, Nhi đồng 2… may mắn được hợp tác với một bậc thầy tài danh, tận tâm trao truyền kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm… Những phụ huynh và bệnh nhi coi con dao mổ của bác sĩ như cây đũa thần có thể cứu chữa cuộc đời họ.

Riêng bác sĩ Roberto, ông lý giải sự may mắn của mình chân thật và giản dị: Tôi thấy mình may mắn được gặp những người bạn tuyệt vời trong Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” và tôi đã xem Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của mình. Khi làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam, tôi nhận thấy con người Việt Nam rất thân thiện, chủ động và luôn hào hứng học hỏi. Tôi nhìn thấy sự thay đổi trong cách làm việc của các đồng nghiệp Việt Nam sau mỗi lần trở lại.

Những năm trước khi còn công tác tại các bệnh viện công của Italia, bác sĩ Roberto phải tận dụng các kỳ nghỉ để sắp xếp lịch mổ cho những chuyến sang Việt Nam. Sau này được chủ động hơn về thời gian thì ông lại bận rộn thêm khi giữ vai trò kết nối, tổ chức những đợt phẫu thuật phối hợp bác sĩ hai bên.

Ông chia sẻ mình thật sự may mắn có một người vợ luôn ủng hộ những việc làm của chồng. “Công việc của cô ấy rất bận nên không thể thu xếp cùng chồng sang Việt Nam nhưng cô ấy hết lòng ủng hộ tôi và tích cực vận động nguồn quỹ cho chương trình này. Tôi ước sao làm được nhiều hơn, cùng chương trình giúp đỡ được nhiều trẻ em đang gặp khó khăn. Khi các bác sĩ Việt Nam đạt trình độ cao, công tác thăm khám, chữa trị cho trẻ em khuyết tật bộ phận sinh dục tốt hơn… lúc ấy tôi sẽ dành thời gian đưa vợ đi du lịch ngắm phong cảnh và trải nghiệm những hoạt động văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam”- bác sĩ Roberto vui vẻ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ