Thấp còi do đâu?
Khoa học đã chứng minh chiều cao của một người chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: Dinh dưỡng (32%), môi trường sống, bệnh tật, giấc ngủ (25%), di truyền (23%) và luyện tập thể thao (20%).
Như vậy, gen di truyền chỉ quyết định một phần nhỏ là 23% chiều cao của một người. Còn lại, chiều cao của trẻ có thể được cải thiện ngoài di truyền như dinh dưỡng, giấc ngủ và tập luyện thể thao để giúp con cao lớn.
Tuy nhiên cũng có nhiều trẻ mặc dù được thực hiện chế độ dinh dưỡng, nhưng cơ thể vẫn thấp còi không được như mong muốn.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày các bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết - Chuyển Hóa - Di truyền tiếp nhận từ 30-50 trường hợp bệnh nhi được gia đình đưa đến khám do chậm tăng trưởng chiều cao.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp,thiếu hóc môn tăng trưởngtrong đó thiếu hóc môn tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng, tỉ lệ mắc bệnh khoảng 1/4000 – 1/10.000 trẻ.
Bé gái Nguyễn L.A (17 tháng tuổi, Hà Nội) lúc đến khám chiều cao đo được là 59 cm (thông thường chiều cao của trẻ ở độ tuổi này là 74 -86 cm), dưới -7.6 SD (trẻ bình thường theo tiêu chuẩn chiều cao nằm trong khoảng -2SD đến 2SD).
Qua thăm khám và xét nghiệm cháu được chẩn đoán thiếu hóc môn tăng trưởng và bắt đầu điều trị hóc môn tăng trưởng lúc 19 tháng tuổi.
Bé trai Trần Văn M (6 tuổi, 3 tháng, Hải Phòng) đến khám với chiều cao 94 cm (chiều cao bình thường là 117 – 127 cm), dưới -4,7SD (trẻ bình thường từ -2SD đến 2SD). Đây cũng là trường hợp trẻ bị thiếu hóc môn tăng trưởng.
Phương pháp điều trị hóc môn tăng trưởng
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội Tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Hóc môn tăng trưởng là hóc môn cần thiết để giúp cơ thể trẻ phát triển chiều cao. Ngoài ra, hóc môn tăng trưởng còn là hóc môn giúp chuyển hoá làm giảm khối mỡ, tăng khối cơ trong cơ thể.
Trẻ em thiếu hóc môn tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch. Nếu trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hóc môn tăng trưởng nhưng không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành.
Việc điều trị hóc môn tăng trưởng cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao tại Bệnh viện Nhi Trung ương được tiến hành từ năm 2005. Cho tới nay đã có trên 900 trẻ đang điều trị hóc môn tăng trưởng tại Bệnh viện với các nhóm bệnh do thiếu hóc môn tăng trưởng, Turner, Prader Willi, chậm tăng trưởng so với tuổi thai.
Kết quả điều trị của các bệnh nhân thiếu hóc môn tăng trưởng cho kết quả rất tốt: năm đầu trẻ tăng trung bình 10 -12 cm, năm thứ 2 tăng trung bình 7 – 9 cm, các năm sau đó tăng trung bình 6 cm.
Cụ thể với trường hợp của bệnh nhi L.A đã có sự thay đổi đáng ngạc nhiên: Năm đầu tiên trẻ tăng được 14 cm, năm thứ 2 trẻ tăng 10 cm, năm thứ 3 tăng 13 cm và năm thứ 4 tăng 6 cm. Hiện trẻ 5 tuổi 8 tháng và cao 101 cm, -2,1SD so với bảng tăng trưởng chiều cao của tổ chức y tế thế giới.
Bé trai Trần Văn M cũng có kết quả khả quan: năm thứ nhất trẻ tăng 14 cm, năm thứ 2 tăng 10 cm, năm thứ 3 tăng 7,5 cm, năm thứ 4 tăng 6 cm, năm thứ 5 tăng 6,5 cm. Hiện tại trẻ 11 tuổi 4 tháng và cao 139 cm, -0,8 SD so với bảng tăng trưởng chiều cao của tổ chức y tế thế giới.
Theo bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, việc theo dõi chiều cao của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng của các bố mẹ là rất cấn thiết. Nó giúp bố mẹ biết được chiều cao và tăng trưởng của con có bình thường hay không.
Với trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng, càng điều trị sớm, trẻ có thể bắt kịp tăng trưởng của trẻ bình thường. Trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ.
Bất kỳ thời điểm nào thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường và tốc độ tăng trưởng chậm thì gia đình nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết Nhi để xác định chẩn đoán và nguyên nhân.
Cần điều trị đúng thời điểm, đúng liều, tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng có chiều cao trung bình chỉ từ 135 – 145 cm.