Những ngày cuối đời, người đẹp đoạt giải Hoa hậu Đại sứ Nhân ái Bến Tre trong cuộc thi Hoa hậu Đại sứ Nhân ái 2020 có nhiều status tâm trạng, nhiều trạng thái buồn bã, chán nản trên trang cá nhân khiến bạn bè lo lắng.
PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103) thông tin trên báo SKĐS, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến nhất, theo nhà tâm thần học Sadock B.J. (năm 2015), tỷ lệ trầm cảm trong toàn bộ cuộc đời chung cho cả hai giới là từ 15-25% dân số.
Đây là một con số rất lớn, nghĩa là cứ 4 - 6 người thì sẽ có 1 người bị trầm cảm. Nữ giới có tỷ lệ trầm cảm cao hơn nam giới 2 lần, cứ 3 bệnh nhân trầm cảm thì có 1 người là nam, 2 là nữ.
Tỷ lệ trầm cảm không phụ thuộc vào trình độ văn hóa, tôn giáo, điều kiện sống, dân tộc, vùng địa lý... Nước nào có dân số càng đông thì số bệnh nhân trầm cảm càng cao. Do đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ là 3 quốc gia có số bệnh nhân trầm cảm nhiều nhất thế giới.
Trầm cảm bao gồm trầm cảm nội sinh (không do nguyên nhân bên ngoài), trầm cảm do một bệnh thực tổn (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, viêm gan, loét dạ dày, tá tràng...) và trầm cảm do một chất (ma túy, rượu, thuốc chống ung thư, corticoid...).
Còn theo BS Nguyễn Văn Dũng, hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân cơ chế sinh học gây ra trầm cảm. Những triệu chứng của trầm cảm thường là khí sắc trầm, buồn bã.
Người bị trầm cảm hay chán ăn dẫn đến bỏ ăn, thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, ít nói, sụt cân... Ở người bình thường, nếu xuất hiện những triệu chứng này kéo dài trên hai tuần thì đã bị trầm cảm.
Những người có biến cố hay xung đột trong gia đình, chấn thương về não, người bị bệnh lý mạn tính phải điều trị lâu dài dẫn đến lo âu, mất ngủ, chán ăn... cũng rất dễ rơi vào trầm cảm.
Điều nguy hiểm là người bị trầm cảm nếu không được điều trị sớm, điều trị tốt sẽ dẫn đến sa sút tinh thần nghiêm trọng, chán ghét cuộc sống và tìm đến cái chết.
Trầm cảm và những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ly chia sẻ trên medlatec, bệnh trầm cảm nếu không được điều trị sớm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người bệnh:
Xu hướng tự làm hại: Ở mức độ nghiêm trọng của bệnh, người bị trầm cảm có xu hướng muốn tự làm hại mình và người khác vì suy nghĩ tiêu cực trong họ có chiều hướng gia tăng. Chính cảm xúc tiêu cực ấy thôi thúc họ tự gây thương tích, làm đau mình hoặc thậm chí còn muốn tự sát để kết thúc tất cả và giải thoát cho mình.
Tập trung tinh thần kém: Do bị trầm cảm nên khả năng tập trung của người bệnh bị suy giảm từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, học tập và làm việc. Người bệnh thường dễ quên, khó tập trung, thậm chí còn mất trí tuệ hoặc tăng nguy cơ mắc Alzheimer từ giai đoạn sớm.
Mất ngủ và đau đầu: Có tới 50% người bị trầm cảm khi gặp bác sĩ thường nói rằng họ cảm thấy đau nửa đầu dữ dội và tình trạng này kéo dài khiến cho giấc ngủ đến với họ rất khó khăn.
Tiểu đường: Người bị trầm cảm có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 nếu đã có tiền sử với bệnh lý này từ trước đó. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do bệnh trầm cảm làm thay đổi thói quen ăn uống của họ, khiến họ ăn ngọt nhiều hơn, khó kiểm soát được khẩu phần ăn và thành phần dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày.
Mặt khác, vì cảm xúc của họ luôn ở trạng thái tiêu cực nên họ có xu hướng ăn nhiều để giải tỏa.
Ham muốn tình dục suy giảm: Nam giới mắc bệnh lý này dễ bị yếu sinh lý, rối loạn chức năng cương dương; phụ nữ dễ bị khô âm đạo nên đau rát khi quan hệ. Vì thế, trầm cảm kéo dài khiến người bệnh suy giảm ham muốn tình dục từ đó hạnh phúc gia đình rất dễ bị đe dọa.
Lạm dụng chất gây nghiện: Người trầm cảm rất dễ bị kích thích bởi chất gây nghiện như thuốc lá, bia, rượu và có khi là ma túy nữa. Đây là những chất khiến tinh thần của họ trở nên hưng phấn, thoải mái vì thế họ dễ lạm dụng.
Sử dụng những chất này sẽ khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn và nó cũng có xu hướng khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Quan hệ xã hội bị thu hẹp: Người bị trầm cảm thường có xu hướng thu mình lại, thích ở những nơi tối tăm và ở một mình. Điều này khiến cho bản thân họ tự cô lập mình và tự làm đổ vỡ những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh.
Bệnh tim: Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh tim và trầm cảm có sự liên kết với nhau. Bệnh trầm cảm có xu hướng làm trầm trọng hơn bệnh tim. Điều này được giải thích bởi sự chán nản do trầm cảm khiến cơ tim bị thiếu oxy nên dễ co thắt gây đau đớn, viêm cơ tim. Nặng hơn nữa, nó còn gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Ung thư: Bệnh trầm cảm có khả năng tác động tới hệ thống miễn dịch và làm bệnh ung thư trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy khối u ở những người ung thư mắc trầm cảm có xu hướng phát triển rất nhanh.