Trong đó, nhiều người là nạn nhân của các “bác sĩ ma”.
Nạn nhân xấu số
Sáng 9/9/2016, Kwon Tae-hoon (Seoul) nhận được một cuộc gọi từ bệnh viện. Người gọi cho biết, em trai anh là Kwon Dae-hee (24 tuổi) đang phải nằm trong phòng cấp cứu. Tae-hoon tức tốc ra ngoài đường, bắt taxi. Anh đoán chắc là vào đêm hôm trước, Dae-hee đã say rượu đánh nhau nên định bụng sẽ mắng cho một trận.
Khi Tae-hoon đến bệnh viện, Dae-hee đã rơi vào bất tỉnh. Bác sĩ cho biết, Dae-hee chỉ trải qua một cuộc phẫu thuật gọt cằm vào chiều ngày 8/9. Đây là tiểu phẫu phổ biến ở Hàn Quốc, được thực hiện với giá 6,5 triệu won (khoảng 133 triệu đồng).
Dae-hee là một thanh niên ấm áp, tốt bụng nhưng tự ti về ngoại hình. Anh luôn ước ao có được khuôn mặt cằm chữ V như các thần tượng K-pop. Bất chấp mẹ và anh trai khuyên ngăn, Dae-hee bí mật đăng ký phẫu thuật chỉnh hình tại một phòng phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng ở khu phố Gangnam.
Cuộc phẫu thuật của Dae-hee được bắt đầu vào buổi trưa, với 1 bác sĩ chính và 3 y tá trợ lý. Sau khoảng 1 giờ, bác sĩ dừng gọt xương hàm cho Dae-hee và bỏ ra ngoài. Thay vì ông ta, 2 bác sĩ khác đã vào tiếp tục ca phẫu thuật. Họ là sinh viên y khoa mới tốt nghiệp, không có bằng cấp chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Tại Hàn Quốc, phẫu thuật thẩm mỹ là ngành nghề trị giá 10,7 tỷ USD. Chỉ tính riêng ở thủ đô Seoul, số bệnh viện thẩm mỹ đã lên đến 561. Luật pháp Hàn Quốc quy định, các bác sĩ phải có bằng cấp chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình mới được phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Người vi phạm quy định bị phạt tối thiểu 50 triệu won (khoảng 1 tỷ đồng) và tối đa 5 năm tù giam.
Bình thường, một ca phẫu thuật gọt cằm chỉ mất nhiều nhất 1,5 tiếng. Thế nhưng, đến hơn 4 giờ chiều, ca của Dae-hee mới xong. Anh bị chảy máu trầm trọng, song 2 bác sĩ vẫn ra về, để 3 y tá lại túc trực.
9 giờ sáng ngày 9/9, bác sĩ chính mới chuyển Dae-hee đến bệnh viện và gọi điện cho người nhà. Ông ta khẳng định ca phẫu thuật rất an toàn, tự tin cung cấp CCTV ghi hình.
Dae-hee không tỉnh lại. 7 tuần sau, anh qua đời trên giường bệnh viện. Nguyên nhân tử vong là do mất máu quá nhiều.
Thiếu minh bạch
Tất cả các bệnh viện thẩm mỹ tư ở Hàn Quốc đều quảng cáo, toàn bộ quy trình sẽ do bác sĩ có chuyên khoa, uy tín, tay nghề thực hiện. Song thực tế, đối với các ca phẫu thuật đơn giản, họ có xu hướng lạm dụng “bác sĩ ma”.
Phần lớn bác sĩ ma cũng là người hoạt động trong nghề y, ví dụ như nha sĩ, y tá… “Với các bệnh viện thẩm mỹ, bác sĩ ma là giải pháp tối đa hóa lợi nhuận” - Phó Giáo sư Jo Elfving-Hwang (Hàn Quốc) giải thích - “Vì lượng khách quá đông và ưu tiên khách VIP, bác sĩ chính không thể ôm đồm hết.
Thuê đồng nghiệp thì tốn kém, nên họ bất chấp dùng những người mới ra trường như ở trường hợp của Dae-hee, hoặc ngoại khoa giá rẻ”.
Khách phẫu thuật không hề biết bác sĩ thực hiện cho mình là ai. Các bệnh viện cũng không lắp camera (vì không bắt buộc), nên rất khó phát hiện có sự thay đổi người giữa chừng. Bản thân người phẫu thuật cũng không muốn để lộ đã từng đi chỉnh hình.
Nếu có xảy ra tai nạn hoặc tác dụng phụ, họ thường “giải quyết riêng” ở bên ngoài tòa án. Bệnh viện sẽ bồi thường cao, kèm theo yêu cầu giữ bí mật. Vì thế, không thể xác nhận có bao nhiêu bác sĩ ma hay bao nhiêu người đã gặp “tai nạn làm đẹp”.
Dù vậy, vào đầu năm nay, Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc vẫn có một báo cáo về rủi ro phẫu thuật thẩm mỹ. Họ cho biết từ năm 2016 - 2020, toàn quốc có tổng cộng 226 trường hợp bị thương, tác dụng phụ và tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ.
Góc tối y đức
Sau cái chết của Dae-hee, một nhóm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã đề xuất quy định mới: Lắp camera bắt buộc. Họ gửi yêu cầu này lên Bộ Y tế và Phúc lợi, đồng thời đề nghị nâng cao mức phạt đối với bác sĩ ma và người sử dụng bác sĩ ma.
Bộ Y tế và Phúc lợi đồng ý một phần, áp dụng tổng cộng 28 biện pháp xử phạt. Có điều từ năm 2015 - 2019, chỉ có 5 người bị tước giấy phép hành nghề vì tội bác sĩ ma. Theo báo cáo từ văn phòng của đại biểu Quốc hội Kwon Chil-seung, có 1 bác sĩ phẫu thuật chỉ bị phạt đình chỉ hành nghề 3 tháng, dù đã để y tá thay thế thực hiện trên 90 cuộc phẫu thuật nâng mũi và cắt mí mắt; 1 người nữa cũng chỉ bị phạt mức tương tự, dù đã để nhân viên công ty thiết bị y tế thay thế thực hiện 58 ca phẫu thuật đĩa đệm cột sống.
“Tôi thường bị giao cho công việc thực hiện phẫu thuật chỉnh hình thay cho bác sĩ chính” - một cựu bác sĩ ma giấu tên thừa nhận - “Ở nơi mà tôi từng làm việc, có một tầng hầm dành riêng cho các bác sĩ ma.
Mọi người ngồi ở trong đó, chờ gọi đến tên thì vào phòng phẫu thuật. Chúng tôi không được liệt kê trong danh sách các nhân viên của bệnh viện. Trên các giấy tờ thủ tục, người đã tiến hành phẫu thuật cũng luôn là bác sĩ chính”.
“Hầu hết những người gặp phải “tai nạn làm đẹp” đều từ bỏ kiện tụng, vì rất khó để lấy được bằng chứng và kết tội kẻ thực hiện” - Na Geum khẳng định - “Các bệnh viện cũng trắng trợn thách thức cứ việc kiện đi, vì không dễ xác nhận bác sĩ ma.
Trong suốt thời gian tìm công lý cho đứa con trai đã mất, tôi đã gặp không ít nạn nhân, nhưng ai cũng bảo hãy từ bỏ đi”.
Na Geum kiên quyết theo đuổi vụ kiện, đấu tranh đòi hiện thực hóa dự luật “Kwon Dae-hee bill” (bắt buộc lắp camera trong phòng phẫu thuật thẩm mỹ). Bà cùng chồng nghỉ hưu sớm, ngày ngày ôm biển biểu tình đứng trước tòa Quốc hội.
Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc phản đối Kwon Dae-hee bill quyết liệt. Họ tuyên bố, dự luật này “xói mòn lòng tin” và “ảnh hưởng đến chất lượng công việc”.
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (Korean Medical Association) cũng không đồng tình, tuyên bố lắp camera là vi phạm quyền riêng tư và khiến các bác sĩ mất tập trung.
“Nếu không có camera, tôi đã không thể xác thực nguyên nhân cái chết của con mình và tố cáo những kẻ lang băm thất đức”, Na Geum kiên quyết.
Tháng 5/2019, gia đình bà được tòa án xử thắng kiện, bồi thường 430 triệu won (tương đương 8,8 tỷ đồng). Có 3 bác sĩ bị kết án ngộ sát, 2 bác sĩ và 1 trợ lý phải đối mặt với tội danh hành nghề không giấy phép.
Nỗ lực của Na Geum cũng được nhiều người quan tâm và ủng hộ. Dr Vendetta, cựu luật sư Hàn Quốc đã thu thập được hơn 50.000 chữ ký, gây áp lực lên Nhà Xanh.
Nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc cũng bày tỏ thái độ đồng tình, yêu cầu “minh bạch phòng phẫu thuật thẩm mỹ”, để “ngăn ngừa bác sĩ ma”, “phát hiện sơ suất nghề nghiệp” và cả “tấn công tình dục sau gây mê”.