(Tiếp theo và hết)
Nỗi oan được hóa giải
Ngày 7/9/2001, Sở GD&ĐT Bắc Kạn có Công văn số 665/TC-ĐT về việc giải quyết chế độ cho ông Hoàng Lâm Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn ra Quyết định hủy Quyết định kỷ luật số 295/QĐ-TC ngày 2/8/1988 về việc kỷ luật ông Hoàng Lâm Thanh do Chủ tịch UBND huyện Ba Bể ký.
Ngày 22/1/2002, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Quyết định số 58/QĐ-UB về việc hủy bỏ Quyết định số 295/UB-QQĐTC do Phó Chủ tịch Nông Văn Lệnh ký, vì quyết định này ban hành trái với Điều lệ về kỷ luật lao động. Và cho tới ngày 27/2/2008, sau 6 năm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Hà Đức Toại đã ra Quyết định số 318/UB/QĐ-TC về việc giải quyết chế độ bảo hiểm đối với ông Hoàng Lâm Thanh.
Quyết định của Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Hà Đức Toại, có nêu rõ: Hình thức buộc thôi việc đối với ông Hoàng Lâm Thanh là không còn có giá trị. Và, “1- Việc giải quyết chế độ cho ông Hoàng Lâm Thanh thuộc trách nhiệm của UBND huyện Ba Bể, yêu cầu UBND huyện Ba Bể khẩn trương chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc trong quý II/2008. Mọi vướng mắc trong quá trình thực hiện, huyện trao đổi ý kiến với các ngành chức năng của tỉnh để thống nhất giải quyết. 2- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn UBND huyện Ba Bể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ cho ông Hoàng Lâm Thanh theo đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, sau khi có Quyết định của UBND về việc hủy Quyết định kỷ luật, ông Hoàng Lâm Thanh vẫn chưa có niềm vui thực sự. Việc “giải oan” đã xong, nhưng ai sẽ là người giải quyết hậu quả, đền bù trách nhiệm, bồi thường thiệt hại về uy tín và vật chất (chế độ) mà ông lẽ ra được hưởng trong những năm ông bị nghỉ thôi việc?
Khi PV báo GD&TĐ đến điều tra và phản ánh lên công luận cách đây 18 năm, nhiều người ngỡ đến nay nhà giáo Hoàng Lâm Thanh đã được hưởng mọi chế độ hưu trí. Tuy nhiên, cho đến nay, ông chưa được giải quyết bất kỳ một chế độ nào sau khi hồ sơ đã hoàn thành từ năm 2001.
Bao giờ thầy Hoàng Lâm Thanh có chế độ?
Căn nhà ngói cấp 4 cũ, tường rêu phong, cheo leo trên đồi, không có lối vào, bốn bề hun hút gió, xa xa là rừng núi điệp trùng vây quanh - là tổ ấm đi về và cũng là nơi chứng kiến những vui buồn và thăng trầm trong cuộc đời của nhà giáo Hoàng Lâm Thanh. So với thời gian trước, ông xuống sức và gầy đi rất nhiều. Tuổi già, mang trong mình bệnh tật và nỗi buồn của một thời đèn sách gắn bó với sự nghiệp trồng người, cho đến nay, ông bà vẫn sống cuộc sống kham khổ vì không có lương hưu.
Củi từng bó được ông bà tích lũy để đun hàng ngày ở góc sân. Nước được lấy từ mạch nguồn trên núi đổ vào bể chứa. Cuộc sống đạm bạc, không ít khó khăn. Vì ông bà không có bất kể một khoản thu nhập nào. Mặc dù, các con lo giúp ông bà, mỗi người một chút, nhưng ông bà bao giờ cũng có cảm giác mắc lỗi với các con. Thậm chí, đôi lúc ông nghĩ mình như gánh nặng cho các con. Giá như ông có chút lương hưu... thì không đến nỗi nào... Nhất là bao bệnh tật của tuổi già đang sầm sập chạy đến.
Ông đã mang nỗi buồn và thất vọng sắp đi qua 1/3 thế kỷ. Vật đổi sao dời, đồng nghiệp người còn người mất. Nhưng trong ký ức những người còn biết đến vụ việc cách đây 28 năm đã lắc đầu và bất bình vì cách ứng xử mất tình người ngày đó. Ông đã và đang tiếp tục gửi đơn lên các cấp chính quyền, các ban ngành, gửi báo chí của ngành... Đồng hành cùng ông là đồng nghiệp, học trò, kể cả những người đã thành đạt sau này, những phụ huynh học sinh, những người thân của ông.
Để tìm hiểu tiếp tục vụ việc, vừa qua, chúng tôi đã tới gặp các phòng chức năng của huyện Ba Bể. Trưởng phòng GD Ba Bể Phạm Đức Thắng cho biết, sự việc này ông đã nghe nói, tuy vậy đã lâu nên hồ sơ không rõ ai giữ. Gặp Trưởng phòng Nội vụ Chung Ngọc Mẫn, cũng bảo đã quá lâu, không biết hồ sơ thầy Thanh ở đâu. Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Ba Bể Nông Văn Thuyết cho biết, luôn sẵn sàng ủng hộ ông Thanh, vì vụ việc này, bên ông đã nắm được. Nhưng chưa thấy phòng ban nào gửi hồ sơ đến để bên ông hướng dẫn giải quyết giúp ông Thanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Thanh đã hoàn tất toàn bộ giấy tờ để nộp cho Phòng GD Ba Bể để Phòng có trách nhiệm làm chế độ cho ông từ năm 2002. Song, ông vẫn chưa nhận được chế độ.
Vì vậy, đơn thư của ông Thanh cứ đi lòng vòng, lại ra UBND tỉnh Bắc Kạn rồi túa đi Thanh tra, Sở GD&ĐT... tỉnh. Rồi lại trở về UBND huyện Ba Bể. Các phòng ban đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, trong khi đó bên bảo hiểm xã hội chưa có hồ sơ để thực hiện các bước tiếp theo cho ông Thanh. Thế là ông lại gửi ra tỉnh (nay đã lên thành phố).
Và lại có công văn gửi về huyện, yêu cầu thực hiện... Lối giải quyết theo kiểu đèn cù này đã gần 20 năm. Bệnh tật, vất vả, âu lo, thất vọng... nhà giáo lão thành năm nao giờ mệt mỏi, bệnh tật rất nhiều, đôi mắt bàng bạc nhìn không rõ, ông hướng về xa xăm, nơi đại ngàn mây trắng đi qua và bao bọc ông, như thể nhìn vào nơi hoang vắng. Nhưng ông bảo, ông sẽ đi đến cùng với hành trình đòi quyền lợi cho mình. Không chỉ cho mình, mà cho người thân nữa. Vì ông không muốn con cái nghĩ về cha mình là người bị kỷ luật để đến giờ ra nông nỗi này.
Kiên trì và nhẫn nại, mỗi khi có đơn, ông lại được phúc đáp bằng hồi âm của văn phòng UBND tỉnh Bắc Kạn bằng việc đề nghị cơ sở địa phương và các ban ngành chức năng huyện Ba Bể giải quyết.
Cứ như vậy, kể từ năm 2002, khi có Quyết định của Phó Chủ tịch tỉnh Nông Văn Lệnh hủy bỏ Quyết định kỷ luật sai của UBND của huyện, chưa đêm nào giấc ngủ đến với thầy giáo già trọn vẹn. Chỉ vì việc tắc trách và giải quyết sự việc theo kiểu đèn cù của các ban ngành nơi đây.