Bắc Ninh tổ chức thi đọc viết nhanh chữ Braille lần thứ II

GD&TĐ - Sáng 16/9, Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công ty Samsung Display Việt Nam tổ chức Hội thi đọc, viết nhanh chữ Braille lần thứ II, năm 2021 cho cán bộ, hội viên người khiếm thị, người mù trong tỉnh.

Trao giải cho thí sinh đạt giải tại Hội thi.
Trao giải cho thí sinh đạt giải tại Hội thi.

Hội thi có sự tham gia 26 thí sinh là cán bộ, hội viên đang làm việc và sinh hoạt tại Hội Người mù các huyện, thị xã, thành phố; hội viên trẻ, học sinh, sinh viên là người mù ở Bắc Ninh đang theo học các cấp học trong và ngoài tỉnh.
 
Các thí sinh dự thi theo 3 bảng: Bảng cán bộ có 9 thí sinh và Bảng hội viên có 11 thí sinh sẽ cùng tham gia thi đọc, viết nhanh chữ Braille bằng tiếng Việt. Riêng bảng đọc, viết nhanh chữ Braille bằng tiếng Anh có 6 thí sinh.
 
Với thời gian 5 phút cho mỗi phần thi đọc và viết nhanh bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, Ban tổ chức sẽ lựa chọn một trang sách, trang báo, đoạn hội thoại để các thí sinh tham gia phần thi đọc; lựa chọn một đoạn văn, câu thơ, ca dao tục ngữ cho phần thi viết. Với sự chuẩn bị chu đáo, các thí sinh đã bình tĩnh, tự tin hoàn thành tốt các phần thi của mình.
 
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải Nhất ở phần thi đọc, viết nhanh bằng tiếng Việt cho 2 thí sinh là Trần Thị Nức (Hội người mù huyện Gia Bình) và Nguyễn Thị Hải Anh (Hội người mù huyện Thuận Thành).

Giải Nhất phần thi đọc viết nhanh bằng tiếng Anh cho thí sinh Dương Thị Vui (Hội người mù thị xã Từ Sơn). Đồng thời, trao 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các thí sinh.
 
Hội thi là dịp đẩy mạnh phong trào học tập, sử dụng chữ Braille, qua đó nâng cao trình độ dân trí, từng bước giúp hội viên người mù xóa đi mặc cảm, tự ti trong cuộc sống, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong các cấp Hội. Đồng thời, lựa chọn những thí sinh xuất sắc tham gia Hội thi đọc, viết nhanh chữ Braille do Trung ương Hội người mù Việt Nam tổ chức vào quý III năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...