5 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Hà Nội

GD&TĐ - Tại Hà Nội, từ hôm nay ngày 25/3, 5 đoàn kiểm tra về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Sở Y tế TP Hà Nội chủ trì sẽ triển khai trên địa bàn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế cho biết, từ ngày 24 đến 28/3, Bộ Y tế sẽ tổ chức Ðoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch (PCD) và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh.

Theo đó, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, PCD Covid-19, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2, giấy khai báo y tế...);

Việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng; bảo đảm việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng…

Tại Hà Nội, từ ngày 25/3, năm đoàn kiểm tra về công tác PCD do Sở Y tế TP Hà Nội chủ trì sẽ triển khai trên địa bàn. Từ 0 giờ ngày 23/3, thành phố cho phép các quán bar, karaoke, vũ trường hoạt động trở lại, nhưng phải bảo đảm PCD, khai báo y tế bằng mã QR Code.

Chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động. Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Ðào tạo có kế hoạch lùi thời gian tuyển sinh lớp 10 và tuyển sinh đầu cấp phù hợp kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.

Về vắc xin ngừa COVID-19, ngày 24/3, Bộ Y tế thông tin cho biết, COVAX Facility cho hay dự kiến, lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của COVAX Facility bao gồm khoảng 811.200 liều sẽ được giao cho Việt Nam trong 3 tuần tới.

Dự kiến, đến cuối tháng 3/2021, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho các tỉnh, thành phố còn lại để sẵn sàng triển khai tiêm khi đợt vắc-xin Covid-19 tiếp theo về đến nước ta thời gian tới.

Về vắc xin, tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo hôm 22/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học, vi-rút SARS-CoV-2 có thể có những biến đổi và tồn tại một số năm nữa. Do đó, nhiều khả năng các vắc-xin phòng Covid-19 đều phải tiêm nhắc lại, không chỉ tiêm một đợt hay một năm.

Với hơn 100 triệu người dân, Việt Nam phải có giải pháp để sản xuất vắc-xin trong nước, không chỉ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà còn chuẩn bị để ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Việc phát triển thành công vắc-xin trong nước cũng khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế Việt Nam.

Cũng tại cuộc họp, trước thông tin các công ty được nhập vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam để tiêm, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan làm đầu mối tổ chức việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ vắc-xin; chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19. Hiện nay, các nhà sản xuất

Vắc-xin phòng Covid-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế.

Ðối với những vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam, chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc- xin mới được nhập khẩu.

Việc tiêm vắc-xin phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần đã được Nghị quyết 21/NQ-CP nêu ra. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ