Liên quan đến thực trạng này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, chính việc tích trữ đồ ăn sẽ là căn nguyên dẫn đến bệnh tật, thế nhưng nhưng nhiều người Việt vẫn chưa thể từ bỏ.
Mua rất nhiều đồ ăn, cả tươi sống và đồ khô đem về tích trữ trong tủ lạnh
Đó là tâm lý tồn tại trong con người Việt từ nhiều năm nay. Số đông quan niệm, Tết đến trong nhà càng nhiều đồ ăn, thực phẩm, bánh trái sẽ thể hiện một cái Tết sung túc, đầy đủ.
Xuất phát từ suy nghĩ đó nên nhà nào cũng cố tích trữ thực phẩm. Các loại đồ khô như hướng dương, hạt điều, nước ngọt, rượu bia… lại càng không.
Bà nội trợ T.T.L (Cầu Giấy – Hà Nội) cho hay: "Cả năm lao động mệt nhọc, được mấy ngày Tết phải ăn uống no nê, năm nào cũng vậy, Tết là dịp tôi mua sắm rất nhiều đồ ăn, cả tươi sống và đồ khô đem về tích trữ trong tủ lạnh. Nhiều khi cứ lo Tết các hàng quán không mở cửa bán nên tích trữ được vẫn là tốt nhất".
Chưa kể thực phẩm ở quê nhà gửi lên làm quà ngày Tết cũng được các mẹ tống vào tủ lạnh chật cứng. Thức ăn tươi sống hay chín đều được chất lẫn lộn vào các ngăn tủ. Khiến tình trạng tủ bếp “bội thực” đồ ăn.
Tủ lạnh của nhiều gia đình trong mỗi dịp Tết luôn trong tình trạng “báo động”, thậm chí “không thở nổi” vì thức ăn sống - chín để chen chúc lẫn lộn.
Không chỉ chị L. có cùng suy nghĩ như vậy, chị M.P (Lê Đức Thọ - Nam Từ Liêm – Hà Nội) cũng chia sẻ: “Lễ Tết ai cũng nghỉ kinh doanh, nếu không có đồ ăn sẵn trong nhà, đến lúc cần lại rất khó để có. Gia đình tôi cũng không tích trữ gì nhiều, chỉ đủ đồ ăn cho năm ba ngày Tết, vì ngoài mùng 4 là họ đã mở cửa trở lại.
Thấy nhiều người cho rằng tích đồ ăn như vậy không tốt nhưng tôi nghĩ tủ lạnh sạch sẽ, vẫn dùng để chứa thực phẩm thì chẳng có lý do gì để bảo nó có hại cả”.
Chuyên gia cảnh khuyên bỏ thói quen tích trữ thực phẩm
Liên quan đến chủ đề này, ThS.BS. Lê Thị Hải – Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: “Các bà nội trợ nên bỏ thói quen dự trữ, tích trữ thực phẩm vào ngày Tết. Tủ lạnh cũng chỉ là thiết bị dùng để hạn chế đồ bị hỏng, chứ không thể giữ được độ tươi ngon như thực phẩm mới được.
Hơn nữa, việc bảo quản đồ ăn sống chín lẫn lộn, tủ lạnh để quá chật chội, không có không khí để lưu thông, lúc đó tủ lạnh lại trở thành ổ vi khuẩn, chính điều đó là căn nguyên khiến thực phẩm bị giảm chất lượng, thậm chí hỏng nên khi ăn vào bị đau bụng.
ThS.BS. Lê Thị Hải – Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Chuyên gia dinh dưỡng này nhấn mạnh, việc vệ sinh sạch sẽ tủ lạnh là vô cùng quan trọng. Nên chia nhỏ thực phẩm thành từng bữa, cho vào bao, túi sạch sẽ và lấy dần ra để nấu, việc để riêng đồ sống, đồ chin phải thực sự chú ý.
“Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không mắc bệnh, nhất là các bệnh tiêu hóa trong dịp tết, các bà nội trợ không nên nấu đi nấu lại thức ăn từ ngày này sang ngày khác. Nên bổ sung thực đơn nhiều rau xanh, quả chín, tránh tình trạng ăn quá nhiều thịt, các chất chứa nhiều đạm, tinh bột”, BS. Hải lưu ý.
Cùng bàn luận về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán thường hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Vì thế, thực phẩm bảo quản không tốt rất dễ bị nấm mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng.
Bánh chưng, các loại hạt đều có thể bị mốc và khi mốc có độc tố aflatoxin thì rất nguy hiểm. Trong khi đó ở miền Nam, thời tiết nóng, các loại thực phẩm có nhiều đạm như thịt, cá dễ bị ôi thiu.
Các bác sĩ tiêu hóa cũng khuyến cáo, chế độ dinh dưỡng ngày Tết vô cùng quan trọng, tránh ăn nhiều đồ ngọt, bia rượu, tránh ăn nhiều thịt để không bị táo bón, rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc.