Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc
Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Quyết định phê chuẩn việc tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Thị xã Bắc Ninh trở thành thị xã tỉnh lỵ. Tỉnh Bắc Ninh có diện tích là 822,7km2 gồm 5 huyện và 1 thị xã, với 123 xã, phường, thị trấn.
Đến nay, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn và 6 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài; với 126 xã, phường, thị trấn.
Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh phát triển từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế -xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trong đó, 10/15 chỉ tiêu quốc gia đánh giá xếp hạng tốp 10 và 5/15 chỉ tiêu đứng thứ nhất.
Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 -2021 đạt 13,9%/năm; GRDP (theo giá so sánh) năm 2021 đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước, tăng 6,9% so với năm 2020, đứng thứ 13 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2021: Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 77,3%; dịch vụ 16,1%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 2,7%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,9% (Cơ cấu cùng kỳ năm 1997 là: 23,8% - 31,2% - 45%).
Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Bắc Ninh thành lập 16 khu công nghiệp tập trung, với diện tích 6.398 ha. Năm 2021, GTSX công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1000 lần năm 1997, đứng thứ nhất cả nước. Kinh tế đối ngoại phát triển, với 1.717 dự án, tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh 21,2 tỷ USD, gấp 151 lần năm 1997, đứng thứ 7 cả nước… với nhiều tập đoàn kinh tế lớn, như: Samsung, Canon, Pepsico, Amkor, ABB…
Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển; năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng lớn do dịch, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 61,9 nghìn tỷ đồng, gấp 65 lần năm 1997; xuất khẩu có bước đột phá, năm 2021 đạt 45,2 tỷ USD, chiếm 13,5% cả nước, đứng thứ nhất cả nước.
Bắc Ninh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất trồng trọt trên 01 ha đất canh tác năm 2021 đạt 107,8 triệu đồng, tăng 90,6 triệu đồng so với năm 1997; Bắc Ninh là 1 trong 14 tỉnh được công nhận tỉnh nông thôn mới.
Công tác quy hoạch được quan tâm chỉ đạo xây dựng theo hướng đồng bộ, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa gắn với mục tiêu xây dựng Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, toàn tỉnh có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V.
Tập trung cao các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đa dạng hóa nguồn vốn và hình thức đầu tư; chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; quan tâm phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, hạ tầng điện, viễn thông, hạ tầng nông thôn,... gắn với sinh thái, môi trường bền vững. Tổng vốn đầu tư phát triển trong 25 năm ước đạt 770 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4% GRDP.
Bắc Ninh là tỉnh tự cân đối thu - chi ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc.
Nhóm 10 tỉnh có phong trào giáo dục dẫn đầu cả nước
Văn hóa, thể thao và du lịch được chú trọng, phát triển toàn diện, mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc; thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Quan họ và có nhiều chính sách hỗ trợ các nghệ nhân.
Hoạt động thể dục - thể thao quần chúng ngày càng phát triển; từ xếp nhóm cuối toàn quốc, đã vươn lên nhóm trung bình khá trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có một số vận động viên đã giành được HCV Đông Nam Á, giải trẻ châu Á và thế giới.
Chất lượng và quy mô giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới, nâng lên; luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh có phong trào giáo dục phát triển mạnh dẫn đầu cả nước.
Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng hiện đại, là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt tỷ lệ 100% kiên cố hóa phòng học; trường công lập đạt chuẩn quốc gia và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 18,1% năm 1997 lên 76% năm 2021, đứng thứ 5 toàn quốc. Triển khai “Chương trình Sữa học đường” cho 100% trường mầm non, tiểu học trên phạm vi toàn tỉnh.
Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; thực hiện tốt công tác y tế dự phòng; nhiều tiến bộ, công nghệ và kỹ thuật trong y học được ứng dụng. Năm 2018, 100% cấp xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; tỷ lệ trạm Y tế chuẩn quốc gia đứng thứ nhất cả nước;.
Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm, cải thiện đời sống nhân dân; có một số chính sách được thực hiện ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương. Thu nhập bình quân 1 nhân khẩu năm 2021 đạt gần 5,9 triệu đồng/tháng, gấp 24,7 lần năm 1997; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 1997 10,35%, đến năm 2021 giảm còn 1,15%.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nâng tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trước hạn trên 95%. Năm 2020, chỉ số PAPI vượt lên đứng thứ 4/63 (tăng 46 bậc); chỉ số SIPAS đứng thứ 9/63 (tăng 7 bậc); chỉ số PAR Index tăng 3,1%, đứng thứ 17/63 (tăng 1 bậc); chỉ số DTI đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều đổi mới, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được mở rộng.
Quốc phòng, an ninh giữ vững, mở rộng đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường; tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư của 38 quốc gia, vùng lãnh thổ vào địa bàn Bắc Ninh.
Phấn đấu là thành phố công nghiệp công nghệ cao
Về phương hướng và mục tiêu chung, Bắc Ninh phấn đấu giai đoạn 2020 -2025: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc.
Khai thác có hiệu quả tiềm năng, cơ hội mới; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính; tăng cường quản lý phát triển xã hội, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực; tiếp tục thu hút, phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đô thị, phát triển toàn diện văn hóa -xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.
Giữ vững quốc phòng -an ninh; tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh liên kết vùng. Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
Định hướng đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.