Có thâm niên 12 năm sống và làm việc tại Đức, Thạc sĩ, bác sĩ nha khoa Nguyễn Anh Ngọc cho biết, niềng răng đang là một trong những phương pháp chỉnh nha được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được thực hiện tại những phòng khám, cơ sở chuyên về răng có uy tín.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ nha khoa Nguyễn Anh Ngọc, trong quá trình làm việc của mình, ngoài việc thực hiện điều trị thẩm mỹ răng cho các bệnh nhân, anh cũng từng tiếp xúc và chữa trị cho rất nhiều những ca bệnh gặp biến chứng, tai nạn niềng răng "dở khóc dở cười".
Bác sĩ Ngọc nhớ trường hợp xảy ra cách đây 6 tháng của một bệnh nhân ở Hà Nội. Chị này đến cầu cứu bác sĩ giúp đỡ trong tình trạng toàn bộ răng xương hàm trên bị nhô ra ngoài.
“Đó là chị Nguyễn Thị M. (28 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bệnh nhân từng đến phòng khám của tôi để tư vấn làm răng. Tuy nhiên, khi nghe tư vấn của bác sĩ chỉ định phải thực hiện quá trình chỉnh răng, niềng răng trong khoảng 18 tháng chị cho rằng thời gian như vậy là quá lâu. Vì vậy, chị đã bỏ đi đến một phòng khám khác để thực hiện việc niềng răng trong thời gian chỉ 6 tháng. Không ngờ, sau 4 tháng làm răng tại cơ sở nào đó, chị ta buộc phải quay trở lại phòng khám này để điều trị vì toàn bộ xương hàm trên bị nhô ra ngoài”, vị bác sĩ nhớ lại.
Với trường hợp bệnh nhân này, chỉ định niềng răng từ 6 đến 8 tháng là sai lầm, trong khi đáng lẽ họ phải được niềng trong khoảng từ 18 - 24 tháng mới hoàn thành. Việc rút ngắn thời gian quá nhanh như vậy sẽ khiến kết quả chỉnh nha không được như ý dẫn đến sai lệch khớp cắn. Thậm chí có những trường hợp răng bị nhô hẳn ra ngoài xương ổ răng, lung lay răng và yếu răng.
Để điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Ngọc và các đồng nghiệp phải lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để điều trị, tránh để cho bệnh nhân tự ti, mặc cảm.
“Khi chỉnh nha cho bất cứ bệnh nhân nào chúng tôi đều yêu cầu kỹ thuật, chất lượng rất khắt khe. Để chỉnh nha trước hết chúng tôi phải chọn loại mắc cài nhập khẩu từ Mỹ và các nước đang phát triển khác. Ngoài ra chúng tôi còn trang bị cả máy chụp phim, thậm chí chụp 3D CT-Conbeam….
Một trường hợp khác cũng khiến bác sĩ Ngọc ấn tượng đó là một phụ nữ ở Hà Nội, chỉ vì để tiết kiệm tiền bạc, chị đã đến một cơ sở tư nhân gần nhà, quảng cáo có kỹ thuật chỉnh nha an toàn. Sau 8 tháng đeo niềng, răng đẹp đâu không thấy, chị chỉ thấy việc ăn uống khó khăn, chân răng hở tiêu xương và các răng xô vào nhau.
Nghĩ đây là quá trình răng đang chỉnh, sau đó sẽ ổn, nên bệnh nhân một mình chịu đựng. Thế nhưng, càng ngày, hàm răng của chị càng đau nhức. Đến khi không chịu nổi, chị mới đi khám lại và tá hoả khi bác sĩ Ngọc nói chị đeo phải loại niềng không đảm bảo chất lượng khiến răng lung lay như sắp rơi rụng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nha khoa Nguyễn Anh Ngọc đang điều trị cho một bệnh nhân gặp biến chứng về răng. |
"Tôi nhớ một bệnh nhân có hàm răng “mái hiên” từ nhỏ nhưng mãi đến 45 tuổi, được bổ nhiệm lên chức Phó giám đốc công ty, chị mới có điều kiện đi chỉnh nha. Đến đây, chúng tôi đã thực hiện việc chỉnh nha thành công và chị này rất hài lòng", bác sĩ Ngọc nói.
Bác sĩ nha khoa Anh Ngọc tâm sự, các sai lầm khi niềng răng thường gặp là do các bác sĩ thực hiện niềng vội vã, rút ngắn thời gian, chỉnh răng không đúng kỹ thuật hoặc sử sụng những mắc cài không đủ tiêu chuẩn, rẻ tiền, phòng khám không đủ tiêu chuẩn và trang thiết bị...
Vì thế, theo Thạc sĩ, bác sĩ nha khoa Nguyễn Anh Ngọc, khi thực hiện niềng răng hay chỉnh nha cần phải đến các cơ sở uy tín, có các trang thiết bị tốt, hiện đại và trình độ bác sĩ thực hiện phải cao.
Khi không may gặp biến chứng, trước hết bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ đã thực hiện quá trình chỉnh nha cho mình để tìm ra phương pháo an toàn, hiệu quả nhất cho quá trình điều trị. Đối với các bác sĩ chỉnh nha, phải có trách nhiệm đồng hành cùng bệnh nhân đến khi quá trình đó hoàn thành.