Dồn lực cho dạy và học
Chiều 3/11, bà Trần Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thế cho biết, UBND huyện có văn bản thông báo cho HS tạm dừng đến trường để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, HS các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp nghề trên địa bàn huyện phải tạm dừng đến trường nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thời gian thực hiện kể từ ngày 3/11 đến khi có thông báo mới của UBND huyện.
Trong thời gian HS tạm dừng đến trường, các cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến, chỉ tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.
Đối với các trường tiểu học, THCS, THPT và trung cấp nghề triển khai dạy học trực tuyến. Riêng Trường PTDT Nội trú huyện Yên Thế tiếp tục dạy học trực tiếp nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Phan Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường TH Canh Nậu (Yên Thế) cho biết, từ 3/11, nhà trường dạy học trực tuyến theo phương án 2. Cụ thể, dạy học qua các phần mềm Google Meet, Zoom và quay video phát trực tiếp cho HS học tập... Đồng thời kết hợp với giao bài tập, nhắn tin, trao đổi trực tiếp, Zalo, Facebook.... cho HS.
“Trường TH Canh Nậu đã đầu tư 5 phòng học trực tuyến, đảm bảo thuận lợi trong việc dạy học cho 5 khối lớp. Hiện, 100% giáo viên nhà trường có kĩ năng sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến và chuẩn bị bài dạy chu đáo. Bởi vậy, việc dạy trực tuyyến đảm bảo được chương trình học tập. HS thực hiện nghiêm túc theo quy định về giờ học, nội dung học tập...”, cô Huyền nói.
Theo cô Huyền, việc dạy học trực tuyến, nhà trường cũng gặp một số khó khăn khi còn số ít học sinh không có phương tiện học tập. “Nhà trường tạo điều kiện cho các lớp về phương tiện dạy học trực tuyến.
Vận động học sinh đi học nhờ theo nhóm (nếu thiếu thiết bị - PV) để tham gia học trực tuyến với sĩ số cao nhất. Giao bài trực tiếp và hướng dẫn học sinh học tập trên tin nhắn, Zalo, Facebook, gửi video tiết học để giúp HS học tập tốt nhất...”, cô Huyền nêu giải pháp.
Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Hiệp - Phan Thanh Linh cho biết, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến tại 5 phòng học của 5 khối lớp qua phần mềm Zoom, Zalo Zavi. Với tổng số 384 học sinh, 100% các em tham gia bắt nhịp ngay trong ngày đầu học trực tuyến.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám cho biết, năm học 2021 - 2022 với sự đầu tư xây mới 15 phòng học cùng với trang thiết bị dạy học hiện đại đã đáp ứng tốt yêu cầu của dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch phát sinh.
“Với đường truyền Internet ổn định, với băng thông lớn, đội ngũ giáo viên thành thạo công nghệ thông tin tham gia dạy học. Bên cạnh đó, HS có tinh thần học tập nghiêm túc. Ngay khi phải chuyển sang học trực tuyến thì thầy trò không còn bỡ ngỡ đã bắt nhịp học tập, đảm bảo tốt chương trình kế hoạch giảng dạy...”, ông Bình thông tin.
Tuy nhiên ông Bình cũng thừa nhận, việc dạy học trực tuyến khiến tương tác, hoạt động nhóm giữa các HS, tương tác giữa giáo viên và HS còn khó khăn, hạn chế so với dạy trực tiếp.
Gỡ khó cho học trực tuyến
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Trần Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thế cho biết, thống kê cho thấy, trong ngày đầu dạy học trực tuyến (3/11) cấp THCS thì HS tham gia là 5.620/6.744 em đạt 83,3%; cấp TH là 7.860/9.870 em đạt 79,64%.
Phòng GD&ĐT Yên Thế cũng thành lập tổ hỗ trợ dạy học trực tuyến và tiết học online. Tổ hỗ trợ có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn giáo viên các trường tiểu học, THCS, THPT, PTDT nội trú trên địa bàn tổ chức dạy học trực tuyến, xây dựng tiết học online và kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
Cô Hoàng Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thế cho biết, năm học 2021 - 2022 với kế hoạch, phương án dạy học trực tuyến khi có dịch phát sinh. Bởi vậy, 1.285 HS toàn trường cùng thầy cô bắt nhịp và triển khai tốt việc dạy và học.
“Từ đầu năm học 2021 - 2022, nhà trường vẫn kết hợp dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến vì có một số học sinh nhà trường (ở vùng có dịch miền Nam chưa kịp trở về nhà). Vì vậy, việc dạy và học trực tuyến diễn ra thuận lợi, đảm bảo chất bài học...”, cô Hạnh cho hay.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND huyện Yên Thế quyết định trưng dụng nhiều cơ sở giáo dục làm khu cách ly tập trung như: Ký túc xá và bếp ăn Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế; Mầm non Hương Vỹ; Mầm non Bố Hạ; Mầm non Đồng Lạc; Mầm non Tân Sỏi; Mầm non Đồng Kỳ và Mầm non Đông Sơn…
Khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án
Ngày 2/11, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản hỏa tốc về việc chấn chỉnh việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Văn bản nêu rõ, trong ngày 1/11, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh ổ dịch mới tại huyện Yên Thế, bước đầu xác định có 10 trường hợp F0.
Nguyên nhân do Ban Chỉ đạo PCD và các cấp chính quyền huyện Yên Thế, xã Hương Vĩ đã chủ quan, lơ là, không quản lý chặt chẽ theo quy định đối với những người từ vùng dịch tỉnh Bắc Ninh về địa phương.
Tỉnh Bắc Giang nhận định, đây là ổ dịch rất phức tạp do các trường hợp F0 tiếp xúc nhiều người (liên quan đến quán ăn, cỗ cưới, trường mầm non…).
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nghiêm khắc phê bình Ban Chỉ đạo PCD huyện Yên Thế, cá nhân đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện và Chủ tịch UBND huyện Yên Thế.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện Yên Thế tập trung cao lực lượng thực hiện khẩn trương khoanh vùng, truy vết, điều tra, xét nghiệm, cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của ổ dịch. Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người và áp dụng các biện pháp khác trong phạm vi thẩm quyền để khống chế thành công ổ dịch trong 1 tuần.
Giao Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Yên Thế khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện Yên Thế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Huyện ủy Yên Thế tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCD tỉnh Bắc Giang cũng như Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để lây lan dịch bệnh trên địa bàn.