Ngày 11/7, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, vừa điều trị thành công cho nam bệnh nhân là bác sĩ ngoại khoa ở Indonesia, được chẩn đoán mắc ung thư trực tràng từ đầu năm 2024.
Theo bệnh nhân, trong quá trình tìm kiếm nơi điều trị, ông nhận được lời khuyên từ các đồng nghiệp Indonesia - từng là những bác sĩ tham gia đào tạo về phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tháng 2/2024, người bệnh cùng gia đình đến Việt Nam và nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh ở giai đoạn tiến triển.
Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, ông được đề nghị phác đồ điều trị phối hợp gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật - phác đồ tối ưu đang được áp dụng tại các trung tâm điều trị ung thư trên thế giới.
Quá trình chữa trị kéo dài hơn 4 tháng với hai giai đoạn điều trị.
Vì bệnh đã phát triển đến giai đoạn III với khối u lớn và nhiều hạch di căn trong mạc treo trực tràng, người bệnh được điều trị hóa xạ trị phối hợp để giảm kích thước khối u và kiểm soát tình trạng bệnh.
Phương pháp này được gọi là điều trị tân hỗ trợ nhằm giảm tái phát tại chỗ và tăng khả năng phẫu thuật thành công.
Kết quả, khối u đáp ứng tốt và giảm 2/3 kích thước so với trước kia.
Người bệnh được hội chẩn lần hai và đánh giá phù hợp cho bước điều trị tiếp theo: phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ mạc treo trực tràng (TME) và nạo hạch triệt căn.
Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng, các bác sĩ thành công cắt bỏ khối u và mạc treo ruột tương ứng cũng như các hạch bạch huyết được cắt bỏ trọn khối.
Người bệnh được áp dụng phương pháp phục hồi sớm sau mổ (ERAS) nên có thể ăn uống lại ngay sau phẫu thuật.
5 ngày sau, bệnh nhân đi lại, sinh hoạt bình thường và xuất viện.
PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Thịnh, bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh cho biết, ung thư đại trực tràng rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới, có thể chữa trị thành công nếu phát hiện sớm.
Trường hợp bác sĩ Andi là một ca phẫu thuật khó. Trước đây, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ hậu môn và mang hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
"Hiện nay, với phẫu thuật nội soi và điều trị đa mô thức, chúng tôi đã thực hiện an toàn phẫu thuật triệt căn và tái lập lại lưu thông đường tiêu hoá, người bệnh vẫn đi ngoài qua đường tự nhiên sau phẫu thuật và phục hồi sau mổ rất nhanh", bác sĩ Thịnh nói.
Người bệnh Andi chia sẻ, mặc dù nhận nhiều lời khuyên từ đồng nghiệp, ông vẫn lo lắng về di chuyển, rào cản ngôn ngữ, văn hóa, chi phí và chuyên môn khi quyết định điều trị tại Việt Nam.
"Sau quá trình điều trị hơn 4 tháng, tôi cảm thấy quyết định của mình đúng đắn", ông nói.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mỗi năm có hơn 800 trường hợp ung thư đại trực tràng được chẩn đoán và điều trị, với tỷ lệ sống sau 5 năm đối với ung thư giai đoạn III lên tới 70%.
Bệnh viện hiện là trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi đại trực tràng cho các bác sĩ trong và ngoài nước. Theo thống kê trong hơn 15 năm qua, có 763 bác sĩ từ các nước như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Singapore, Thái Lan... đến tham dự các khoá đào tạo về phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.