Không dạy trước chương trình
Bà Đào Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang - cho biết: Sở vừa có văn bản về việc tổ chức hoạt động cho trẻ em, học sinh hè năm học 2021 - 2022. Trong đó, yêu cầu các đơn vị không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất cứ hình thức nào cả trong và ngoài nhà trường.
Cụ thể, với các trường tiểu học, ngoài việc không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, nhà trường không được dạy trước chương trình. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm quản lý giáo viên dạy ngoài nhà trường theo đúng quy định.
Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình, nhà trường phân công giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ học sinh. Ngoài ra, tổ chức đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học. Hiệu trưởng tổ chức xét học sinh hoàn thành chương trình lớp học và hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2021 - 2022 trước ngày học sinh tựu trường 1 tuần.
Các trường THCS và đơn vị trực thuộc sở GD&ĐT, sở nghiêm cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trong hè (trừ học sinh lớp 9 ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 và học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022).
Học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, nhà trường phân công giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ học sinh. Đồng thời kiểm tra, đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học. Hiệu trưởng tổ chức xét học sinh hoàn thành chương trình năm học 2021 - 2022 trước ngày học sinh tựu trường 1 tuần. Các hoạt động dạy học văn hóa, dạy nghề, ôn tập, phụ đạo cho học sinh, các đơn vị chỉ tiến hành sau ngày tựu trường năm học 2022 - 2023.
Bà Hường cho biết thêm: Sở yêu cầu cơ sở giáo dục tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan thực hiện việc tuyên truyền, chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, thanh, thiếu niên, nhi đồng theo chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền, bổn phận của trẻ em, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em, về công tác phòng ngừa tội phạm, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh.
Bên cạnh đó, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời đối với những hành vi sai trái của học sinh. Thực hiện quản lý học sinh trong dịp hè, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào tệ nạn xã hội.
“Các cơ sở giáo dục tuyên truyền, phổ biến cho cha mẹ học sinh những kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn và chăm sóc, giáo dục trẻ. Quản lý thời gian, việc học tập, vui chơi, mối quan hệ của trẻ em, học sinh, sử dụng mạng xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, vận động cha mẹ học sinh tạo điều kiện cho con em mình được tham gia các hoạt động do địa phương, nhà trường tổ chức...”, bà Hường lưu ý.
Các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch tổ chức bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương và gia đình; tiếp nhận học sinh trở lại trường học tập sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè; đề nghị các tổ chức Đoàn, Đội tại địa phương nhận xét, đánh giá học sinh sau kỳ nghỉ hè.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục lập số điện thoại đường dây nóng để nhận thông tin, xử lý những tình huống bất thường và phân công giáo viên phụ trách, quản lý học sinh theo địa bàn dân cư để công tác bàn giao, tiếp nhận học sinh đạt hiệu quả.
Tăng tốc ôn tập cho học sinh cuối cấp
Thực hiện văn bản chỉ đạo của sở, Trường THPT chuyên Bắc Giang không tổ chức dạy thêm, học thêm dịp hè. Theo thầy Hiệu trưởng Trần Duy Phương, nhà trường tổ chức ôn luyện cho học sinh khối 12. Học sinh được phân loại để có điều kiện ôn tập tốt nhất, tự tin bước vào kỳ thi đạt kết quả cao nhất, đặc biệt phấn đấu có thủ khoa toàn quốc…
Chương trình cốt lõi cơ bản hoàn thành, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) chính thức bước vào giai đoạn ôn tập, củng cố kiến thức, chuẩn bị “hành trang” cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhà trường xếp thời khóa biểu ôn tập lồng ghép với thời khóa biểu chính khóa hoặc trái buổi sao cho phù hợp. Các em được ôn tập theo những môn thi tốt nghiệp THPT và tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội mà học sinh lựa chọn.
“Cùng với việc ôn tập, học sinh lớp 12 hoàn thành thi thử lần thứ 4, trong đó có 1 lần do sở GD&ĐT tổ chức. Qua đánh giá từ kết quả thi thử cho thấy chất lượng học tập cao hơn so với năm học 2020 - 2021. Sau mỗi kỳ thi, nhà trường đánh giá thang điểm cho từng bộ môn để thầy cô nghiên cứu, đổi mới phương pháp phân loại học sinh trên lớp, có giải pháp học tập phù hợp để nâng lên điểm 9, điểm 10 với học sinh khá, giỏi. Còn học sinh thuộc nhóm trung bình khá nâng giáo án bài tập để nâng dần điểm số các môn...”, thầy Lưu Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) thông tin.
Trường THPT Ngô Sĩ Liên cũng đặc biệt quan tâm học sinh trung bình và yếu để củng cố kiến thức hiệu quả như: Thầy cô tăng cường bồi dưỡng, phân công học sinh khá giỏi kèm cặp bạn học kém hơn.
Còn thầy Đỗ Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Bắc Giang) - nhấn mạnh: Nhà trường nghiêm túc thực hiện văn bản của sở GD&ĐT. Theo thầy Tuấn, việc ôn tập, bồi dưỡng dịp hè chỉ diễn ra với học sinh lớp 9 để giúp các em tự tin, đạt kết quả cao tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023.