Dụ dỗ bằng công nghệ cao
Công an huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) vừa phối hợp với các đơn vị, địa phương giải cứu an toàn 5 thanh thiếu niên đang theo học trường THCS trên địa bàn huyện và tỉnh Yên Bái bị dụ dỗ đi tìm việc làm với mức lương cao.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Thượng tá Phạm Hữu Tuấn, Trưởng Công an huyện Yên Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên lực lượng công an xã chính quy trên địa bàn huyện tiếp nhận, xử lý một vụ việc liên quan đến dụ dỗ đi tìm việc làm cho học sinh. Quá trình giải quyết nhanh chóng, khẩn trương, chuyên nghiệp và có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương.
Thượng tá Tuấn cũng nhấn mạnh, chỉ cần chậm một chút, nếu các nạn nhân bị đưa qua bên kia biên giới thì hậu quả khôn lường.
Là cán bộ trực tiếp tham gia vụ giải cứu các em học sinh, Đại úy Lương Văn Tình - Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp - Công an huyện Yên Dũng cho biết, qua trình báo của chị L.T.H ở thôn Hưng Thịnh, xã Tư Mại cơ quan công an khẩn trương vào cuộc điều tra.
Cụ thể, chị H cho biết, sáng 31/5, cháu N.T.Q.A (SN 2008, là con gái chị H. xin phép đến Trường THCS Cảnh Thụy tổng kết năm học. Đến trưa cùng ngày, không thấy con về, gia đình chị lo lắng tỏa đi tìm nhưng không có kết quả.
Ngay sau đó, gia đình chị H vội kiểm tra camera ở nhà thì phát hiện cháu Q.A có về nhà lấy quần áo nhưng đã chủ động rút nguồn điện của camera để tránh bị phát hiện khiến đình càng hoảng hốt.
“Qua tìm hiểu ở Trường THCS Cảnh Thụy, một giáo viên cho biết, có nhìn thấy một số cháu gái, trong đó có cháu Q.A, cuối giờ sáng lên một chiếc xe ô tô loại 5 chỗ sau đó đi đâu không rõ.
Nhận thấy tình hình vụ việc nghiêm trọng, người thân cháu Q.A làm đơn trình báo gửi Công an xã Cảnh Thụy. Tiếp nhận thông tin, Đại úy Lương Hữu Bắc, Phó trưởng Công an xã Cảnh Thụy khẩn trương xác minh và báo cáo Công an huyện Yên Dũng...”, Đại úy Tình nhớ lại.
Bước đầu, Công an xã Cảnh Thụy nhanh chóng xác định có 4 cháu gái đi chuyến xe đó gồm: N.T.Q.A, D.T.M.N (SN 2008) ở thôn Bình Voi, N.T.Q.N (SN 2009) ở thôn Đông cùng xã Cảnh Thụy và H.H.L (SN 2007) ở thôn Ninh Tiến, xã Tiến Dũng (Yên Dũng).
Công an huyện Yên Dũng đã liên lạc với các cháu bằng điện thoại, mạng xã hội… đều không được, cá biệt cháu H.T.L còn cố tình nói không chính xác địa điểm, tuyến đường di chuyển hoặc thông tin sai lệch, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Khẩn trương lần theo dấu vết, các cán bộ công an huyện Yên Dũng đã tìm ra người lái xe 5 chỗ. Theo lời khai của người này, các cháu có thuê xe để đi ra bến xe Nước Ngầm (Hà Nội).
Lúc này, được sự chi viện của Công an huyện Yên Dũng và Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang), tổ công tác lập tức đến bến xe Nước Ngầm, đề nghị bến xe hợp tác, trích xuất camera an ninh và kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên các xe. Qua đó, phát hiện 4 cháu lên một chiếc xe khách chạy từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam.
Lúc này chiếc xe khách đã đi đến địa bàn tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp tạm giữ chiếc xe và 5 cháu gái.
Ngay trong ngày 1/6, tổ công tác của Công an xã Cảnh Thụy (Công an huyện Yên Dũng) di chuyển vào đến nơi, xác minh chính xác các nạn nhân. Làm việc với Công an tỉnh Bình Thuận, được biết đã nhiều lần công an địa phương này chặn bắt các chuyến xe đưa người sang Campuchia làm việc trái phép.
Đại úy Tình cho biết, đến sáng 3/6, 4 cháu được lực lượng công an đưa về gia đình, riêng cháu C.A.V, Công an huyện Yên Dũng đã liên hệ, bàn giao cho Công an tỉnh Yên Bái.
Trốn gia đình đi làm hè
Chưa hết bàng hoàng về sự việc, cháu N.T.Q.A và D.T.M.N kể lại, khoảng cuối tháng 5/2022, các cháu lên mạng xã hội để tìm kiếm việc làm trong dịp hè.
Sau đó cháu H.H.L có nói tìm được việc ở một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên nhưng các cháu còn lại không đồng ý. Vài hôm sau, cháu H.H.L lại nói đi làm ở quán phở tại Hà Nội, các cháu còn lại thống nhất sẽ trốn gia đình đi làm.
Trong thời gian đó, một đối tượng không quen biết, không rõ địa chỉ, lấy tên trên mạng xã hội là “Hoa” nhắn tin cho cháu H.H.L qua ứng dụng Messenger hứa tìm việc làm cho các cháu trong miền Nam. Điều kiện là chỉ cần biết sử dụng máy tính, đánh máy thành thạo với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, nếu làm tốt có thể cao hơn.
Tin lời, các cháu không báo cho gia đình mà tự ý bỏ đi, lúc lên xe khách có thêm cháu C.A.V (SN 2007, dân tộc Mông, ở tỉnh Yên Bái) cũng bị đối tượng “Hoa” dụ dỗ.
Thượng tá Phạm Hữu Tuấn, Trưởng Công an huyện Yên Dũng cũng cho biết, thời gian tới Công an huyện tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc và chỉ đạo công an các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm buôn bán người, kịp thời ngăn ngừa loại tội phạm này.
Trao đổi với Báo GD&ĐT, ông Lương Đình Giáp – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Dũng cho biết, sau khi nắm bắt vụ việc, phòng đề nghị các trường (tiểu học, THCS) tuyên truyền đến các bậc phụ huynh học sinh, nhân dân, nâng cao cảnh giác.
Đồng thời, yêu cầu các trường báo cáo nhanh tình hình (nếu có) và tổ chức tìm hiểu, thăm hỏi, động viên, quan tâm kịp thời 4 học sinh trên.
“Các trường cần tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh học sinh và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện Yên Dũng. Phòng GD&ĐT cũng đang xây dựng tiếp văn bản chỉ đạo để chỉ đạo các trường nâng cao cảnh giác qua thực tế diễn ra trên...”, ông Giáp bày tỏ.
Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Dũng, khi các cháu chuẩn bị kết thúc năm học, phòng có hướng dẫn hoạt động hè tới các trường. Trong đó, yêu cầu, các trường phải tham mưu với các cấp chỉ đạo chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyền truyền chăm sóc, giáo dục, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
“Bắt đầu nghỉ hè, học sinh chuẩn bị bàn giao về địa phương là Phòng GD&ĐT đã hướng dẫn các trường thực hiện tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh là tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động phù hợp ở địa phương, các câu lạc bộ...”, ông Giáp nhấn mạnh.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Dũng cũng cho biết, qua sự việc một lần nữa vừa phải tuyên truyền sâu rộng hơn. Đồng thời, nêu cao cảnh giác để cho phụ huynh, nhân dân nắm được hành vi của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, lôi kéo lừa đảo về việc làm thêm.