Giải pháp giúp học sinh lớp 12 học, làm tốt bài thi đọc hiểu

GD&TĐ - Từ năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT chủ trương ra đề thi tốt nghiệp THPT theo hướng mở. Nếu chỉ nắm kiến thức từ các văn bản cố định, học sinh sẽ không giải quyết tốt các yêu cầu của đề bài.

Giải pháp giúp học sinh lớp 12 học, làm tốt bài thi đọc hiểu

Những hạn chế khi ôn tập, làm bài thi

Từ thực tế giảng dạy, qua trao đổi, thảo luận với nhiều đồng nghiệp, cô Lê Thị Băng Tuyền và Nguyễn Thị Hồng Phấn (Trường THPT Mạc Đĩnh, Châu Thành, Bến Tre) nhận thấy:

Giáo viên ở mỗi trường ôn tập theo một tài liệu biên soạn riêng mang tính cá nhân, chưa có định hướng chung thống nhất; thuần túy dựa trên những gợi ý từ những tài liệu tham khảo; hướng dẫn cho HS làm bài tâp, mỗi bài tập phải trả lời nhiều dạng câu hỏi khác nhau...

HS không nắm đươc những kiến thức cơ bản trong phần thi trả lời câu hỏi đọc hiểu một cách có hệ thống nên còn nhầm lẫn giữa các dạng đề, phân vân khi trả lời câu hỏi.

Một số HS vì không nắm chắc kiến thức nên trả lời theo kiểu "giăng lưới", làm mất điểm một cách đáng tiếc.

Học sinh không có kĩ năng để hoàn thành phần đọc - hiểu một cách đồng đều giữa các cá nhân với nhau, các lớp, các trường.

Hai cô giáo phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS không trả lời tốt phần thi đọc hiểu như sau:

Những kiến thức để trả lời câu hỏi đọc hiểu đã được học từ những năm học trước, thậm chí chủ yếu là kiến thức về tiếng Việt (từ vựng, ngữ pháp....) ở bậc THCS. Đến bậc THPT, học sinh phải tiếp thu thêm một lượng lớn kiến thức mới nên nhiều em tức thời chưa tái hiện được kiến thức đã học.

Thứ hai, do trình độ tư duy của một phần lớn HS còn hạn chế nên không nhớ được nội dung bài học vừa xong, huống chi những kiến thức đã học cách đây vài năm, vài tháng.

Thứ ba, hệ thống các bài tập tuy có rèn và nhắc lại kiến thức nhưng vẫn còn rời rạc. Kiến thức ở bài tập này không thể áp dụng hoàn toàn cho bài tập khác. Tuy có dạng giống nhau nhưng mỗi một văn bản là một tình huống cụ thể, cần dựa trên nền kiến thức chung để linh hoạt xử lí.

Tâm lí HS và cả GV bối rối, thiếu tự tin khi giải quyết vấn đề ôn tập đọc -hiểu văn bản. Một số GV và HS cho rằng phần thi đọc hiểu là đơn giản nên không chú trọng đến khâu hệ thống lại kiến thức tiếng Việt quan trọng (từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp) nên không trả lời tốt dù câu hỏi thật sự đơn giản, không đòi hỏi nhiều ở năng thụ cảm thụ tác phẩm.

Giải pháp ôn luyện Ngữ văn đọc - hiểu hiệu quả cho HS 12

Cô Lê Thị Băng Tuyền và Nguyễn Thị Hồng Phấn chia sẻ: Từ năm học 2012-2013 trở về trước, GV tập trung ôn tập và rèn luyện kĩ năng diễn đạt khi phân tích các các văn bản văn học.

Học sinh chỉ cần ôn theo các văn bản văn học, thậm chí không cần triển khai thêm nhiều, không cần vận dụng các kiến thức ở những năm học trước.

Năm học 2013-2014 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa chủ trương thi đề mở. Kiến thức trong bài làm phải được tích hợp từ kiến thức văn học lẫn xã hội, từ kiến thức đang học với kiến thức đã học một cách hơp lí.

Trong giai đoạn đầu (học kì I và đầu học kì II) năm học 2013-2014, chúng tôi chỉ áp dụng giải pháp: Biên soạn nhiều bài tập cho HS luyện tập mà chưa hệ thống lại các kiến thức cơ bản cho các câu hỏi trong phần thi đọc hiểu. Tỉ lệ HS đạt điểm trên 6 toàn bài của trường còn thấp.

Đến cuối năm học 2013-2014, chúng tôi nhận thấy, trước khi làm bài tâp, học sinh phải nắm các kiến thức cơ bản rồi mới có thể tiếp cận các bài tâp, các văn bản cụ thể. Từ đó, chúng tôi đã thảo luận, cùng nhau hệ thống lại các câu hỏi thường gặp theo từng dạng nội dung, mức độ.

Ở từng dạng, bên cạnh kiến thức cơ bản nhất sẽ có những ví dụ gần gũi, bài tập vận dụng tương ứng. Những ví dụ, bài tập chủ yếu lấy từ các văn bản thơ, truyện ... trong chương trình Ngữ Văn 12 hiện hành, từ tài liệu Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT quốc gia và từ sự nghiên cứu tìm tòi các văn bản ngoài chương trình, nhất là những bài thơ, văn bản hiện đại có ý nghĩa giáo dục tư tưởng và lối sống cho các em.

Để có được nội dung ôn tập đọc - hiểu tốt, 2 cô giáo cho rằng, người GV cần tiến hành các bước sau:

Bước 1: Nghiên cứu, tìm hiểu thật kĩ chủ trương, chỉ đạo chung của Ngành, những quy định thi đối với môn Ngữ văn để nắm các dạng câu hỏi, các dạng đề thường gặp.

Bước 2: Sắp xếp các dạng câu hỏi theo nhóm chủ đề, theo nội dung.

Bước 3: Biên soạn, hệ thống lại các dạng, nhóm chủ đề một cách cụ thể, dễ hiểu (theo trình tự: kiến thức cơ bản, mấu chốt nhất đến các ví dụ đã học, đã đọc, bài tập vận dụng) xem như đề cương đọc - hiểu.

Ở từng dạng, không ôn tập dàn trải mà có xoáy vào những nội dung học sinh dễ nhầm lẫn hoặc phân vân. Cụ thể, qua nghiên cứu, cô Lê Thị Băng Tuyền và Nguyễn Thị Hồng Phấn sắp xếp các câu hỏi trong phần thi đọc- hiểu theo những dạng chủ yếu sau:

Dạng 1: Xác định nội dung chính, chủ đề hoặc câu chủ đề và đặt nhan đề cho văn bản (định hướng các em cách xác định).

Dạng 2: Biện pháp tu từ. Ở từng biện pháp tu từ, triển khai theo trình tự: củng cố khái niệm, dấu hiệu nhận biết - phân tích ví dụ minh họa. Trong đó, chú ý giúp học sinh phân biệt hai biện pháp tu từ thường gặp ẩn dụ và hóan dụ. Đây là 2 hai biện pháp tu từ học sinh dễ nhầm lẫn với nhau.

Dạng 3: Xác định phương thức biểu đạt. Giáo viên định hướng học sinh phân biệt các phương thức biểu đạt dựa trên đặc trưng của chúng. Sau đó cho ví dụ vận dụng cụ thể.

Dạng 4: Xác định phong cách ngôn ngữ; nhấn mạnh đặc trưng và chốt dấu hiệu cơ bản để học sinh nhận diện; sau đó cho ngữ liệu luyện tập nhận biết.

Dạng 5: Xác định thể thơ. Giáo viên giúp học sinh nắm một số thể thơ, xoáy sâu vào 3 thể thơ thường gặp là thơ tự do, thất ngôn, ngũ ngôn.

Dạng 6: Sử dụng từ ngữ, diễn đạt (lỗi chính tả, dùng từ, điền từ, đặt câu, sắp xếp câu....chỉ ra các từ ngữ biểu thị một nội dung nhất định). Trong đó, tập trung biên soạn kĩ cho 5 dạng đầu tiên vì các dạng này có những nội dung khó xác định.

Bước 4: Tiến hành ôn luyện, củng cố kiến thức và kĩ năng đọc- hiểu cho học sinh trên lớp theo đề cương đã soạn thống nhất.

Bước 5: Sau khi đã ôn tập hết tất cả các dạng câu hỏi, GV cho học sinh tiếp cận những bài tập tổng hợp gồm nhiều dạng câu hỏi để kiểm tra mức độ vận dụng của học sinh. Phần nào HS chưa giải quyết được, GV sẽ tiếp tục định hướng, giảng giải, gợi ý .

Nói tóm lại, giáo viên ôn luyện đọc hiểu qua 2 khâu chủ yếu: ôn tập lý thuyết rồi vận dụng thực hành.

2 hướng ôn tập

Theo chia sẻ của cô Lê Thị Băng Tuyền và Nguyễn Thị Hồng Phấn, cách tiến hành ôn tập theo hai hướng: ôn tập lồng ghép và ôn tập tập trung.

Ôn tâp lồng ghép: nhắc lại kiến thức đã học bằng cách lồng vào nội dung bài đang học (tái hiện và nhắc lại kiến thức).

Ôn tập tập trung: Tổ chức ôn tập theo chủ đề, theo nhóm câu hỏi trong các tiết tăng tiết hoặc tự chọn ở trường.

Thời gian tiến hành vào cuối học kì II, khi ôn tập chuẩn bị thi HK (đầu tháng 4).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.
Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.