Bác sĩ đi chống dịch không thể về khi cha bị nhồi máu cơ tim

GD&TĐ - Bệnh viện Chợ Rẫy vừa tiếp nhận trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân là cha của một bác sĩ tại bệnh viện, đang ngày đêm hỗ trợ Quảng Nam chống dịch.

Bác sĩ Đại không thể về khi cha bị nhồi máu cơ tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bác sĩ Đại không thể về khi cha bị nhồi máu cơ tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân H.V.H (65 tuổi)- cha của bác sĩ CKII Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, đã đột ngột lên cơn nhồi máu cơ tim. Bác sĩ Đại là đội trưởng đội phản ứng nhanh số 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy và đang ngày đêm hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận trường hợp đặc biệt này, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, hội chẩn và can thiệp mạch vành cho bệnh nhân, hạn chế tối đa nguy cơ do bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp gây nên.

Bác sĩ CK1 Trần Anh Thế - Trưởng tua trực Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ: “Chúng tôi đặt mình vào vị trí của bác sĩ Đại, người đang thay mình làm việc tại tiền tuyến - nơi nguy cơ phơi nhiễm Covid-19 có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người thân của bác sĩ Đại cũng như người thân của mình. Chúng tôi nghĩ mình cần cố gắng làm những gì tốt nhất, trọn vẹn nhất để đồng nghiệp của mình an tâm làm việc”.

TS.BS Nguyễn Thượng Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy, chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim giờ thứ 7 do tắc mạch máu nhỏ. “Nếu nhập viện chậm trễ, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái chậm nhịp, rối loạn nhịp, thậm chí có thể tử vong khi không cấp cứu, điều trị kịp thời”.

Chia sẻ với các đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy qua điện thoại, bác sĩ Đại xúc động gửi lời cảm ơn đến Ban Giám đốc Bệnh viện cùng đồng nghiệp ở hậu phương đã thay anh chăm sóc cha trong tình huống khẩn cấp.

Bác sĩ Đại cho biết: "Có đồng nghiệp quan tâm chăm sóc cha rồi, tôi sẽ yên tâm ở lại tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19".
Tới nay, bác sĩ Đại cùng các đồng nghiệp đã tới chi viện Quảng Nam gần 20 ngày. 

Từ vùng tâm dịch, anh chia sẻ: "Ở đầu chiến tuyến, chúng tôi đối diện với nhiều áp lực về điều trị, nguy cơ lây nhiễm, nhưng mọi người luôn động viên cùng nhau lạc quan, vui vẻ và quyết tâm đồng sức, đồng lòng để cứu sống bệnh nhân, giúp cả nước sớm vượt qua đại dịch".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ